Nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá Việt Nam có nhiều điểm sáng về trình độ nhận thức và mức độ phát triển hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ tạo động lực cho sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực cống hiến và cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội. Đồng thời góp phần giảm tổn thất cho các nhà sản xuất kinh doanh và thúc đẩy sản xuất kinh doanh hợp pháp giúp cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn và được sử dụng hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta được bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng chỉ khi Quốc hội ban hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì hoạt động này trở nên sôi động với tất cả các dạng tài sản trí tuệ được bảo hộ bao gồm bản quyền tác giả và các sáng chế kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng mới. Việt Nam đã không ngừng thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ thông qua việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu về tính đầy đủ và tính hiệu quả của hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại và quyền sở hữu trí tuệ, hiệp định của WTO và các điều ước quốc tế song phương và đa phương khác về sở hữu trí tuệ, trong đó có 16 điều ước quốc tế về bảo hộ và thanh lý quốc tế quyền sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý. Điều này đã từng bước thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam theo hướng phù hợp đầy đủ và đáp ứng chuẩn mực quốc tế về sở hữu trí tuệ, đặc biệt việc Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới đã giúp pháp luật sở hữu trí tuệ ở nước ta đổi mới và sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ là tất yếu, được coi là tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thúc đẩy hiệu quả hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.
![]() |
PGS.TS Nguyễn Minh Tân: Nghiên cứu khoa học để đóng góp cho cộng đồng, xã hội. |
Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Tân (Giám đốc Viện nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên – Đại học Bách khoa Hà Nội), chị đến với sở hữu trí tuệ tương đối tự nhiên bởi vì sau quá trình nghiên cứu, một số kết quả của chị có khả năng được ứng dụng trong thực tiễn vì thế tôi được tham gia một số chương trình hỗ trợ các nhà khoa học thương mại hóa kết quả nghiên cứu, được đào tạo, có nhận thức rất cơ bản về dạng của sở hữu trí tuệ, đặc biệt chị hiểu được tại sao sở hữu trí tuệ rất quan trọng với các nhà khoa học.
Bà Đinh Hoài Giang – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Secoin với sản phẩm của mình
Bà Đinh Hoài Giang – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Secoin cho rằng, ngay từ trước khi có hiệp đinh WTO kiến thức về sở hữu trí tuệ rất mơ hồ nhưng không thể bỏ qua được, coi đây là vấn đề cần thiết cho doanh nghiệp và từng bước nhận thức về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp càng ngày được nâng cao. Đến nay cộng đồng doanh nghiệp đang sở hữu bản quyền tác giả, sở hữu về thương hiệu của những sản phẩm mới do doanh nghiệp sản xuất ra. Có thể nói đây là thư viện khá dầy và khá nhiều thường xuyên phải quản lý nó bởi vì theo thông lệ sau một thời gian phải đăng ký lại nếu như sở hữu trí tuệ được bảo vệ một cách hợp pháp thì đấy chính là động lực cho nghiên cứu, phát triền của doanh nghiệp.
Về sự thay đổi nhận thức về sở hữu trí tuệ, PGS.TS. Nguyễn Minh Tân cho biết, trước mốc Việt Nam hội nhập toàn cầu thì các nhà khoa học cứ nghiên cứu, việc trao đổi với nước ngoài chưa nhiều, chưa mạnh, các nhà khoa học không quan tâm lắm đến sở hữu trí tuệ và cảm thấy chưa liên quan gì. Nhưng với cá nhân PGS. Tân, cuối năm 2010 tham gia một dự án với các đồng nghiệp Nhật Bản. Khi bắt đầu vào làm thì đối tác Nhật Bản yêu cầu tất cả các thành viên nghiên cứu đọc các tài liệu liên quan đến sở hữu trí tuệ đặc biệt sở hữu trí tuệ là chương quan trọng, sau đó làm bài thi online. Khi đạt điểm họ cấp cho một chứng chỉ, nộp cho Ban dự án thì mới bắt đầu làm việc. Vậy nên đẩy mạnh kiến thức, nhận thức về sở hữu trí tuệ khi hợp tác với nước ngoài có căn cứ mạnh mẽ hơn.
