Dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại ĐBSCL được triển tại An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Ngay trong vụ đầu tiên, vụ Hè Thu năm 2024 đã mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và người dân khi giảm chi phí sản xuất từ 30-40%, nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính. Điều này chứng minh dự án đang thúc đẩy quá trình sản xuất lúa giảm phát thải, nâng cao giá trị, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.
![]() |
Nông dân trồng lúa theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường. |
Dự án được triển khai từ năm 2023 – 2027 tại An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Trong vụ đầu tiên các doanh nghiệp đã liên kết với 12 hợp tác xã (HTX) và 27 tổ hợp tác, với tổng số hơn 1.700 nông hộ với diện tích hơn 6.100 hecta thực hiện theo quy trình sản xuất lúa bền vững. Theo đánh giá, thông qua việc triển khai quy trình sản xuất lúa bền vững, lúa được canh tác đạt mức phát thải thấp, lợi nhuận của người dân tăng cao từ 54 đến 64%. Cùng với đó tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính của toàn dự án hơn 27.160 tấn CO2.
Là doanh nghiệp tham gia dự án và nhận được số tiền thưởng hơn 370 triệu đồng, với diện tích tham gia hơn 679 hecta, đạt mức giảm phát thải khí nhà kính hơn 3.100 tấn CO2, lợi nhuận cho nông hộ đạt hơn 43%. Ông Phạm Thái Bình, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ, dự án mang tính đột phá cho ngành hàng lúa gạo, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo theo hướng bền vững, xanh - sạch - thân thiện với môi trường.
“Dự án đưa ra những tiêu chí giảm phát thải khí nhà kính để cho các doanh nghiệp tham gia. Dự án xây dựng các bước ban đầu để cho doanh nghiệp thực hiện đề án. Dự án này đưa ra cái tiêu chí là hoàn toàn nằm trong đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp”, ông Bình nhấn mạnh.
![]() |
Sản xuất lúa gạo theo hướng giảm phát thải. |
Trong vụ đầu tiên, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed tham gia với diện tích hơn 660 hecta, với 165 hộ dân tham gia tại An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Số tiền thưởng nhận được từ giảm phát thải hơn 318 triệu đồng, mức giảm phát thải khí nhà kính hơn 2.700 tấn CO2, lợi nhuận cho nông hộ đạt trên 53%.
Bà Trần Thị Trà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, đây là một phần trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy sản xuất lúa gạo theo hướng giảm phát thải. Tuy nhiên, để đạt được lợi nhuận và chứng minh giảm phát thải phải xây dựng quy trình canh tác đơn giản, dễ hiểu và dễ áp dụng, tập huấn kỹ lưỡng cho nông hộ. Cùng với đó, cử cán bộ giám sát đồng ruộng và nông hộ thường xuyên. Đồng thời, ghi chép đầy đủ nhật ký đồng ruộng, cử cán bộ có chuyên môn và kinh nghiệm về vùng canh tác.
“Chúng tôi xem đây là một phần trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy chuyển đổi hệ thống sản xuất lúa gạo theo hướng giảm phát thải”, bà Trần Thị Trà chia sẻ.
![]() |
Sản xuất lúa ở ĐBSCL đóng góp khoảng 95% vào lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. |
Sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán và thời tiết cực đoan. Cùng với đó là sử dụng quá mức vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, liên kết trong chuỗi sản xuất chưa chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã đã khiến cho ngành hàng lúa gạo thiếu tính bền vững.
Ông Tôn Thất Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN&MT tỉnh An Giang cho biết, dự án được triển khai tại 3 địa phương đã giúp người dân giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới. Đồng thời, tăng diện tích sản xuất, có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, giúp tiêu thụ sản phẩm ổn định. Cùng với đó giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp, đóng góp quan trọng vào Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp đang triển khai ở các địa phương.
![]() |
Xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo ĐBSCL bền vững. |
Dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại Đồng bằng Sông Cửu Long được triển khai nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện sinh kế cho nông dân. Dự án được thực hiện trong 6 vụ, từ năm 2023 đến 2027, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc.
Bà Trần Thu Hà, Giám đốc Dự án cho biết, dự án hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế nông nghiệp carbon thấp và tăng trưởng xanh, thông qua vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp để cải thiện sinh kế nông dân và giảm phát thải. Qua vụ đầu tiên là vụ Hè Thu 2024 đã có 8 doanh nghiệp tham gia dự án với tổng diện tích 6.100 hecta và 1.719 nông hộ, tương đương hơn 4.000 nông dân. Theo đánh giá, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và liên kết chặt chẽ với nông dân. Nông hộ tham gia dự án đạt lợi nhuận trung bình 59%, cụ thể Đồng Tháp 64%, An Giang 56%, Kiên Giang 54%, vượt mục tiêu của dự án đề ra.
![]() |
Sản xuất lúa ở ĐBSCL đóng góp khoảng 95% vào lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. |
Theo đánh giá dự án đóng góp trực tiếp vào Đề án 1 triệu ha chuyển đổi lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang được triển khai ở vùng ĐBSCL. Cùng với đó là tạo ra mô hình liên kết chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực và số hóa hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; kết nối và hỗ trợ các bên tham gia chuỗi giá trị lúa gạo. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin, dữ liệu để góp phần cập nhật chính sách phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp.
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức đến từ biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên đất và yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, tính bền vững trong chuỗi liên kết. Các dự án được triển khai sẽ thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững và giảm phát thải khí nhà kính tại ĐBSCL. Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ NN&MT cho biết, dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại ĐBSCL bước đầu đã mang lại hiệu quả về kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính, sản phẩm gạo sản xuất ra đảm bảo chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như: EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Theo ông Lê Văn Thiệt, trong thực tiễn canh tác dự án đã chứng minh giảm lượng nước, giảm phân bón, thuốc trừ sâu trong sản xuất lúa, giảm lượng phát thải khí nhà kính, tăng cường năng lực cho nông dân và doanh nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường quốc tế. Cùng với đó, dự án đã góp phần quan trọng trong triển khai, thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa ở vùng ĐBSCL, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.
![]() |
Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy chuyển đổi hệ thống sản xuất lúa gạo theo hướng giảm phát thải. |
Dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại ĐBSCL đã giúp cho người dân, doanh nghiệp sản xuất theo hướng bền vững, giảm phát thải, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, hướng đến nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây được xem là nền tảng vững chắc để thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/nong-dan-trong-lua-theo-huong-xanh-sach-than-thien-voi-moi-truong-26204.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.