![]() |
Khái niệm về tài sản trí tuệ
Tài sản trí tuệ là những sản phẩm do trí tuệ con người sáng tạo, ra thông qua các hoạt động tư duy, sáng tạo trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là một loại của tài sản vô hình, không xác định được bởi đặc điểm vật chất của chính nó nhưng lại có giá trị lớn vì có khả năng sinh ra lợi nhuận.
Tài sản trí tuệ bao gồm: tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ý tưởng; chương trình biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng; sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, tên thương mại; bí quyết kinh doanh, công thức pha chế; giống cây trồng mới, phần mềm máy tính...
![]() |
Quyền sở hữu tài sản trí tuệ
Các tài sản trí tuệ tồn tại dưới hình thức “quyền tài sản”. Việc xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ có thể được thể hiện dưới dạng văn bằng bảo hộ và được cơ quan có thẩm quyền cấp nhằm xác lập quyền tác giả và quyền liên quan tới quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; quyền đối với giống cây trồng.
Việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm soát tài sản trí tuệ hợp lý sẽ tác động tích cực tới thương hiệu của doanh nghiệp thông qua hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; đồng thời kích thích, khích lệ, tạo động lực cho người lao động, nhà quản trị doanh nghiệp hăng say sáng tạo bằng việc công nhận các quyền hợp pháp từ tạo dựng kết quả sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật. Đặc biệt, đối với các quyền về lợi ích kinh tế có được từ việc khai thác tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, thiết kế bố trí mạch bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp…
![]() |
Quản trị tài sản trí tuệ làm sao cho hiệu quả?
Để phát triển thương hiệu của các sản phẩm khoa học công nghệ, của doanh nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ thì các nhà khoa học, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm tới các chính sách của nhà nước về sở hữu trí tuệ như việc công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ; hỗ trợ tài chính cho việc nhận chuyển giao, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ lợi ích công cộng; khuyến khích tài trợ cho hoạt động sáng tạo và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ; ưu tiên đầu tư cho đào tạo về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Việc thu hút khách hàng tiềm năng thông qua sự khác biệt về sản phẩm, giới thiệu sản phẩm mới, quy trình mới hoặc có cải tiến đáng kể trong sản xuất, thương mại hóa và đưa sản phẩm ra thị trường là các chiến lược mà doanh nghiệp thường sử dụng để duy trì và khẳng định thương hiệu của mình. Khi phân tích thị trường bên cạnh chú ý tới giá trị quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp thì cũng cần quan tâm tới quy mô của thị trường, nhu cầu thực tế và tiềm năng của khách hàng, các sản phẩm hoặc dịch vụ cạnh tranh hiện tại hoặc có thể thay thế, quy mô, năng lực của đối thủ cạnh tranh hiện tại và tiềm ẩn.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), thương hiệu chịu sự ảnh hưởng của hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua áp dụng các tri thức mới. Tri thức mới là yếu tố chính tạo nên sức mạnh cạnh tranh, do đó các nhà khoa học, doanh nghiệp tìm ra cách thức quản trị hoạt động đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả là cần thiết. Một trong các công cụ quan trọng để quản lý thành quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đó là sử dụng hệ thống pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.
Quyền sở hữu trí tuệ cho phép các doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của họ so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh, giúp giảm thiểu các rủi ro liên quan đến việc giới thiệu sản phẩm mới hoặc cải tiến ra thị trường. Đặc biệt, các quyền sở hữu trí tuệ cho phép doanh nghiệp có được sự độc quyền đối với bí mật thương mại, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, sáng tạo văn học và nghệ thuật, do đó làm giảm khả năng sao chép từ đối thủ cạnh tranh, làm tăng cơ hội thương mại hóa tài sản trí tuệ và giải quyết các xung đột liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả hơn.
Hiểu biết về sở hữu trí tuệ, về cách thức bảo hộ và quản lý hiệu quả tài sản trí tuệ là cần thiết, quan trọng đối với các nhà khoa học, doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và xuất khẩu quốc tế. Việc quản trị tài sản trí tuệ có mối quan hệ chặt chẽ, có ảnh hưởng tích cực tới thương hiệu của mình.
![]() |
Các nhà khoa học, các doanh nghiệp cần có các bước quản trị tài sản trí tuệ như cập nhật thông tin, cung cấp link đến cơ quan có thẩm quyền; thống kê, đánh giá và phân loại các tài sản trí tuệ hiện có; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…
Quản trị tài sản trí tuệ một yêu cầu cấp thiết hiện nay, hướng đến môi trường chất lượng cho hoạt động đào tạo, đổi mới sáng tạo đảm bảo quyền và nghĩa vụ của nhà nghiên cứu, lợi ích mang lại cho xã hội từ hoạt động quản trị tài sản trí tuệ, là động lực khuyến khích các nhà nghiên cứu cống hiến và giúp ích cho nền kinh tế của đất nước. Hoạt động quản trị tài sản trí tuệ được đặt trong mối quan hệ biện chứng với các yếu tố môi trường, kinh tế, văn hóa, xã hội, điều kiện, hoàn cảnh trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế sâu rộng và phù hợp với nền kinh tế tri thức cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.
Bài viết nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030" do Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì |
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/quan-tri-tai-san-tri-tue-26272.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.