Hiện nay với mỗi quốc gia, doanh nghiệp năng lực sở hữu trí tuệ là một trong những năng lực nội sinh quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững. Quốc gia, doanh nghiệp nào có nhiều quyền sở hữu trí tuệ thì năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp đó càng cao. Bà Vũ Thị Chung Thủy, Công ty Secoin cho rằng, hơn 30 năm thành lập doanh nghiệp đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, trong suốt hành trình đó sở hữu trí tuệ luôn là công cụ quan trọng để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp quan tâm đến sở hữu trí tuệ không chỉ là nhãn hiệu hàng hóa mà còn quan tâm đến nhãn hiệu độc quyền và kiểu dáng công nghiệp và quyền tác giả, tác phẩm. Điều này đã giúp Công ty khẳng định thương hiệu của mình.
![]() |
Công ty Lagom Việt Nam luôn chú trọng đến bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. |
Với Công ty Lagom Việt Nam mới là mô hình khởi nghiệp mới thành lập được khoảng 5 năm nhưng cũng đã rất chú trọng đến bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Anh Đỗ Thành Vinh, đại diện Công ty đã khẳng định, ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu Lagom Việt Nam đã đặt vấn đề tiêu chí về sở hữu trí tuệ cũng như là đặt các bản quyền của sản phẩm, thương hiệu ngay từ đầu. Không chỉ doanh nghiệp, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2007 cùng với hoàn thiện về hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ nhận thức và sự quan tâm đối với công cụ này ngày càng được nâng cao trong giới khoa học.
Theo GS.TS. Lê Minh Thắng (Đại học Bách khoa Hà Nội), những sản phẩm của các chị được ứng dụng ra thị trường đều có bằng độc quyền sáng chế. Khi doanh nghiệp đến làm việc đơn vị khẳng định sản phẩm với hợp đồng chặt chẽ.
GS.TS. Lê Minh Thắng với sản phẩm của mình
Với các doanh nghiệp sản xuất, hoạt động sở hữu trí tuệ đã giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp công nghệ mối lo về xâm phạm bản quyền đang hiện hữu. Vì vậy sở hữu trí tuệ là khâu rất quan trọng trước khi đưa sản phẩm công nghệ ra thị trường. Thế mới có chuyện là sản phẩm của công ty đã có trước công ty khác nhưng không đăng ký bản quyền có tranh chấp công ty bị thua, phải gỡ bỏ sản phẩm của mình và phải đền bù cho những đơn vị mà công ty đang triển khai.
Bà Đinh Hoài Giang chia sẻ: “Lấy dấu mốc là năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO thì áp lực của việc sở hữu trí tuệ phải được bảo vệ. Sau khi đăng ký nhãn hiệu, đăng ký sản phẩm trong nước, chúng tôi tiếp tục đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm quốc tế. Hiện nay, chúng tôi đã đăng ký thương hiệu của chúng tôi tại 10 nước thông qua WIPO, theo hiệp ước Madrid. Chúng tôi ý thức được rằng việc đăng ký sở hữu trí tuệ là việc cần thiết. Thông qua các công ty luật và sự nghiên cứu chúng tôi hoàn thiện dần kiến thức của mình và sau này khi va chạm vào vấn đề liên quan đến hoạt động sở hữu trí tuệ trong quá trình sản xuất kinh doanh thì đó là kiến thức giúp chúng tôi nâng cao nhận thức của mình và biết bảo vệ mình ở khâu, hạng mục nào. Tuy nhiên trong thực tế có những sản phẩm của Công ty chúng tôi như viên ngói đang lưu hành và đã đăng ký là sản phẩm độc quyền tại Cục sở hữu trí tuệ cách đây 10 năm, hiện nay gia hạn thêm là 15 năm. Không phải một đơn vị vi phạm mà có vài đơn vị vi phạm. Chúng tôi đã phải mang mẫu của mình với mẫu của đơn vị vi phạm đến Viện khoa học sở hữu trí tuệ giám định, rồi chúng tôi cũng chỉ có thư răn đe, nhưng việc cam kết không sản xuất sản phẩm đã được đăng ký độc quyền là cả một quãng đường dài…”.
