Vĩnh Phúc:

Truyền thông dân số hiệu quả - Nền tảng cho sự phát triển bền vững

(SK&MT) - Trong những năm gần đây, Vĩnh Phúc không chỉ ghi dấu ấn mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo và an sinh xã hội, mà còn nổi bật với những kết quả ấn tượng trong công tác dân số và phát triển. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt và đổi mới toàn diện từ Sở Y tế, công tác truyền thông dân số tại tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, góp phần thiết thực vào mục tiêu nâng cao chất lượng dân số – yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững.
Truyền thông dân số hiệu quả - Nền tảng cho sự phát triển bền vững

Hình thức tuyên truyền lưu động, diễu hành qua các tuyến phố, phát thanh trực tiếp tác động đến nhận thức của từng người dân mang lại hiệu quả cao

Những con số biết nói

Tính đến cuối năm 2024, dân số toàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt trên 1,287 triệu người, tăng hơn 24.000 người so với năm trước. Đáng chú ý, tỷ suất sinh đã giảm còn 12,32%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh cũng đạt mức cao lần lượt là 97,66% và 92,06% – những con số minh chứng rõ rệt cho hiệu quả truyền thông và tư vấn y tế.

Công tác tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân có bước tiến vượt bậc, đạt 89,2% tổng số cặp kết hôn – cao gấp hơn 6 lần kế hoạch năm. Đồng thời, hơn 86,7% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, tăng gần 47.000 người so với năm 2023. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 71,03%, với tổng số người sử dụng lên tới 70.126 – đạt 105,05% kế hoạch năm.

Truyền thông dân số hiệu quả - Nền tảng cho sự phát triển bền vững

Hoạt động thăm khám sức khỏe người cao tuổi, phụ nữ trong độ tuổi sinh nở được thực hiện bài bản, thường xuyên, giúp phát hiện sớm, bảo vệ sức khỏe nhân dân

Sau những kết quả ấn tượng là cả một chiến lược truyền thông bài bản, linh hoạt và mang tính thực tiễn cao. Năm 2024, Sở Y tế Vĩnh Phúc đã tổ chức và phối hợp tổ chức hơn 160 hội nghị, lớp tập huấn, hội thi tại các địa phương; đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông lưu động, treo băng rôn, pa nô tuyên truyền tại cộng đồng.

Thông điệp truyền thông được thiết kế theo chủ đề từng tháng, quý; đồng thời kết hợp hài hòa giữa cổ động truyền thống và chuyển tải nội dung chuyên sâu như: bình đẳng giới, tác hại của mất cân bằng giới tính khi sinh, biện pháp tránh thai an toàn, chăm sóc người cao tuổi, lợi ích của sàng lọc trước sinh – sơ sinh…

Điều làm nên sức bật của truyền thông dân số tại Vĩnh Phúc chính là sự phối hợp hiệu quả giữa ngành y tế với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể. Những thông điệp vì sức khỏe cộng đồng đã được lan tỏa sâu rộng và thấm nhuần trong đời sống nhân dân.

Tiếp cận mọi nhóm đối tượng – không ai bị bỏ lại phía sau

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định rõ từng nhóm đối tượng truyền thông, từ thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đến người cao tuổi và đồng bào dân tộc thiểu số. Tùy theo đặc điểm từng nhóm, các hình thức truyền thông được linh hoạt áp dụng như: Trực tiếp tại cộng đồng: tổ chức nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, tư vấn nhóm nhỏ tại thôn, bản, trường học; Truyền thông số: sử dụng nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube để đăng tải video, livestream tư vấn sức khỏe; Sân khấu hóa: lồng ghép nội dung dân số vào tiểu phẩm, dân ca trong các lễ hội văn hóa; Truyền thanh cơ sở: phát bản tin chuyên đề theo khung giờ cố định hằng ngày.

Truyền thông dân số hiệu quả - Nền tảng cho sự phát triển bền vững

Những cuộc thi tìm hiểu về Dân số và Phát triển trong học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên được tổ chức sôi động, mang tính lan tỏa rộng khắp kiến thức về dân số và phát triển

Cùng với đó, các Trung tâm Y tế huyện, thành phố phối hợp với Trạm Y tế xã, thị trấn và lực lượng cộng tác viên dân số đã tổ chức hàng chục hội nghị, buổi nói chuyện, tập huấn tại các xã có mức sinh và tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức thành công 66 buổi nói chuyện chuyên đề và 18 hội nghị tập huấn các nội dung về dân số và phát triển thu hút hàng chục nghìn người tham gia.

Truyền thông dân số hiệu quả - Nền tảng cho sự phát triển bền vững

Chính sách về Dân số và phát triển được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đặc biệt quan tâm, nhân rộng các hình thức truyền thông, phát động toàn dân tham gia tìm hiểu, chung tay vì hạnh phúc của mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của thế hệ tương lai

Song song với đó công tác truyền thông tập trung đẩy mạnh xã hội hóa phương tiện tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản; mở rộng dịch vụ thân thiện cho thanh thiếu niên; tổ chức chiến dịch truyền thông tại các vùng khó khăn; đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ dân số các cấp và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm tính công bằng, hiệu quả và bền vững.

Ông Nguyễn Văn Cường – Trưởng phòng Dân số (Sở Y tế Vĩnh Phúc) cho biết: Năm 2025, ngành y tế Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tiếp tục hạ tỷ suất sinh thêm 0,1%, kiểm soát tỷ lệ giới tính khi sinh ở mức 112 bé trai/100 bé gái, nâng tỷ lệ khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi thêm 10% và tăng 15% tỷ lệ tư vấn tiền hôn nhân. Hướng tới mục tiêu quan trọng nâng cao chất lượng dân số, giảm tốc độ gia tăng dân số, và duy trì mức sinh hợp lý để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.”

Công tác truyền thông dân số tại Vĩnh Phúc không chỉ góp phần cải thiện nhận thức cộng đồng mà còn khẳng định vai trò then chốt trong việc xây dựng một xã hội khỏe mạnh, phát triển toàn diện về thể chất – trí tuệ – tinh thần. Đây chính là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ hiệu quả cho công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa tỉnh nhà trong kỷ nguyên mới./.

Minh Nhật

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/truyen-thong-dan-so-hieu-qua-nen-tang-cho-su-phat-trien-ben-vung-26511.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.