Trong tuyến bài 4 kỳ “Nhịp đập nơi vùng biên” nhóm phóng viên Tạp chí Sức khỏe và Môi trường sẽ phác họa bức tranh tổng thể trong phát triển kinh tế, xã hội của vùng, nhất là vùng biên giới trên bộ và trên biển. Cùng với đó, khát vọng vươn mình của vùng đất Tây Nam bộ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, mở cửa đón luồng gió mới để phát triển thịnh vượng vùng đất Châu thổ Cửu Long.
Phát huy tiềm năng kinh tế biên mậu ở vùng ĐBSCL
Vùng ĐBSCL có hơn 700km bờ biển, giàu tiềm năng về tài nguyên và năng lượng tái tạo, có vị trí địa kinh tế và địa chiến lược quan trọng, do nằm trên tuyến hàng hải của trung tâm khu vực ASEAN, là cửa ngõ kết nối của các hành lang kinh tế tiểu vùng MêKông mở rộng. Cùng với đó, trên bộ dọc tuyến biên giới từ Long An, Đồng Tháp, An Giang đến Kiên Giang, các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sông đã tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá, kết nối giao thương, phát triển dịch vụ và du lịch giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia.
![]() |
TP. Hồng Ngự, Đồng Tháp đang thúc đẩy hợp tác, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đầu tư. |
Trong chuyến hành trình dọc tuyến biên giới Tây Nam, chúng tôi đã ghé thăm TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nơi đây được xem là vùng đầu nguồn của dòng MêKông chảy vào Việt Nam bên phía Đồng Tháp. Cách đây tròn 50 năm, mảnh đất Hồng Ngự này đã chứng kiến bao đau thương, mất mát của chiến tranh.
Nhớ lại câu chuyện 50 năm trước, ông Huỳnh Thanh Dũng, 87 tuổi, Cựu chiến binh phường An Thạnh, TP. Hồng Ngự, Đồng Tháp nói, “Cách đây nửa thế kỷ, Hồng Ngự chịu nhiều đau thương của chiến tranh, đất bỏ hoang, người dân xa xứ. Tuy nhiên, với sự quyết tâm giữ đất, đánh đuổi quân thù, những người lính khi đó đã ở lại chiến đấu và cùng người dân khôi phục cuộc sống”.
Sau khi biên giới Tây Nam được giải phóng, Hồng Ngự dần lấy lại nhịp sống bình yên. Nhưng bài toán về đói nghèo, thiếu thốn vẫn là nỗi trăn trở lớn. Những năm đầu thập niên 80, người dân nơi đây sống dựa vào lúa và mưu sinh theo mùa nước nổi. Chiến tranh qua đi, vết thương lòng và vết thương đất vẫn còn nhức nhối. Nhưng từ trong gian khó, những con người ở mảnh đất đầu sóng ngọn gió này đã đứng dậy, không chỉ để sống, mà còn biến vùng biên viễn thành nơi khởi nguồn của niềm tin và khát vọng. Từ thị xã nhỏ nằm sát biên giới, nay Hồng Ngự vươn mình trở thành thành phố trẻ, đầy sức sống. Năm 2020, thị xã Hồng Ngự chính thức được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Tháp, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển.
![]() |
Mô hình kinh tế giúp người dân chung sức để phát triển quê hương. |
Dẫn chúng tôi trên tuyến đường biên giới xã Tân Hội, Trung tá Lê Văn Cần, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự TP. Hồng Ngự kể, “Qua những lời kể của các bậc lão thành bám trụ tại vùng đất này từng kể, sau chiến tranh hầu như những cánh đồng lúa ở xã Tân Hội phần lớn là cỏ dại vì bom mìn. Nhưng giờ thì khác, cuộc sống của người dân đã đổi thay, phát triển tương đối toàn diện”.
Nhờ chính sách hỗ trợ của nhà nước và bộ đội giúp đỡ, nhân dân vùng biên Hồng Ngự không chỉ đủ ăn, mà còn khá giả. Cánh đồng lúa ở Tân Hội nay trồng hai vụ, xen canh hoa màu và nhiều hộ dân mạnh dạng chuyển dịch thành những vườn cây trái, hay những trang trại chăn nuôi thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Anh Thái Công Thới, Ban Chỉ huy quân sự xã Tân Hội chia sẻ, “Giữ biên giới giờ đây không chỉ là chuyện ngăn chặn xâm nhập từ bên ngoài hay buôn lậu. Đó còn là giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Khi dân giàu, đất nước mạnh, biên giới sẽ vững chắc”.
Chung tay, góp sức để phát triển quê hương
Ở đây, bộ đội không chỉ làm nhiệm vụ tuần tra, giữ vững vùng biên giới mà còn trở thành những người đồng hành của dân, giúp xây cầu, đào kênh, và hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Nguyễn Văn Niếu, 62 tuổi, ấp Tân Hòa Trung, xã Tân Hội, TP. Hồng ngự là một trong những điển hình cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi ở Tân Hội.
