Nuôi tôm theo hướng xanh, góp phần giảm phát thải khí nhà kính

(SK&MT) - Diện tích nuôi tôm của Việt Nam hơn 750.000 hecta, với sản lượng hàng năm khoảng 1,3 triệu tấn. Tôm là một trong những mặt hàng chủ lực, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia cung cấp hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, để ngành tôm phát triển bền vững, đạt mốc 10 tỷ USD, giải pháp đặt ra phải tập trung vào công nghệ, sản xuất theo hướng xanh, giảm tác động đến môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.
Nuôi tôm theo hướng xanh, góp phần giảm phát thải khí nhà kính

Nuôi tôm theo hướng xanh góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Cục Thủy sản và Kiểm ngư, Bộ NN&MT, thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là một trong 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, kim ngạch đạt hơn 10 tỷ USD. Trong đó, ngành tôm có vai trò quan trọng khi đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD/năm. Cùng với đó, nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh mẽ đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng triệu hộ nông dân.

Tuy nhiên, do sự phát triển quá “nóng” đã khiến môi trường nuôi tại nhiều vùng dần biến đổi, gây suy thoái và ô nhiễm. Vì vậy, chuyển dịch theo hướng xanh, sản xuất tuần hoàn cũng là xu thế của nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản nhằm đáp ứng với những đòi hỏi từ quy định, luật lệ, tiêu chuẩn về môi trường.

Nuôi tôm theo chuỗi khép kín từ vùng nuôi đến bàn ăn

Ông Trần Bé Sáu, Giám đốc điều hành nhà máy chế biến xuất khẩu Thủy sản Việt – Úc tại Bạc Liêu cho biết, hiện nay công ty đang ứng dụng chuỗi sản xuất khép kín từ nuôi đến chế biến và xuất khẩu, ứng phó với các thách thức từ biến đổi khí hậu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cùng với việc áp dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường đã giúp công ty đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, đây là yếu tố then chốt để đảm bảo tính bền vững và cạnh tranh của doanh nghiệp trong dài hạn.

“Chuỗi khép kín từ tôm bố mẹ, tôm giống, nhà máy thức ăn, fram nuôi, cuối cùng là nhà máy chế biến xuất khẩu đem lên bàn ăn cho người tiêu dùng. Khu nuôi bền vững với môi trường sẽ hạn chế nước thải, nuôi tôm trong nhà kính để kiểm soát được dịch bệnh cà không sử dụng kháng sinh. Cùng với đó, nhà máy chế biến có khu xử lý nước công nghệ cao để giảm thiểu môi trường, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm tốt cho sức khỏe cho người tiêu dùng”, ông Sáu chia sẻ thêm.

Nuôi tôm theo hướng xanh, góp phần giảm phát thải khí nhà kính

Nuôi tôm theo chuỗi khép kín từ vùng nuôi đến bàn ăn.

Hiện nay đã có nhiều mô hình nuôi tôm theo hướng tuần hoàn để tối ưu hóa đầu vào và đầu ra. Cùng với đó, xanh hóa chuỗi sản xuất là mục tiêu mà ngành tôm Việt Nam hướng đến và là giải pháp mà thế giới lựa chọn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trầm trọng, đây cũng là chiến lược của ngành thủy sản trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Cục Thủy sản và Kiểm ngư, Bộ NN&MT cho biết, ngành tôm đang bước vào giai đoạn cách mạng xanh với sự thay đổi mạnh mẽ về mô hình sản xuất từ truyền thống sang sản xuất bền vững, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong khâu nuôi, sử dụng năng lượng tái tạo. Trong đó, các quy trình kỹ thuật nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong ngành tôm.

“Kinh tế tuần hoàn là khi chúng ta tận dụng nguồn phụ phẩm từ tôm, bởi vì nguồn phụ từ tôm chiếm đến 50% giá trị sản xuất của tôm Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua việc tận dụng phụ phẩm vẫn chưa được chú trọng. Vì vậy, cần đẩy mạnh mô hình nuôi tôm bền vững, nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm tuần hoàn không xả thải, nuôi mô hình tôm lúa, tôm rừng và chú trọng đến các chứng nhận bền vững, và có những giải pháp cho việc thích ứng biến đổi khí hậu”, bà Nguyễn Thị Phương Dung nhấn mạnh.

