Gạo giảm phát thải góp phần bảo vệ môi trường và nâng tầm vị thế gạo Việt Nam

(SK&MT) - Việt Nam đã xuất khẩu lô gạo phát thải thấp đầu tiên sang thị trường Nhật Bản, đây được xem là bước tiến mới cho ngành hàng lúa gạo, hướng đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng, khẳng định vị thế, thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng với đó, mở ra triển vọng cho ngành hàng lúa gạo, không chỉ mở rộng quy mô sản xuất gạo giảm phát thải mà còn phục vụ các thị trường khắt khe trên thế giới.
Gạo giảm phát thải góp phần bảo vệ môi trường và nâng tầm vị thế gạo Việt Nam

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường Nhật Bản.

Nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” được Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) phối hợp với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI); Tổ chức Phát triển Hà Lan và Ngân hàng thế giới (WB) tiến hành xây dựng. Nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” được cấp cho sản phẩm gạo sản xuất theo quy trình kỹ thuật của Đề án 1 triệu hecta lúa đang được triển khai ở vùng ĐBSCL.

Theo Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, giấy chứng nhận nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” được cấp cho 7 doanh nghiệp với tổng lượng gạo khoảng 20.000 tấn và lô gạo phát thải thấp đầu tiên 500 tấn đã được doanh nghiệp ở Cần Thơ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với giá bán hơn 800 USD/tấn.

Gạo giảm phát thải góp phần bảo vệ môi trường và nâng tầm vị thế gạo Việt Nam

Nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp”.

Ông Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn của các thị trường quốc tế, kể cả những thị trường khó tính. Cùng với đó, xây dựng được vùng trồng lúa chất lượng, bảo đảm an toàn lương thực, tạo thu nhập cao cho nông dân, bảo đảm môi trường sinh thái và đóng góp quan trọng vào cam kết về giảm phát thải khí nhà kính.

Là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu lô gạo phát thải thấp sang thị trường Nhật Bản, ông Phạm Thái Bình, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, TP. Cần Thơ cho biết, doanh nghiệp đã liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân để xây dựng vùng nguyên liệu từ gieo trồng đến thu hoạch, bảo quản và chế biến xuất khẩu, đây là yếu tố then chốt để đảm bảo chuỗi sản xuất hoàn chỉnh. Cùng với đó, từng quốc gia có các quy định riêng về chất lượng và an toàn thực phẩm, cần tuân thủ các tiêu chuẩn.

Gạo giảm phát thải góp phần bảo vệ môi trường và nâng tầm vị thế gạo Việt Nam
Xuất khẩu gạo giảm phát thải sang thị trường Nhật Bản với giá 820 USD/tấn.

Theo ông Phạm Thái Bình, hiện nay nhu cầu gạo chất lượng cao, giảm phát thải của thị trường thế giới rất lớn, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhập khẩu của các đối tác. Vì vậy, cần tập trung vào sản xuất gạo hữu cơ, giảm phát thải, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế. Hiện với giá xuất khẩu gạo giảm phát thải sang thị trường Nhật Bản đang được doanh nghiệp bán với giá 820 USD/tấn, cao hơn so với các loại gạo khác sẽ đảm bảo lợi nhuận cho cả nông dân và doanh nghiệp. Chính vì thế, mở rộng thị trường xuất khẩu về gạo an toàn, hữu cơ sