Nhịp đập nơi vùng biên - Kỳ 4: Kinh tế biển – lợi thế vùng đất Chín rồng

(SK&MT) - Câu chuyện ở Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã cho chúng tôi thấy biểu tượng của sự kiên cường và đang nỗ lực vươn mình phát triển. Chia tay An Giang, nhóm phóng viên chúng tôi lại quay trở lại hành trình đến với vùng đất ven biển, sôi động. Vùng biển Tây Nam với hệ sinh thái phong phú, vùng biển này mang trong mình tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển, đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng xây đất nước.

Từ những cột mốc biên giới đến những con tàu ngược xuôi trên biển, từ những mái trường vùng biên đến những khu cửa khẩu sầm uất, Tây Nam Bộ hôm nay là minh chứng sống động cho sự đổi thay mạnh mẽ. Nửa thế kỷ sau hòa bình không chỉ ghi dấu những công trình, con đường, mà quan trọng hơn là thế trận lòng dân bền vững – nơi quân và dân đồng lòng giữ gìn từng tấc đất, từng con sóng quê hương.

Địa bàn biên giới biển toàn vùng ĐBSCL có hơn 700km bờ biển, giàu tiềm năng về tài nguyên và năng lượng tái tạo, không chỉ là tuyến phòng thủ chiến lược mà còn là nguồn sống của hàng triệu người dân. Với hệ sinh thái phong phú, vùng biển này mang trong mình tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển, đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng xây đất nước.

Mũi nhọn trong phát triển kinh tế biển

Từng được ví như chàng lực điền say ngủ trên mảnh đất màu mỡ những ngày đầu chia tách, giờ đây ai đã từng đến với Bạc Liêu sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì sự đổi thay của vùng đất quê hương Công tử.Vùng ven biển Bạc Liêu hôm nay được tô điểm bởi những trụ tua-bin điện gió sừng sững vút trời. Đây được coi là bước đi đột phá, một chủ trương đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu khi lựa chọn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vừa là một trong trụ cột phát triển kinh tế, vừa là mũi nhọn trong phát triển kinh tế biển.

Nhịp đập nơi vùng biên - Kỳ 4: Kinh tế biển – lợi thế vùng đất Chín rồng
Bạc Liêu khi lựa chọn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vừa là một trong trụ cột phát triển kinh tế.

Chia sẻ về những bước đi, cách làm của địa phương, ông Tạ Trung Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, ngay khi chính thức chia tách, tái lập tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã ban hành hai nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 02 và 06 về phát triển kinh tế biển (giai đoạn 1998-2005 và 2005-2010). Đặc biệt từ khi có Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Bạc Liêu đã xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết, chương trình về phát triển kinh tế biển. Sau nhiều năm kiên trì theo đuổi mục tiêu, tư duy, nhận thức của các cấp, ngành trong tỉnh về kinh tế biển không ngừng đổi mới, nâng cao và từng bước hoàn thiện về đường hướng, chiến lược phát triển.

Theo ông Tạ Trung Dũng, từ khi Bạc Liêu chủ trương thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đời sống của nhân dân cả một vùng ven biển rộng lớn đổi thay rất nhiều. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, các dịch vụ phụ trợ phát triển theo, bà con có thêm việc làm và mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.

Đến nay, Bạc Liêu đã triển khai 8 dự án điện gió như: điện gió Bạc Liêu, Hòa Bình 1, Đông Hải 1, Đông Hải 2, LNG Bạc Liêu, với công suất gần 500MW, cùng với đó việc hộ dân lắp đặt điện mặt trời áp mái nối lưới, với tổng công suất đạt trên 3.366 kWp, đến nay Bạc Liêu đóng góp sản lượng điện khoảng 1.182.331 kWh hòa vào lưới điện quốc gia, giúp giảm phát thải 391.318 tấn CO2/năm, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh rất lớn. Không chỉ tăng nguồn năng lượng sạch, an toàn, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn tăng thu ngân sách cho tỉnh hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Không chỉ có Bạc Liêu chú trọng khai thác tiềm năng thế mạnh từ biển, mà dọc dài các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang cũng chuyển mình mạnh mẽ nhờ khai thác tiềm năng của rừng vàng, biển bạc. Là tỉnh duy nhất trong cả nước có 3 mặt giáp biển, Cà Mau phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản, trong đó, tôm là mặt hàng tạo giá trị lớn và là sản phẩm gắn bó mật thiết với đời sống, sinh kế của người dân. Ðến cuối năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,1 tỷ USD. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 570.000 tấn/năm, phát triển ngành tôm trở thành trung tâm lớn nhất ĐBSCL và cả nước với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế của tỉnh và cả nước.

