Nhịp đập nơi vùng biên - Kỳ 3: Ba Chúc - đang vươn mình phát triển

(SK&MT) - Để thấy rõ hơn về sự vươn mình phát triển ở Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, nhóm phóng viên chúng tôi đã tạm biệt thành phố Hà Tiên để lên đường đến thị trấn Ba Chúc, vùng đất này từng chứng kiến tội ác của chế độ diệt chủng Pol Pot đối với đồng bào ta. Sau cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, đến nay vùng đất Ba Chúc này đang khoác lên mình áo mới, những cánh đồng lúa bạt ngàn xanh ngát, đời sống của người đang đầy đủ, ấm no.

Cách đây nửa thế kỷ, trong khi các địa phương trên cả nước hân hoan đón niềm vui đại thắng mùa xuân 1975 thì nhân dân Ba Chúc lại mang trên mình những vết thương của nạn thảm sát diệt chủng Pol Pot. Nếu so sánh xuất phát điểm của vùng đất thanh bình vươn lên sau chiến tranh thì Ba Chúc khởi điểm sau các vùng đất khác 10 năm. Đất đai cằn cỗi, nhà cửa xơ xác, cuộc sống của người dân bấp bênh giữa đói nghèo và ký ức đau thương.

Ba Chúc đang vươn mình để phát triển

Chúng tôi trở lại Ba Chúc hôm nay là thị trấn sầm uất, thực sự thay da đổi thịt của huyện Tri Tôn. Ngôi làng từng chịu tang tóc nay hồi sinh mạnh mẽ với những cánh đồng lúa bạt ngàn, những tuyến đường nối liền thôn xóm, bình quân thu nhập hàng năm của người Ba Chúc đạt trên 74 triệu đồng/năm.

Nhịp đập nơi vùng biên - Kỳ 3: Ba Chúc - đang vươn mình phát triển

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tư (áo xanh) kể lại quá khư bi hùng Ba Chúc.

Mở đầu câu chuyện về vùng đất biên giới đang vươn mình đổi thay, ông Nguyễn Văn Tư, Cựu chiến binh khóm An Hòa A, thị trấn Ba Chúc kể, giờ đây người dân đến Ba Chúc sẽ không còn phải khó khăn như trước, các dịch vụ ăn uống đều được mang đến tận nơi. Chỉ cần ngồi ở nhà, ở quán cà phê, muốn ăn gì, gọi điện là họ mang đến tận nơi. Còn di chuyển từ Ba Chúc đi An Giang hay về Cần Thơ, qua Hà Tiên, lên biên giới thì hệ thống đường bộ đã liên thông.

Là người sinh ra, lớn lên chứng kiến bao đổi thay ở đất Ba Chúc, ông Lê văn Mộng rưng rưng khi nhắc về những ngày đầu kiến thiết và so sánh sự thay đổi như hôm nay. Ông Mộng kể, gia đình có công với cách mạng, nhà có 2 người anh hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam. Ông Mộng tham gia kháng chiến bảo vệ biên giới, trở về là thương binh, sau hòa bình, rồi lập gia đình. Bằng ý chí và nghị lực vươn lên, giờ gia đình ông cuộc sống ổn và con cái đều có việc làm ổn định, gia cảnh không còn nghèo khó.

Anh Võ Văn Tuấn, Chủ tịch hội Nông dân thị trấn Ba Chúc liệt kê hàng loạt các mô hình kinh tế hiệu quả ở Ba Chúc để minh chứng đó là căn cơ giúp nhân dân Ba Chúc thoát khỏi đói nghèo. Trong đó, dấu ấn đậm nét nhất là chương trình hỗ trợ sinh kế bò thịt, bò sinh sản trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Chương trình này, mỗi hộ nhận được 2 con bò (1 con nái và 1 bò con), vừa đảm bảo hộ dân có việc làm, vừa an tâm chăm sóc bò để có thêm thu nhập.

Khoe với chúng tôi về cặp bò nhận cách nay 6 tháng nay, ông Chau Yêm, khóm An Bình, thị trấn Ba Chúc cho biết, bò cái chuẩn bị đẻ bò con. Giờ đã có đủ cỏ dự trữ cho bò ăn. Ông Chau Yêm, là một trong những hộ dân tộc có hoàn cảnh khó khăn của khóm An Bình, thị trấn Ba Chúc. Năm 2024, ông nhận hỗ trợ từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, tu sửa lại căn nhà khang trang, niềm vui nhân đôi sau khi nhận thêm cặp bò sinh sản. Không nén được cảm xúc, ông Yêm kể, đã sống ở Ba Chúc hơn nửa thế kỷ, gia cảnh đông người, ít đất nên cuộc sống còn bấp bênh, được địa phương hỗ trợ, nhiều năm qua gia đình đã vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống, giờ đây con cái học hành ổn định và chuẩn bị ra trường kiếm việc làm.

