Gạo là niềm tự hào của xuất khẩu Việt Nam

(SK&MT) - Ngày 4/4 tại Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, với mục tiêu đưa ra các giải pháp và chiến lược mới cho ngành lúa gạo trong bối cảnh thị trường và công nghệ đang có những thay đổi mạnh mẽ. Cùng với đó bàn về xu thế tiêu dùng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm môi trường sinh thái, phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo.

Theo đánh giá, năm qua ngành hàng lúa gạo Việt Nam tạo dấu ấn đặc biệt với giá trị xuất khẩu trên 5,7 tỷ USD, giữ vững vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đây chính là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng, đồng thời mở ra kỳ vọng cho một năm mới tiếp tục gặt hái thành công. Điều đó khẳng định vị lúa gạo không chỉ là trụ cột của nền kinh tế nông nghiệp mà còn là niềm tự hào của xuất khẩu Việt Nam.

Gạo là niềm tự hào của xuất khẩu Việt Nam
Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”.

Hội thảo đã đưa ra giải pháp đột phá để phát triển ngành lúa gạo Việt Nam, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành lúa gạo. Trong đó, các chuyên gia và nhà quản lý đã chia sẻ, thảo luận về việc định vị lại giá trị của hạt gạo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế hội nhập quốc tế, từ đó thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao ra thế giới. Cùng với đó, mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng giá trị gạo Việt Nam trước thách thức từ biến đổi khí hậu, thị trường.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, ngành hàng lúa gạo có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Trong đó, vùng ĐBSCL đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu và gạo của Việt Nam đã được khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với đó, sản xuất lúa gạo đang đứng trước thách thức từ biến đổi khí hậu, môi trường, yêu cầu của thị trường về xu thế tiêu dùng xanh.

Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè nhấn mạnh, đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đang được triển khai là cơ hội, giải pháp để tiếp tục thúc đẩy ngành hàng lúa gạo phát triển. Việc triển khai đề án trong thời gian qua đã được Bộ NN&MT cùng các tỉnh, thành trong khu vực tích cực triển khai ngay từ bước ban đầu.

Gạo là niềm tự hào của xuất khẩu Việt Nam
Việt Nam giữ vững vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện nay trên thị trường xuất khẩu có 3 loại gạo gồm: Gạo thường, gạo chất lượng cao và gạo cấp cao. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu phần lớn là gạo chất lượng cao, khi chiếm tới 60 - 70%, gạo cao cấp có tên thương hiệu chiếm khoảng 15%, 10 - 15% còn lại là gạo thường. Các thống kê cho thấy, phân khúc gạo cao cấp của Việt Nam ít bị cạnh tranh bởi các nước xuất khẩu khác. Gạo của Việt Nam hiện có mặt ở nhiều quốc gia, nhiều thị trường khó tính nhờ chất lượng cao.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) chia sẻ, xuất khẩu gạo đang trên đà phát triển và thể hiện qua số liệu xuất khẩu ấn tượng và định hướng nâng cao giá trị sản phẩm. Theo ước tính lượng gạo xuất khẩu trong quý 3 tháng đầu năm trên 2,2 triệu tấn, tăng so với cùng kỳ. Cùng với đó là cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu dịch tích cực, với xu hướng tăng tỷ trọng gạo thơm, đặc sản và gạo chất lượng cao.

Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo để tạo ra sự khác biệt trên thị trường thế giới. Cùng với đó là xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả, từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm gia tăng giá trị gia tăng cho nông dân và doanh nghiệp.

Gạo là niềm tự hào của xuất khẩu Việt Nam
Gạo là niềm tự hào của xuất khẩu Việt Nam.

Theo đánh giá, “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” đã ghi nhận những thành tựu nhất định, qua đó nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đặt cần cần tăng cường kết nối giữa các tác nhân của chuỗi giá trị là nông dân, dịch vụ, công ty xuất khẩu, thị trường, tài chính, tiêu chuẩn lúa phát thải thấp.

Gạo là niềm tự hào của xuất khẩu Việt Nam
Phát triển bền vững và gia tăng giá trị gạo Việt Nam trước thách thức từ biến đổi khí hậu, thị trường.

Cùng với đó, muốn định vị và khẳng định vị trí hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới rất cần có khát vọng phát triển ngành nông nghiệp bền vững, cũng như thay đổi cách thức phát triển công nghệ, ứng dụng AI trong nông nghiệp, tư duy làm chính sách, qua đó giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng lúa.

Minh Tuấn - Hải Yến

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/gao-la-niem-tu-hao-cua-xuat-khau-viet-nam-26160.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.