![]() |
Hội nghị đánh giá 1 năm triển khai Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. |
Tại hội nghị đánh giá 1 năm triển khai “Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ngày 9/4 tại Cần Thơ khẳng định, đề án đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành và của các địa phương, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam gắn với chất lượng cao, phát thải thấp và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, Đề án được các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển quan tâm, đồng hành, hỗ trợ về kỹ thuật, tín dụng và phát triển thị trường. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đã chú trọng hơn đến liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi sang quy trình canh tác bền vững.
![]() |
Đại biểu tham dự hội nghị phát biểu. |
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai 7 mô hình điểm cấp trung ương tại 5 tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Cần Thơ. Kết quả bước đầu cho thấy mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường. Cụ thể, các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% đến 24,2% nhờ giảm 30-50% lượng giống, tiết kiệm 30-70 kg phân bón/ha, giảm từ 1 đến 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30-40% lượng nước tưới. Đồng thời, năng suất tăng 2,4-7%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.
![]() |
Đề án đã có tác động rõ rệt đến tư duy sản xuất của nông dân cũng như cách thức chỉ đạo sản xuất của cán bộ địa phương. |
Theo đánh giá, mô hình thí điểm đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, với mức giảm trung bình 2-12 tấn CO₂ tương đương/ha. Đặc biệt, toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg thóc, tạo động lực mạnh mẽ cho nông dân tham gia. Với những kết quả tích cực này, các mô hình thí điểm đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ nông dân và hợp tác xã trong khu vực. Trên cơ sở đó, Bộ đã thống nhất chủ trương với các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình trên toàn bộ 12 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hướng tới mục tiêu xây dựng nền sản xuất lúa chất lượng cao, thân thiện với môi trường và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, Đề án đã có tác động rõ rệt đến tư duy sản xuất của nông dân cũng như cách thức chỉ đạo sản xuất của cán bộ địa phương. Cùng với đó, người dần dần thay đổi quan điểm, có ý thức hơn trong việc chuyển đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang bền vững, hướng tới giảm phát thải, nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo đánh giá, một số địa phương quá quan tâm đến việc tạo và bán tín chỉ carbon thay vì tập trung vào triển khai quy trình canh tác bền vững và giảm chi phí sản xuất cho người dân. Việc đặt trọng tâm vào tín chỉ carbon mà chưa đảm bảo các điều kiện cơ bản như cải thiện hạ tầng, nâng cao kỹ thuật sản xuất có thể ảnh hưởng đến tính bền vững và hiệu quả lâu dài của Đề án. Cùng với đó, hạ tầng thủy lợi là yếu tố căn bản, then chốt để thực hiện các biện pháp canh tác giảm phát thải như tưới ngập khô xen kẽ. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho hệ thống thủy lợi chưa phù hợp với lộ trình triển khai Đề án.
![]() |
Quyết tâm, triển khai nhân rộng đề án 1 triệu hecta lúa ở vùng ĐBSCL. |
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững. Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai cụ thể theo từng vùng sinh thái, gắn với điều kiện sản xuất thực tế và tiềm năng thị trường tiêu thụ. Cùng với đó hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực, tăng cường liên kết sản xuất; đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng, phát triển các mô hình tưới tiết kiệm nước; đồng thời cải thiện hạ tầng kho chứa, logistics để giảm thất thoát sau thu hoạch.
Tại hội nghị, các địa phương Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ đều cho rằng, việc triển khai đề án đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, HTX. Cùng với đó, chú trọng chuyển đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang bền vững, hướng tới giảm phát thải, nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường. Theo đánh giá, một trong những dấu ấn lớn nhất chính là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy và nhận thức về mục tiêu phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Đặc biệt, nhiều địa phương đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp triển khai Đề án, điển hình như các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và nhiều địa phương khác đã nhân rộng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa góp phần đáng kể trong giảm phát thải khí nhà kính.
![]() |
Chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, thông qua Đề án đã hình thành các chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững. Một số doanh nghiệp lớn đã tích cực tham gia chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo chất lượng cao, hỗ trợ nông dân ngay từ khâu giống, vật tư đầu vào, đến bao tiêu sản phẩm đầu ra, bước đầu xây dựng chuỗi liên kết bền vững và minh bạch, tăng cường khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam.
![]() |
Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy phát biểu. |
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu trong thời gian tới tiếp tục mở rộng diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững theo lộ trình, xác định diện tích các vùng canh tác và cả các vùng đệm. Chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai cụ thể theo từng vùng sinh thái, gắn với điều kiện sản xuất thực tế và tiềm năng thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân theo chuỗi giá trị, xác định mô hình liên kết là một trong những điều kiện tiên quyết để các chủ thể tham gia chuỗi liên kết được hưởng hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong quá trình quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề nghị các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển phối hợp chặt chẽ với Bộ hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và nhất là huy động nguồn lực tài chính xanh phục vụ triển khai các mô hình giảm phát thải trong sản xuất lúa. Cùng với đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ xuất khẩu bền vững cho ngành hàng.
![]() |
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để định hình lại ngành hàng lúa gạo theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường. |
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để định hình lại ngành hàng lúa gạo theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, đồng thời khẳng định vị thế và thương hiệu gạo trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy, việc triển khai, nhân rộng Đề án 1 triệu hecta sẽ đóng góp vào mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam gắn với chất lượng cao, phát thải thấp và bảo vệ môi trường.
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/chuyen-doi-nen-nong-nghiep-theo-huong-hien-dai-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-26194.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.