Sinh ra và lớn lên tại làng Phú Thọ, xã Ninh Diêm, huyện Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) cậu bé Trương Tấn Minh đã trải qua một tuổi thơ gian khó nhưng đầy nghị lực. Cha đi kháng chiến chống Pháp khi cậu mới hai tuổi và sau đó đã hy sinh trên chiến trường trong thời kỳ chống Mỹ, mẹ đi bước nữa, để lại cậu sống với ông bà nội ở làng quê nghèo. Tuổi thơ cơ cực không ngăn nổi niềm khát khao học tập của cậu bé Minh. Năm 6 tuổi, cậu bé lần đầu tiên cắp sách đến trường làng, dù chỉ có đôi chân trần và manh áo sờn vai. Mỗi tối, bên ánh đèn dầu leo lét, cậu kiên trì học bài, nuôi dưỡng giấc mơ được tiếp bước trên con đường học tập. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cậu bé Minh không thể tiếp tục học lên bậc trung học, thay vào đó, phải ở nhà phụ giúp giúp gia đình chăn bò. Tuy nhiên với niềm khao khát học tập luôn cuộn chạy trong người, sau 4 năm phụ giúp gia đình, cậu bé Minh quyết định xin gia đình cho đi học nghề để tự lo cho tương lai. Được gia đình đồng ý, cậu xin học nghề may tại thị trấn Ninh Hòa và sau đó vào học may tại TP.Nha Trang. Sau 3 năm theo học, cậu đã may thành thạo và tự nuôi bản thân từ nghề học được. Sống được bằng nghề, cậu bé Minh quyết định đi học lại văn hoá vào ban đêm.
![]() |
Tiến sĩ, bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Trương Tấn Minh |
Năm 1970, anh đăng ký học các lớp đêm tại Trung học tư thục Đăng Khoa và Trường tư thục Kim Yến, TP. Nha Trang. Với quyết tâm cao độ, anh vừa đi làm thợ may ban ngày vừa miệt mài việc học vào ban đêm. Với tư chất thông minh, cùng với sự cần cù, mỗi năm anh học hai lớp. Năm 1972, với 2 bàn tay trắng, anh vào Sài Gòn tiếp tục làm nghề may và đăng ký học văn hóa vào ban đêm để nuôi dưỡng ước mơ vào đại học. Không theo lộ trình thông thường, anh bỏ qua lớp 10, học thẳng lên lớp 11 tại trường Trung học tư thục Tân Văn, Sài Gòn niên khóa 1972-1973, rồi học lớp 12 tại trường Văn Hóa Sài Gòn niên khóa 1973-1974. Năm 1974, anh thi đậu Tú tài và thi trúng tuyển vào Đại học Vạn Hạnh, theo học ngành kinh tế. Tuy nhiên, với đam mê nghề y, từ một sinh viên kinh tế, anh quyết định rẽ sang ngành y – một lĩnh vực đầy thử thách nhưng cũng tràn ngập ý nghĩa nhân văn. Tháng 10 năm 1975, anh thi đậu vào Trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, chính thức bước vào hành trình của người sinh viên y khoa, học để trở thành bác sĩ y khoa tương lai. Sáu năm miệt mài học tập, ngày ngày anh đạp xe đến bệnh viện thực tập, chiều học lý thuyết ở trường, tối trực đêm tại các bệnh viện để tích lũy kinh nghiệm, trang bị kiến thức chuyên môn…những khó khăn, vất vả không làm anh chùn bước mà chỉ càng hun đúc thêm ý chí vươn lên trong anh.