Nếu bức tranh kinh tế biển của Bạc Liêu, Cà Mau được điểm tô thêm những nét chấm phá tươi mới bằng năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy hải sản thì Kiên Giang lại khai thác lợi thế từ bờ biển trải dài, đảo hoang sơ, thơ mộng để phát triển du lịch. Cùng với đảo ngọc Phú Quốc, những năm gần đây, một số hòn đảo như: Hòn Sơn, Nam Du, Bà Lụa, Hải Tặc, được Kiên Giang quan tâm đầu tư, khai thác, đưa ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững.

Nhịp đập nơi vùng biên - Kỳ 4: Kinh tế biển – lợi thế vùng đất Chín rồng
Vùng ven biển Bạc Liêu hôm nay được tô điểm bởi những trụ tua-bin điện gió sừng sững vút trời.

Vừa có chuyến tham quan, nghỉ dưỡng cùng gia đình tại quần đảo Hải Tặc, xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, anh Hoàng Sơn, một du khách chia sẻ, bị thu hút bởi thiên nhiên hoang sơ, bãi cát trải dài bên làn nước trong xanh cùng nhiều trải nghiệm thú vị tại quần đảo Hải Tặc.

Hành trình vươn khơi, bám biển

Sau chuyến biển dài ngày, anh Lê Chí Phong, chủ tàu CM - 98879 TS bắt tay kiểm tra tình trạng tàu và ngư cụ để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi tiếp theo. Hành trang không thể thiếu trong mỗi chuyến ra khơi của anh Phong là lá cờ Tổ quốc. Bởi, giữa biển khơi mênh mông, cờ Tổ quốc trên mỗi con tàu tựa như cột mốc khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng Việt Nam. Cẩn trọng chỉnh sửa lại cột cờ, anh Phong giải thích: “Lá cờ mới, tôi vừa được cán bộ Hải đoàn 42, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 trao tặng. Tàu mà không treo cờ Tổ quốc cũng giống như nhà không có nóc. Hơn thế, giữa ngàn khơi, ngắm cờ Tổ quốc như giúp ngư dân đỡ nhớ nhà, vững tin, vì hành trình vươn khơi, bám biển luôn có sự đồng hành của Đảng và Nhà nước, nhất là sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Biên Phòng, Hải quân, Cảnh sát biển”.

Trên vùng biển rộng, sinh mệnh của những con tàu và ngư phủ đôi khi trở nên mong manh bởi sự bất thường. Trong những năm qua, các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư đã phối hợp chặt chẽ để đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, an toàn ngư trường. Các đơn vị cũng thường xuyên duy trì hoạt động thông tin liên lạc, kịp thời thông báo tình hình thời tiết và cử lực lượng, phương tiện ứng cứu ngư dân khi gặp nạn trên biển.

Theo Đại tá Nguyễn Thái Dương, Phó Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 4, Vùng Cảnh sát biển 4 thường xuyên duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện trực các cấp, sẵn sàng cho các tình huống cứu hộ, cứu nạn diễn ra trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Xác định nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh từ trái tim. Chúng tôi đã kịp thời ứng cứu hàng chục vụ việc liên quan đến các sự cố thiên tai, đau ốm và bệnh tật, đưa về bờ hàng chục phương tiện, cùng hàng trăm ngư dân bảo đảm an toàn”.

Nhịp đập nơi vùng biên - Kỳ 4: Kinh tế biển – lợi thế vùng đất Chín rồng
Cánh đồng điện gió Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) khơi dậy tiềm năng kinh tế xanh.

Từ những cột mốc biên giới đến những con tàu ngược xuôi trên biển, từ những mái trường vùng biên đến những khu cửa khẩu sầm uất, Tây Nam Bộ hôm nay là minh chứng sống động cho sự đổi thay mạnh mẽ. Hành trình nửa thế kỷ sau hòa bình không chỉ ghi dấu những công trình, con đường, mà quan trọng hơn là thế trận lòng dân bền vững – nơi quân và dân đồng lòng giữ gìn từng tấc đất, từng con sóng quê hương. Nhìn về tương lai, biển Tây Nam không chỉ là không gian sinh tồn mà còn là động lực tăng trưởng quan trọng, đúng như kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.

Những cánh quạt điện gió tiếp tục quay, những con tàu vươn xa hơn, những khu du lịch biển ngày thêm tấp nập cũng là lúc khát vọng làm giàu từ biển đang dần hiện thực. Với sự chung tay của các cấp chính quyền, sự kiên trì bám biển của ngư dân và sự vững vàng của các lực lượng chấp pháp trên biển,vùng biển Tây Nam đang mở ra một tương lai tươi sáng, một đại dương xanh tràn đầy cơ hội, hòa bình và thịnh vượng.

Minh Tuấn - Phong Phú

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/nhip-dap-noi-vung-bien-ky-4-kinh-te-bien-loi-the-vung-dat-chin-rong-26084.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.