![]() |
Sếu vận chuyển bằng máy bay từ Thái Lan về Việt Nam đang phục hồi tốt. |
Tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận 6 cá thể Sếu đầu đỏ đầu tiên từ Vương Quốc Thái Lan về Việt Nam. Những cá thể Sếu đầu đỏ được nhân nuôi tại Vườn thú Nakhon Ratchasima được chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không. Việc chuyển giao và tiếp nhận 6 cá thể Sếu đầu đỏ từ Vương Quốc Thái Lan về Việt Nam là dấu mốc quan trọng đầu tiên trong Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan về bảo tồn Sếu đầu đỏ.
Hiện nay, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã hoàn tất các hạng mục hạ tầng cần thiết phục vụ Đề án phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ. Ngành chức năng đã cải tạo, sửa chữa và bổ sung hạ tầng chuyên biệt tại phân khu A3, nơi dự kiến sẽ tiếp nhận các cá thể sếu đầu đỏ về.
![]() |
Đề án với mục tiêu phục hồi sinh cảnh tự nhiên, bảo tồn, phát triển sếu cũng như các loài động vật khác. |
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết, các hạng mục gồm: chuồng nuôi sếu non, chuồng ghép đôi, chuồng cứu hộ, phòng thuốc, kho dự trữ thức ăn và hệ thống camera giám sát được hoàn thiện và đảm bảo các yếu tố. Cùng với đó, tại các chuồng nuôi, thảm cỏ được cải tạo đồng bộ, hệ thống cấp nước, cửa chuồng, máng ăn uống và các thiết bị hỗ trợ chăm sóc được lắp đặt đầy đủ. Đặc biệt, mỗi chuồng đều được phủ lưới lan, trồng cây xanh xung quanh và trang bị hệ thống khử khuẩn tại cửa ra vào, nhằm đảm bảo an toàn sinh học.
Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tràm Chim, ở khu vực nuôi sếu trưởng thành theo hình thức bán hoang dã, các hạng mục như: trồng cây xanh, lắp mái che, cải tạo thảm cỏ và lắp đặt hệ thống camera đã hoàn tất. Lối đi phục vụ tham quan cũng được thiết kế thân thiện, thông thoáng, thuận lợi cho du khách tiếp cận mà không ảnh hưởng đến môi trường sống của sếu.
![]() |
Vườn Quốc gia Tràm Chim - Đồng Tháp, nơi thực hiện Đề án phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ. |
Hiện nay, mọi công tác được chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ về hạ tầng mà cả hậu cần phục vụ công tác chăm sóc sếu. Kho dự trữ thức ăn được trang bị đầy đủ thiết bị bảo quản chuyên dụng. Thức ăn cho sếu được nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, cung cấp định kỳ 3 tháng/lần và hiện đã có đủ lượng thức ăn cho 6 tháng đầu. Cùng với đó, công tác giám sát sức khỏe và hành vi sinh hoạt của sếu cũng được chú trọng. Hệ thống camera trung tâm kết nối đến từng chuồng nuôi, cho phép theo dõi liên tục. Nhân viên kỹ thuật được phân công theo dõi, ghi nhận và báo cáo định kỳ, đảm bảo quy trình chăm sóc diễn ra nghiêm ngặt, đúng chuẩn.
Vườn Quốc gia Tràm Chim đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của hệ thống hạ tầng. Khu nuôi chim sinh sản đã hoàn thành phần móng, dựng cột, xây tường và đào xong các hồ bên trong. Khu nuôi ấp sếu sinh sản cũng đang được xây dựng, hoàn thiện phần nền và kết cấu tường bao.
![]() |
Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp. |
Vườn Quốc gia Tràm Chim diện tích hơn 7.300 ha và được chia thành 5 phân khu chức năng từ A1 đến A5. Vườn được công nhận là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. Vườn nằm trong vùng trũng ngập sâu và được xem là ‘lá phổi xanh’ của vùng Đồng Tháp Mười với 130 loài thủy sản nước ngọt, là nơi trú ngụ của 231 loài chim. Việc bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ sẽ truyền tải thông điệp về gìn giữ đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã tại vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười.
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/dong-thap-voi-muc-tieu-phuc-hoi-va-phat-trien-seu-dau-do-26225.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.