Quản lý rơm rạ trên đồng ruộng, hướng đi của nền nông nghiệp bền vững

(SK&MT) - Ngày 24/4, tại Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ đã diễn ra hội thảo "Giải pháp quản lý rơm rạ trên đồng ruộng kết hợp cơ giới hóa và cải thiện sức khoẻ đất, và ra mắt nhãn hiệu Gạo Việt xanh phát thải thấp" do Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) và Công ty CP Phân bón Bình Điền tổ chức.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân đã tập trung đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phù hợp trong cơ giới hóa canh tác lúa phục vụ Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.

Quản lý rơm rạ trên đồng ruộng, hướng đi của nền nông nghiệp bền vững

Nông dân miền Tây bắt đầu quan tâm và thu hoạch rơm trên đồng, giám phát thải.

Tại hội thảo, cũng chính thức khởi động dự án quản lý rơm rạ nhằm tăng cường sức khỏe đất và giảm phát thải trong canh tác lúa. Dịp này, Công ty CP phân bón Bình Điền đã trao tặng Trạm bơm nước thông minh cho Viện lúa ĐBSCL, đánh dấu bước tiến mới trong ứng dụng công nghệ vào quản lý nước tưới trong sản xuất lúa.

Theo các nhà khoa học từ IRRI, trong quá trình chuyển đổi sinh thái nông nghiệp, việc áp dụng cơ giới hóa trong quản lý rơm rạ không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam. Khi tối ưu hóa việc quản lý phụ phẩm nông nghiệp trên đồng ruộng sẽ đặt những viên gạch đầu tiên cho tương lai của nền nông nghiệp bền vững.

Quản lý rơm rạ trên đồng ruộng, hướng đi của nền nông nghiệp bền vững
Quản lý phụ phẩm nông nghiệp trên đồng ruộng sẽ đặt những viên gạch đầu tiên cho tương lai của nền nông nghiệp bền vững.

Tại hội thảo, nhãn hiệu "Gạo Việt xanh phát thải thấp" cũng chính thức ra mắt. Ông Bùi Bá Bổng Chủ tịch Hiệp Hội Ngành Hàng Lúa Gạo Việt Nam (VIETRISA) cho biết, “Đây là bước ngoặt mang tính chiến lược trong việc xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, hướng tới thị trường cao cấp với tiêu chuẩn khắt khe về phát thải carbon. Nhãn hiệu "Gạo Việt xanh phát thải thấp" không chỉ là nhãn hiệu thương mại mà còn là cam kết về trách nhiệm với môi trường và xã hội”.

Quản lý rơm rạ trên đồng ruộng, hướng đi của nền nông nghiệp bền vững

Máy cuộn rơm được xem là giải pháp hữu hiệu để loại bỏ tình trạng nông dân đốt rơm trên đồng sau khi thu hoạch lúa, giúp giảm phát thải.

Theo số liệu được đưa ra tại hội thảo, vùng ĐBSCL mỗi năm sản xuất khoảng 22 triệu tấn lúa và một lượng rơm rạ tương đương. Việc phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến tăng hiệu quả phân huỷ rơm rạ trên đồng góp phần rất lớn cho thay đổi tập quán đốt đồng sang nông nghiệp tuần hoàn tại chỗ, mang đến nhiều lợi ích: Giảm ô nhiễm môi trường và thất thoát dinh dưỡng trong rơm do đốt đồng. Ngoài ra tăng hiệu quả phân huỷ rơm rạ sẽ giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là metan trong quá trình canh tác ngập nước, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, tái tạo độ phì nhiêu và cải thiện sức khỏe của đất thông qua việc bổ sung chất hữu cơ, dinh dưỡng trong rơm, cải thiện cấu trúc đất và hoạt động của hệ vi sinh vật có ích. Về lợi ích kinh tế: Nâng cao năng suất, chất lượng lúa và giá trị gia tăng thông qua việc tiếp cận các thị trường cao cấp, tăng thu nhập cho người nông dân.

Minh Tuấn - Hải Âu

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/quan-ly-rom-ra-tren-dong-ruong-huong-di-cua-nen-nong-nghiep-ben-vung-26342.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.