Tiếp cận giải pháp mới về tái chế rác thải
Nhắc tới chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Vương quốc Bỉ (31/3 – 4/4/2025), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, chuyến thăm trên không chỉ thể hiện sự coi trọng của Vương quốc Bỉ đối với mối quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam, mà còn mở ra những cơ hội thiết thực để tăng cường hợp tác giữa hai nước, trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực môi trường, nông nghiệp và phát triển bền vững.
“Với tinh thần đó, phiên thảo luận hôm nay là một hoạt động thiết thực, góp phần cụ thể hóa những cam kết và mong muốn hợp tác giữa hai bên,” ông Thành nhấn mạnh.
Giới thiệu qua thực trạng xử lý rác thải, ông Thành cho biết cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, nhiều vấn đề môi trường đang ngày càng trở nên bức xúc trong đó có chất thải rắn.
Đáng chú ý, lượng chất thải rắn phát sinh ngày càng gia tăng với thành phần ngày càng phức tạp. Trong đó, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 61/63 tỉnh/thành phố là khoảng 67.877 tấn/ngày; chất thải rắn phát sinh từ hoạt động trồng trọt khoảng hơn 95 triệu tấn, từ hoạt động chăn nuôi khoảng 68,92 triệu tấn. Tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh khoảng 669,58 tấn/ngày…
“Thực tế này đặt ra nhu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực xử lý chất thải rắn, cả về quy mô, công nghệ lẫn hiệu quả quản lý,” ông Thành nói.
Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 đã đặt ra các mục tiêu cụ thể, có ý nghĩa định hướng cho công tác quản lý chất thải rắn. Luật Bảo vệ môi trường cũng 2020 đã có bước tiến cơ bản trong hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý chất thải rắn ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Thành, Việt Nam hiện nay vẫn đang đứng trước những thách thức lớn trong công tác quản lý chất thải rắn. Hệ thống quản lý chất thải rắn hiện tại đang gặp phải khó khăn do các nguyên nhân gồm thiếu các bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh; thiếu phương pháp xử lý chất thải rắn tiên tiến, phù hợp và nguồn lực phân bổ cho công tác quản lý chất thải rắn vẫn còn hạn chế.
Các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải chưa được chú trọng dẫn đến khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp cao. Nhiều địa phương gặp khó khăn về vấn đề bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm tái chế, trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu; chưa có cơ sở hạ tầng để xử lý tập trung chất thải thực phẩm thành mùn/phân hữu cơ, chưa có hạ tầng để tiếp nhận chất thải có thể tái chế, tái sử dụng...
Mặt khác, thực tế trên cũng cho thấy Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng cho những sáng kiến công nghệ, mô hình kinh tế tuần hoàn và giải pháp phát triển bền vững - những lĩnh vực mà Bỉ có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh.
![]() |
Tái chế rác thải nhựa là quá trình cần rất nhiều nhân lực để thu gom, phân loại và xử lý rác. |
![]() |
Việt Nam mong muốn Bỉ hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ
Trên tinh thần hợp tác cởi mở và hiệu quả, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết Việt Nam mong muốn thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác với Vương quốc Bỉ trong lĩnh vực quản lý và tái chế chất thải rắn thông qua một số đề xuất cụ thể.
Thứ nhất, Việt Nam đề nghị phía Bỉ xem xét hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong xử lý, tái chế chất thải rắn và sản xuất năng lượng từ chất thải, đặc biệt là các mô hình đã triển khai hiệu quả tại vùng Wallonie.
Thứ hai, ông Thành nhấn mạnh phía Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác nghiên cứu và đào tạo chuyên môn, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý môi trường địa phương.
Thứ ba, hai bên có thể cùng xây dựng các dự án thí điểm về kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải tại một số địa phương của Việt Nam, làm tiền đề nhân rộng mô hình trên phạm vi cả nước.
“Thứ tư, chúng tôi khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp Bỉ vào thị trường xử lý chất thải rắn tại Việt Nam thông qua các hình thức đối tác công - tư (PPP), đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh với các doanh nghiệp trong nước,” ông Thành nói.
Về phía Bỉ, Bộ trưởng Thủ hiến vùng Wallonia - ông Adrien Dolimont, nhấn mạnh hai quốc gia có nhiều tiềm năng để cùng nhau phát triển các giải pháp bền vững, dựa trên sự chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và sáng kiến từ cả hai bên.
Theo ông Adrien Dolimont, Bỉ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tái chế, tái sử dụng chất thải đứng đầu thế giới. Trong nhiều năm qua, Chính phủ Bỉ đã triển khai chiến lược quản lý chất thải từ ngăn chặn việc phát sinh chất thải; đến tái sử dụng và tái chế chất thải. Ngoài ra, Chính phủ Bỉ cũng tăng cường quản lý vật liệu bền vững bằng cách hạn chế phát sinh chất thải từ các công đoạn sản xuất; thực hiện biện pháp tiết kiệm nguyên liệu thô và năng lượng; triển khai các chiến dịch tuyên truyền, kêu gọi, khuyến khích mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững.
Với kinh nghiệm của Bỉ trong việc xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn hiệu quả, bền vững, ông Adrien Dolimont hy vọng chương trình hợp tác sẽ “khơi mở” những cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ, chia sẻ chính sách và mô hình tiên tiến, từ đó thúc đẩy Việt Nam nâng cao năng lực quản lý và tái chế chất thải rắn theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường và phù hợp với xu thế phát triển bền vững.
Trong bài phát biểu dẫn đề tổng quan về quản lý chất thải và các chiến lược trong tương lai, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cũng nhấn mạnh sự cấp thiết của việc đổi mới mô hình quản lý chất thải rắn tại Việt Nam theo hướng tổng hợp, hiện đại và bền vững.
“Trong bối cảnh lượng chất thải rắn ngày càng gia tăng nhanh chóng, việc xây dựng các chiến lược dài hạn, gắn kết giữa chính sách, công nghệ và sự tham gia của cộng đồng là yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn,” ông Thọ nói và kỳ vọng sự hỗ trợ, tiếp cận các mô hình, công nghệ của Bỉ sẽ giúp Việt Nam cải thiện vấn đề xử lý rác thải tại Việt Nam trong thời gian tới.
Với tinh thần đó, tại sự kiện, các đối tác trong nước và quốc tế cũng đã cùng nhau thảo luận về chủ đề “Kết nối kỹ năng chuyên môn của Bỉ với nhu cầu quản lý chất thải của Việt Nam.” Các đại biểu đã chia sẻ cởi mở và sâu sắc về thực trạng, thách thức và những khoảng trống trong hệ thống quản lý chất thải rắn tại Việt Nam, từ khâu thu gom, phân loại, xử lý đến tái chế và tái sử dụng.
Từ bức tranh rác thải ở Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp Bỉ (bao gồm Ecosteryl, Haemers, Menart, Ion Beam Application và trường Đại học Liège) đã giới thiệu nhiều mô hình quản lý tiên tiến, công nghệ xử lý hiện đại, cũng như những bài học kinh nghiệm về xây dựng khung chính sách, huy động nguồn lực tư nhân và thúc đẩy vai trò của cộng đồng trong quản lý chất thải rắn, có thể áp dụng tại Việt Nam./.
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/mo-co-hoi-hop-tac-quan-ly-tai-che-chat-thai-ran-hieu-qua-trong-quan-he-viet-bi-26157.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.