Nuôi tôm theo hướng xanh, góp phần giảm phát thải khí nhà kính

Các quy trình kỹ thuật nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến.

Hiện nay, thị trường Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó tôm và cá tra là những sản phẩm thủy sản chủ lực. Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), Bộ NN&MT cho biết, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, SPS Việt Nam đã cập nhật, hướng dẫn các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng với đó, là các quy định mới về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU) và những thách thức từ các thị trường.

Theo ông Ngô Xuân Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh để phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức của các thị trường về tiêu chuẩn, chất lượng và bảo vệ môi trường. “Đề án nâng năng lực thực thi các hiệp định thương mại tự do có 9 giải pháp đồng bộ và hy vọng rằng trong quá trình thực hiện các địa phương, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý sẽ đồng hành để thực hiện, đáp ứng được quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh của các thị trường”.

Nuôi tôm theo hướng xanh, góp phần giảm phát thải khí nhà kính

Mô hình nuôi lúa tôm ở vùng ĐBSCL.

Ngành tôm Việt Nam và câu chuyện tăng trưởng xanh

Công nghệ chế biến hiện đại đã giúp Việt Nam có thế mạnh để gia tăng giá trị cho ngành tôm sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, đây cũng là 5 thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, chi phí sản xuất cao, rủi ro dịch bệnh, áp lực về tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc từ thị trường đang là vấn đề đối với ngành tôm hiện nay.

Bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xu hướng tăng trưởng xanh không chỉ là một lựa chọn mà đang dần trở thành yêu cầu tất yếu để ngành tôm duy trì vị thế trên thị trường toàn cầu. Vì vậy, giải pháp hiện nay là ứng dụng công nghệ 4.0 trong nuôi trồng, truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, phát triển kinh tế tuần hoàn, tận dụng phụ phẩm từ tôm, nhân rộng mô hình nuôi tôm bền vững, tôm sinh thái, tôm lúa và tăng cường hợp tác công, tư trong phát triển ngành tôm.

Nuôi tôm theo hướng xanh, góp phần giảm phát thải khí nhà kính

Ngành tôm Việt Nam và câu chuyện tăng trưởng xanh.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 2 tháng đầu đạt trên 542 triệu USD, tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ. Sự phục hồi của một số thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU đang giúp cho ngành tôm “bứt phá” trong năm 2025. Tuy nhiên, trước thách thức đặt ra phải sản xuất theo hướng xanh, có trách nhiệm và bền vững là nhiệm vụ quan trọng để tạo động lực phát triển cho ngành tôm, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí.

Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành tôm Việt Nam, đang bước vào giai đoạn cách mạng xanh với sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức, mô hình sản xuất từ truyền thống sang sản xuất bền vững. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vào công nghệ nuôi tôm xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường, đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường quốc tế và đạt được chứng nhận ASC, GlobalGAP. Cùng với đó, việc sử dụng thức ăn cho tôm đang được cải thiện theo hướng ít phát thải carbon, tăng tính thân thiện với môi trường.

Nuôi tôm theo hướng xanh, góp phần giảm phát thải khí nhà kính

Ngành tôm đang bước vào giai đoạn cách mạng xanh với sự thay đổi mạnh mẽ về mô hình sản xuất từ truyền thống sang sản xuất bền vững.

Ngành tôm của Việt Nam đang phát triển và đem lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi, đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, sản xuất theo hướng xanh, có trách nhiệm được xem là hướng đi mới tạo “đột phá” cho ngành tôm nâng cao sản lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng bền vững. Đây được xem là chìa khóa để khẳng định vị thế tôm Việt Nam trên thị trường thế giới, góp phần thực hiện cam kết về Net zero vào năm 2050.

Minh Tuấn - Hải Yến

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/nuoi-tom-theo-huong-xanh-gop-phan-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-26247.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.