Năm 1982, sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa, anh xin về TP. Nha Trang – mảnh đất quê hương nơi nuôi dưỡng anh khôn lớn để công tác. Anh được phân công làm việc tại Bệnh viện Da Liễu và phụ trách công tác phòng, chống bệnh phong cho toàn tỉnh. Tận tâm với nghề, không ngại gian khó, anh dần khẳng định được năng lực và sự cống hiến của mình trong việc phục vụ bệnh nhân và xây dựng đơn vị. Năm 1990, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Da Liễu. Năm 1993, anh theo học Cao học về Quản lý y tế tại Viện Phát triển Y tế Á Châu ở Bangkok từ nguồn học bổng của Đại học Mahidol, Thái Lan. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Quản lý Y tế, năm 1995, anh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Y tế. Với những đóng góp xuất sắc trong công tác y tế tỉnh nhà, sau 3 năm anh được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa. Từ năm 1997-2001, anh thi đậu và theo học khóa nghiên cứu sinh Tiến sĩ y học. Năm 2001, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và vinh dự nhận bằng Tiến sĩ Y học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong suốt quá trình công tác, anh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển hệ thống y tế tỉnh Khánh Hòa. Từ việc cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho đến đào tạo nguồn nhân lực từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, anh đã góp phần mở ra một giai đoạn phát triển mới cho ngành y tế địa phương.
![]() |
Sau khi nghỉ hưu, anh vẫn tiếp tục cống hiến cho cộng đồng thông qua các hoạt động thiện nguyện. Anh trở thành Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Bệnh nhân nghèo và Quyền trẻ em tỉnh Khánh Hòa góp phần giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn. 20 năm đi vào hoạt động, Hội Bảo trợ người khuyết tật, bệnh nhân nghèo và quyền trẻ em tỉnh đã khẳng định vai trò kết nối, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, mang lại cơ hội sống tốt hơn cho hàng chục nghìn lượt người. Hội đã vận động được hơn 124 tỷ đồng, qua đó, hỗ trợ trang thiết bị y tế cho một số bệnh viện, góp phần điều trị bệnh đục thủy tinh thể, chấn thương chỉnh hình, hở hàm ếch, sứt môi cho hơn 1.000 lượt người già, trẻ có hoàn cảnh khó khăn; cung cấp gần 1 triệu bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại các bếp ăn từ thiện của các bệnh viện; trao tặng 1.500 xe lăn, xe đạp cho người khuyết tật và học sinh nghèo; xây mới 16 ngôi nhà; tặng học bổng cho 1.000 học sinh. Đồng thời, trao tặng hơn 10.000 phần quà cho các đối tượng hội bảo trợ, tặng kế sinh nhai cho gần 1.000 lượt người… Riêng năm 2024, với nguồn kinh phí vận động được hơn 13,4 tỷ đồng, hội đã triển khai các hoạt động bảo trợ cho hơn 100.000 lượt người như: Xây mới nhà, hỗ trợ sinh kế, mua bảo hiểm y tế, trang thiết bị y tế, cải thiện bữa ăn cho người khuyết tật, bệnh nhân nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Bên cạnh hoạt động chuyên môn, thiện nguyện, bác sĩ Trương Tấn Minh còn làm thơ, viết nhạc chủ đề về tình ca, về những công việc lặng thầm của những người khoát blu trắng. Đến nay, bác sĩ Trương Tấn Minh cũng đã viết được trên 100 tác phẩm âm nhạc và cũng đã xuất bản 2 tập nhạc (Tuyển tập Những tình khúc Trương Tấn Minh do Nhà Xuất bản Phương Nam Film in phát hành năm 2019, và Tuyển tập Tình khúc Lời trái tim yêu được in năm 2024). Với những cống hiến không mệt mỏi, anh nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Y tế, UBND tỉnh. Năm 2009, anh vinh dự nhận được danh hiệu Thầy thuốc ưu tú; năm 2017, anh được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc Nhân dân, ghi nhận những đóng góp to lớn của anh cho sự nghiệp y tế nước nhà.
![]() |
Câu chuyện của tiến sĩ, bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Trương Tấn Minh không chỉ là hành trình vượt khó của một con người mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ, khẳng định rằng nghị lực và học vấn có thể thay đổi số phận, biến ước mơ thành hiện thực.
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/tien-si-bac-si-thay-thuoc-nhan-dan-truong-tan-minh-luon-het-long-vi-su-nghiep-y-te-26101.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.