Hàng năm có đến hàng ngàn hộ sản xuất kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ. Hàng loạt các sản phẩm na ná các sản phẩm của các hãng nổi tiếng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ lại gắn mác sản xuất tại Việt Nam. Bà Garima Sahdev - Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cho rằng, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ tương đối đầy đủ nhưng điều quan trọng vẫn phải tăng cường tính thực thi để hạn chế tối đa việc xâm phạm quyền, các doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả nhất.
Các nhà khoa học cho rằng, khi đã nhận thức đúng và đầy đủ về sở hữu trí tuệ bản thân các nhà khoa học đã những thay đổ. Trước kia các nhà khoa học nghiên cứu trước, sau đó mới đăng ký để bảo vệ kết quả nghiên cứu. Còn bây giờ nghiên cứu và so sánh sở hữu trí tuệ của Việt Nam và thế giới, đưa ra chủ đề nghiên cứu mới tức là có hai chiều, các nhà khoa học chủ động tạo ra tài sản trí tuệ mới và xây dựng chiến lược đề phát triển tài sản của mình.
Một trong những vấn đề mà nhiều nhà khoa học và các doanh nghiệp lo ngại chính là việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, thương hiệu, sáng chế và các giải pháp hữu ích. Sau khi Việt Nam hội nhập với thế giới tình trạng này càng đáng lo ngại. Chính vì vậy tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ có ý nghĩa rất quan trọng.
Sau khi Việt Nam mở cửa thương mại với toàn cầu thì xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ càng trở nên phức tạp, hoạt động này được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới như áp dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị hiện đại để sản xuất hàng hóa, làm cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý thị trường khó phát hiện thật giả. Các hành vi vi phạm này ngày càng nguy hiểm hơn ở tính chất vi phạm có tổ chức chặt chẽ không những ở các tổ chức trong lãnh thổ Việt Nam mà còn mở rộng với các tổ chức ở nước ngoài.
Để phát huy hiệu quả của sở hữu trí tuệ, các nhà khoa học và doanh nghiệp để xuất: Việt Nam đã có lợi thế là hàng lang pháp lý vững chắc, cần có sự kết hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các nhà khoa học, các doanh nghiệp để l liên kết chặt chẽ với nhau, giúp nhau bảo vệ sở hữu trí tuệ. Cần có kênh cảnh báo sớm về vi phạm; xử phạt hoặc bồi thường thật nặng thật nghiêm mỗi khi có vi phạm. Đồng thời nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng “tẩy chay” những sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ.
Tham gia Tổ chức thương mại thế giới WTO là dấu mốc quan trọng đối với nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội ở Việt Nam, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đánh dấu một chặng đường với nhiều thay đổi về pháp luật, nhận thức cũng như hiệu quả thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Trong tương lai Việt Nam chắc chắn sẽ tham gia nhiều FTA song phương và đa phương có các tiêu chuẩn sở hữu trí tuệ cao và các chế tài xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ quy định chặt chẽ hơn. Do đó Việt Nam vẫn cần phát triển phát luật sở hữu trí tuệ trên cơ sở duy trì một hệ thống sở hữu trí tuệ cân bằng theo các chuẩn mực chung mang tính toàn cầu, trong đó chú trọng tính đầy đủ và hiệu quả nhằm sử dụng sở hữu trí tuệ như một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Bài viết nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030" do Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì |
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/hoat-dong-so-huu-tri-tue-o-viet-nam-sau-khi-tham-gia-wto-26269.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.