Khai thác, sử dụng thông tin sáng chế phục vụ hoạt động nghiên cứu

(SK&MT) - Tra cứu và sử dụng thông tin sáng chế đang trở thành yêu cầu cấp thiết đối với các nhà khoa học trước khi thực hiện đề tài để tránh trùng lặp và bảo đảm tính mới, tính sáng tạo trong kết quả nghiên cứu của mình.

Hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) có hai chức năng chính, đó là "chức năng cấp và bảo hộ độc quyền" và "chức năng thông tin" trong các hoạt động liên quan đến quyền SHTT.

Với chức năng thông tin, hệ thống SHTT có nghĩa vụ phổ biến thông tin rộng rãi cho công chúng trong phạm vi quốc gia và quốc tế nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo và thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ mới. Thông tin sáng chế (TTSC) mô tả chi tiết các giải pháp công nghệ mới là thành quả của các hoạt động sáng tạo và được các cơ quan công bố rộng rãi. Bản mô tả sáng chế chứa đựng TTSC do người nộp đơn đăng ký sáng chế lập ra và được các cơ quan sở hữu công nghiệp xem xét, chỉnh sửa lại theo các quy định bắt buộc, trong đó yêu cầu phải trình bày rõ ràng tình trạng kỹ thuật hiện tại và chỉ ra những điểm mới khác biệt so với tình trạng kỹ thuật đã biết trước đó và phải nêu rõ yêu cầu bảo hộ.

Khai thác, sử dụng thông tin sáng chế phục vụ hoạt động nghiên cứu

Theo thống kê của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), số đơn sáng chế nộp mỗi năm của thế giới vào khoảng một triệu rưỡi đơn đăng ký sáng chế. Cho đến nay, ước tính có khoảng hơn 50 triệu sáng chế đã được công bố trên toàn thế giới. Tại Trung tâm Thông tin (Cục SHTT Việt Nam) hiện lưu trữ khoảng 30 triệu bản mô tả sáng chế.

Hệ thống bảo hộ quyền SHTT trong đó có bảo hộ sáng chế đã làm cho các nhà sáng tạo chấp nhận nghĩa vụ bộc lộ thông tin công nghệ mới để đổi lại việc họ có được một số độc quyền khai thác thương mại thành quả đã được sáng tạo ra. Nhờ đó, công chúng được phép tiếp cận các nguồn TTSC này trong phạm vi quốc gia và quốc tế thông qua hệ thống công bố rộng rãi bằng các phương tiện internet, CD-ROM và Công báo sáng chế. Các cơ quan sáng chế quốc gia và quốc tế có nghĩa vụ xây dựng cơ sở dữ liệu sáng chế và cung cấp phương tiện truy cập miễn phí phục vụ các nhu cầu tra cứu TTSC.

Khai thác, sử dụng thông tin sáng chế phục vụ hoạt động nghiên cứu

Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, các nhà nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, các công ty hàng đầu trên thế giới đã khai thác tích cực và sử dụng hiệu quả nguồn TTSC như một công cụ hoạch định chiến lược nghiên cứu, kinh doanh và xác định tiềm năng của đối tác trên thương trường. Hiệu quả kinh tế lớn nhất từ hệ thống bảo hộ quyền SHTT là việc công bố TTSC của các đối thủ cạnh tranh chứ không chỉ đơn thuần là các khoản thu có được từ việc khai thác, sử dụng công nghệ được cấp văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, kéo theo một khối lượng lớn các sáng chế luôn được cập nhật vào nguồn TTSC đã nảy sinh một vấn đề: không thể dừng lại ở việc phân tích TTSC một cách riêng rẽ và tách biệt nhau. Xuất phát từ các nhu cầu này, ứng dụng công nghệ thông tin để phát huy tối đa lợi thế về khả năng xử lý, phân tích và kết xuất các nguồn thông tin số.

Trong hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam, việc hiểu rõ giá trị của TTSC còn hạn chế. Nhiều cá nhân và tổ chức nghiên cứu chưa có thói quen và nhu cầu sử dụng TTSC trước khi thực hiện đề tài, dẫn đến tình trạng tính mới và tính sáng tạo trong các kết quả nghiên cứu còn thấp hoặc thực hiện nghiên cứu trùng lặp với những giải pháp công nghệ đã được bộc lộ trong dữ liệu TTSC. Hơn nữa, công việc tra cứu TTSC và xử lý kết quả tìm được đòi hỏi trình độ chuyên nghiệp cao. Do vậy, cần thiết hình thành các bộ phận hoặc nhóm chuyên trách về tra cứu TTSC trong các cơ quan thông tin khoa học công nghệ có trình độ cao, nắm bắt được nhu cầu thông tin và hướng dẫn hoặc thực hiện, ứng dụng tin học trong khai thác TTSC ở những mức độ phức tạp khác nhau, nhằm tạo ra được các sản phẩm thông tin chọn lọc đáp ứng yêu cầu cụ thể của từng đối tượng sử dụng thông tin.

Khai thác, sử dụng thông tin sáng chế phục vụ hoạt động nghiên cứu
Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức các khóa tập huấn cơ bản và chuyên sâu về thông tin sáng chế
Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức các khóa tập huấn cơ bản và chuyên sâu về thông tin sáng chế

Để giúp các nhà khoa học Việt Nam có thể khai thác và sử dụng thông tin sáng chế, Tô chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã cung cấp miễn phí công cụ hướng dẫn điện tử (có tương tác) về cách sử dụng và khai thác thông tin sáng chế. Hướng dẫn điện tử này là tài liệu đào tạo bổ sung trong khuôn khổ chương trình Trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo (TISC) do WIPO khởi xướng.

Bài viết nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030" do Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì
Việt Anh

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/khai-thac-su-dung-thong-tin-sang-che-phuc-vu-hoat-dong-nghien-cuu-26297.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.