![]() |
Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí phát biểu khai mạc hội thảo. |
Tham dự Hội thảo có ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí; Bà Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam; Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế; các diễn giả và hơn 100 đại biểu là phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí.
Gánh nặng nỗi lo sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe
Như chúng ta đã biết, mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người, trong đó có gần 7 triệu người đang và đã từng hút thuốc, và 1,3 triệu người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.
Mối đe dọa đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước
![]() |
Bà Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam (bên phải); Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế (bên trái) dự hội thảo. |
Với hơn 15 triệu người hút thuốc, Việt Nam đang phải chịu gánh nặng y tế và kinh tế khổng lồ, với hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm do hút thuốc lá chủ động và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động. Đồng thời, chi phí y tế và thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng mỗi năm, tương đương khoảng 1,1% GDP. Trong thời gian qua, mặc dù tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành tại Việt Nam đã giảm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 41,1% năm 2021, mức giảm này vẫn còn khiêm tốn. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc cao nhất thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN .
Sử dụng thuốc lá vẫn còn phổ biến - đâu là nguyên nhân chính
![]() |
Toàn cảnh buổi hội thảo. |
Nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ sử dụng thuốc lá giảm chậm là giá thuốc lá quá rẻ, do thuế thuốc lá còn thấp. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2022, tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá của nước ta chỉ đạt 36%, thấp hơn so với trung bình của nhóm quốc gia có thu nhập trung bình (59%), và thuộc nhóm có mức thuế thấp nhất trong khu vực ASEAN, trong khi thu nhập người dân tiếp tục tăng nhanh khiến giá thuốc lá ngày càng trở nên dễ tiếp cận, với ngay cả nhóm chưa có thu nhập như là trẻ em. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới đã khuyến nghị rằng tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ ít nhất là 75% để có hiệu quả trong việc giảm tiêu dùng sản phẩm có hại này.
Hành động ngay để bảo vệ tương lai
Để làm rõ hơn các nội dung trên, Hội thảo được tập trung vào ba tham luận trình bày từ các chuyên gia kinh tế, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới, và Bộ Y tế để bàn về: Cải cách Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá để nâng cao sức khỏe và phát triển bền vững; Thuế tiêu thu đặc biệt với thuốc lá - Chính sách tài khóa ủng hộ tăng trưởng kinh tế; Quan điểm của Bộ Y tế đối với Thuế thuốc lá tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Tăng thuế thuốc lá không chỉ là công cụ tài chính mà còn là chính sách y tế công hiệu quả. Khi giá thuốc lá tăng, người hút sẽ cân nhắc việc bỏ thuốc, trong khi người chưa hút sẽ ít có khả năng bắt đầu. Việc tăng thuế thuốc lá là một bước đi phù hợp với xu hướng quốc tế và mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phần lớn chuyên gia đồng tình rằng đây là biện pháp cần thiết để giảm gánh nặng bệnh tật và chi phí y tế do thuốc lá gây ra.
Buổi hội thảo với chủ đề "Thuế thuốc lá và Phát triển bền vững" nhằm cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế và phát triển bền vững, cũng như thảo luận về vai trò quan trọng của chính sách thuế trong kiểm soát thuốc lá đã diễn ra thành công với những kỳ vọng mang đến cái nhìn tích cực trong cộng đồng về việc giảm thiểu hành vi hút thuốc có hại cho sức khỏe và cộng đồng. |
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/tang-thue-thuoc-la-giai-phap-hieu-qua-trong-viec-bao-ve-suc-khoe-cong-dong-26568.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.