Nhịp đập nơi vùng biên - Kỳ 3: Ba Chúc - đang vươn mình phát triển

Ông Chau Yêm phấn khởi bên nhà mới và cặp bò đang phát triển tốt.

Người dân bàn nhau cùng phát triển kinh tế

Ông Lê Văn Hồng, Trưởng khóm An Bình, thị trấn Ba Chúc cho biết, An Bình là 1 trong 7 khóm của Ba Chúc và là khóm khó khăn nhất. Khóm có 769 hộ, còn 12 hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer, đến nay đều được hỗ trợ và thoát nghèo. Hầu hết nhân dân đều chí thú làm ăn, không còn tư tưởng trông chờ, ý lại vào các chính sách.

Theo chia sẻ của Phó chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc, Phan Bá Phước, trước đây địa phương hứng chịu tổn thất nặng nề trong những năm sau 1975, nhưng bằng tinh thần và nghị lực vượt khó, cả thị trấn Ba Chúc đòng lòng xóa nghèo. Giờ đây, 100% hộ dân Ba Chúc đã sử dụng nước sạch, điện lưới quốc gia, hệ thống đường giao thông, trường học, y tế đều đạt chuẩn. Hộ nghèo chỉ còn dưới 2%, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng trong những năm gần đây.

Ông Phan Bá Phước nói, từ vùng quê nghèo đói, giờ dân Ba Chúc thu nhập bình quân 74 triệu đồng/người/năm; thị trấn Ba Chúc xây dựng văn minh đô thị. Những công trình, kiến trúc, di tích, chứng tích điều được trùng tu, tôn tạo, là nơi giáo dục truyền thống lý tưởng nhất.

Hiện nay, Ba Chúc đang phát triển mạnh mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Những cánh đồng lúa mùa nổi trước kia giờ được thay thế bằng giống lúa chất lượng cao. Nhiều hộ dân còn phát triển mô hình nuôi bò, trồng cây ăn trái, mang lại thu nhập ổn định. “Ngày trước, dân Ba Chúc ai cũng nghèo, giờ thì mỗi nhà đều có ruộng lúa, có vườn cây, chuồng nuôi. Nỗi ám ảnh nghèo khó lùi xa rồi”, ông Lê Văn Mộng, 66 tuổi, nông dân Ba Chúc chia sẻ.

Nhờ gắn liền với lịch sử, Ba Chúc đang trở thành điểm đến du lịch tâm linh quan trọng. Khu di tích Nhà mồ Ba Chúc, nơi lưu giữ hài cốt của hơn 1.150 nạn nhân thảm sát, là nơi để người đời sau tưởng nhớ. Mỗi năm, hàng vạn du khách từ khắp nơi đến thắp nén nhang tưởng nhớ, tri ân. Chùa Phi Lai, chùa Tam Bửu – hai ngôi chùa từng là nơi nương náu của hàng trăm người dân trong trận thảm sát – nay cũng được trùng tu khang trang, trở thành điểm đến cho du khách hành hương. “Người dân chúng tôi luôn nhắc nhau sống tốt, làm ăn phát triển, để những người đã khuất không còn đau lòng”, ông Nguyễn Văn Tư xúc động nói.

Nhắc về thời Ba Chúc điêu tàn, ông Nguyễn Văn tư, Cựu chiến binh thị trấn Ba Chúc, người từng tham gia các cuộc khán chiến chống Mỹ, Pol Pot trên đất Ba Chúc và chọn Ba Chúc định cư chia sẻ: “Ba Chúc hôm nay không còn là làng quê xác xơ ngày nào. Những con đường nhựa chạy dài giữa cánh đồng, những ngôi nhà kiên cố mọc lên, những đứa trẻ tung tăng đến lớp tất cả cho thấy một vùng đất đang hồi sinh mãnh liệt”.

Nhịp đập nơi vùng biên - Kỳ 3: Ba Chúc - đang vươn mình phát triển

Dấu ấn đậm nét nhất là chương trình hỗ trợ sinh kế bò thịt, bò sinh sản trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Từ một địa danh gắn liền với đau thương, Ba Chúc nay là biểu tượng của sự kiên cường và trở thành một thị trấn năng động, một đô thị mang tính kết nối với các xã vùng biên của huyện Tri Tôn. Một thế hệ mới đang tiếp bước, không quên quá khứ nhưng cũng không để quá khứ níu chân. “Ba Chúc không còn khóc nữa, mà đang mỉm cười trên hành trình mới” ông Nguyễn Văn Tư khề khà nói bên Nhà mồ Ba Chúc khiến ai nghe cũng xúc động.

Trong kỳ cuối của tuyến bài, nhóm phóng viên chúng tôi sẽ quay trở lại vùng ven biển, nơi có hệ sinh thái phong phú, nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng xây đất nước.

Minh Tuấn - Phong Phú

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/nhip-dap-noi-vung-bien-ky-3-ba-chu-c-dang-vuon-minh-phat-trien-26083.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.