![]() |
Phát huy tiềm năng, thế mạnh khu vực vùng biên. |
Ông Nguyễn Văn Niếu kể, tuổi trẻ đã tham gia chiến đấu để bảo vệ quê hương, khi đất nước thống nhất đã quay trở về để góp phần phát triển kinh tế. Với ý chí quyết tâm vượt khó, ông Niếu đã cùng với gia đình mở rộng diện tích canh tác lúa, trồng màu, nuôi bò để phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng tại địa phương. Giờ đây, gia đình ông Niếu mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng, nhà cửa khang trang, con cái học hành tới nơi tới chốn, công việc ổn định.
Câu chuyện tiên phong làm kinh tế giỏi ở vùng biên giới Hồng ngự, Đồng Tháp ngày càng nhiều. Năm nay đã bước sang tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Văn Dai, ấp Tân Hòa, xã Tân Hội vẫn tiên phong với mô hình nuôi lươn không bùn trong chậu nhựa. Mô hình này mỗi năm xuất bán ra thị trường hơn chục tấn lươn thịt cùng hàng triệu con giống, thu lợi trên 300 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Dai nói, nếu để đói nghèo đeo đẳng sẽ có tội với những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Vì vậy, phải ra sức thi đua cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống thu nhập của gia đình và người dân ở khu vực. Đồng thời chọn những mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện tại địa phương để tăng thu nhập.
Kết nối để cùng nhau phát triển
Cầu Hồng Ngự 2, bắc qua sông Sở Thượng, kết nối trung tâm thành phố với huyện Tân Hồng, giúp việc đi lại thuận lợi. Cùng với đó, quốc lộ 30 được mở rộng, rút ngắn thời gian từ TP. Hồng Ngự về TP. Cao Lãnh chỉ còn hơn một giờ đồng hồ. Ngay trong những tháng đầu năm 2025, tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Prey Veng của Vương quốc Campuchia đã khánh thành cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sông Thường Phước – Kaoh Roka. Với việc khai thông cặp cửa khẩu Quốc tế này sẽ tạo nên một cửa khẩu tổng hợp, liên hoàn, đa chức năng, mở ra nhiều cơ hội cho cả hai bên, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá, kết nối giao thương, phát triển dịch vụ và du lịch, từ đó góp phần đáng kể vào việc nâng cao mức sống nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.
Trong giai đoạn 2022 - 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới giữa 2 tỉnh Đồng Tháp với Prey Veng đạt trên 1,4 tỷ USD, giá trị xuất nhập khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước. Từ cửa khẩu này, nếu đi bằng đường bộ đến Thủ đô Phnom Penh (Campuchia) chỉ mất khoảng 60 phút. Đây là tuyến đường kết nối với các thành phố lớn của Campuchia và sang Thái Lan, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Đồng Tháp đón lượng khách du lịch quốc tế di chuyển bằng đường bộ qua các nước trong khối ASEAN.
![]() |
Vùng biên giới Hồng Ngự trở thành một trung tâm giao thương quan trọng trong khu vực ĐBSCL. |
Chặng đường 10 năm khi bắt tay thực hiện Đề án phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh trật tự 8 xã biên giới tỉnh Đồng Tháp đã phản ánh rõ nét bức tranh phát triển. Đến nay, kinh tế khu vực biên giới của Đồng Tháp tăng bình quân 4,7%/năm, hàng hóa xuất khẩu biên mậu tăng 12%/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực biên giới được nâng lên, thu nhập bình quân đạt khoảng 44 triệu đồng/năm.
![]() |
Hồng Ngự vươn mình trở thành thành phố trẻ, đầy sức sống. |
TP. Hồng Ngự, Đồng Tháp đang thúc đẩy hợp tác, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, kinh tế biên mậu, giao thông vận tải liên vận, thu hút doanh nghiệp đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, biến vùng biên giới Hồng Ngự trở thành một trung tâm giao thương quan trọng trong khu vực ĐBSCL.
Trong kỳ 2 của tuyến bài "Nhịp đập nơi vùng biên", chúng tôi sẽ tới vùng đất Hà Tiên, Kiên Gang, nơi đang chuyển mình mạnh mẽ và đón đầu làn sóng đầu tư các doanh nghiệp nước ngoài. Cùng với đó, Hà Tiên đang đánh thức tiềm năng, thế mạnh của khu vực biên giới biển và bộ để phát triển kinh tế, xã hội, tạo động lực tăng trưởng mới.
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/nhip-dap-noi-vung-bien-ky-1-phat-huy-tiem-nang-the-manh-khu-vuc-vung-bien-26081.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.