![]() |
Trẻ mắc sởi trong 3 ngày vẫn tiêm được vaccine sởi. |
Trẻ mắc sởi trong 3 ngày vẫn tiêm được vaccine sởi
Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ bị phơi nhiễm sởi trong vòng 3 ngày vẫn có thể tiêm vaccine phòng sởi vì vaccine vẫn có hiệu quả trong phòng bệnh diễn biến nặng.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi trung ương ghi nhận khoảng 1.600 bệnh nhân mắc sởi. TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, điểm đáng lưu ý đối với trẻ mắc bệnh sởi lần này chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi và chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đầy đủ.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác 42.488 trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 4.027 ca được xác định dương tính với bệnh sởi, đã có 6 ca tử vong liên quan đến sởi.
Các trường hợp tử vong liên quan đến sởi được ghi nhận tại: TPHCM (2 trường hợp), Đồng Nai (1 trường hợp), Bình Dương (1 trường hợp), Bình Phước (1 trường hợp) và mới đây nhất, trường hợp tử vong là trẻ 44 tháng tuổi, ở Hà Nội.
Điều đáng nói, số trẻ mắc sởi bị biến chứng nặng và nguy cơ biến chứng nặng đa số không được tiêm vaccine phòng bệnh sởi hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng vaccine này (chiếm hơn 95%).
Trẻ 6 tháng tuổi được tiêm vaccine sởi
Theo Bộ Y tế, các trường hợp trẻ mắc sởi chủ yếu ở nhóm từ 9 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi (72,7%). Nhóm dưới 9 tuổi tháng tuổi mắc bệnh, chiếm khoảng 20%. Đây là số trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine sởi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Tuy nhiên, do dịch sởi diễn biến phức tạp, bệnh lây truyền rất nhanh, số trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh gia tăng, ngành Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Liều vaccine này được coi là cần thiết và kịp thời để bảo vệ nhóm nguy cơ, đồng thời khoảng trống miễn dịch được thu hẹp tiến tới lấp đầy, làm giảm nguồn nhiễm bệnh.
Dấu hiệu dễ nhận biết khi cần đưa trẻ đến bệnh viện
TS Đỗ Thiện Hải lưu ý các bậc phụ huynh khi chăm sóc trẻ mắc sởi ở nhà, cần quan tâm về chế độ ăn, dinh dưỡng, vệ sinh cho trẻ. Đồng thời, chú ý trẻ dưới 1 - 2 tuổi, nhất là có bệnh nền, luôn có nguy cơ diễn biến nặng.
Các biến chứng dễ nhận biết cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế như: sốt cao liên tục, bỏ ăn, mệt mỏi, li bì, khó thở…
Khi phát hiện trẻ mắc sởi, phụ huynh cần phải cho trẻ nghỉ học, để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp. Đồng thời, gia đình thông báo ngay cho nhà trường để phối hợp xử lý.
Tăng cường phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn yêu cầu Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xây dựng, rà soát, cập nhật kế hoạch phòng, chống bệnh sởi, trong đó chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị trong tình huống gia tăng các ca nghi mắc sởi, người bệnh sởi đến khám và nhập viện, gia tăng các ca bệnh nặng, nguy kịch.
Đồng thời, thực hiện các biện pháp truyền thông đa dạng (như qua loa phát thanh, poster, tờ rơi, website, fanpage..., hướng dẫn trực tiếp) để người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, học viên, sinh viên hiểu rõ về bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, hiệu quả của tiêm vaccine phòng ngừa sởi.
Tổ chức hướng dẫn, khuyến cáo người nhà người bệnh, người nghi mắc sởi, người bệnh sởi áp dụng các biện pháp giảm lây lan bệnh như đeo khẩu trang, che miệng khi hắt hơi…
Đặc biệt, tổ chức phân luồng và bố trí khu khám riêng trong khoa khám bệnh cho người nghi mắc sởi và người bệnh sởi.
Thực hiện phân cấp chuyên môn trong khám, chữa bệnh sởi theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi của Bộ Y tế. Bố trí khu vực thu dung điều trị bệnh sởi cách ly tại khoa Truyền nhiễm, khoa Nhi hoặc các khu vực cách ly của các khoa lâm sàng.
Đối với các ca bệnh sởi nặng cần phải điều trị hồi sức tích cực, bệnh viện bố trí khu vực điều trị tại khoa/đơn vị hồi sức tích cực hoặc đơn vị/giường hồi sức tích cực trong khoa vệnh truyền nhiễm… và phải bảo đảm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo.
Tổ chức hội chẩn khoa, liên khoa, bệnh viện theo quy định hoặc đề nghị hỗ trợ chuyên môn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu; điều chỉnh quy mô giường bệnh, bổ sung nhân lực phù hợp và theo đúng quy định hiện hành để đáp ứng công tác điều trị, giảm tải cho nhân viên y tế, tránh lây nhiễm chéo.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh khi thực hiện các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở y tế.
Chuẩn bị thuốc, vật tư, thiết bị y tế
Bộ Y tế cũng yêu cầu chuẩn bị thuốc, vật tư, thiết bị y tế để thực hiện công tác khám, chữa bệnh sởi, kiểm soát nhiễm khuẩn theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, ban hành ngày 26/3 vừa qua và các hướng dẫn liên quan.
Đồng thời, đào tạo, tập huấn triển khai Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi cũng do Bộ Y tế mới ban hành tại Quyết định số 1019/QĐ-BYT.
Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch ứng phó theo diễn biến tình hình bệnh sởi, phối hợp chặt chẽ giữa công tác khám, chữa bệnh và công tác dự phòng; báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc thì báo cáo kịp thời về Cục Quản lý khám, chữa bệnh để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, hướng dẫn.
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/phong-va-chong-benh-soi-nhung-dieu-nen-biet-nhung-viec-can-lam-26125.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.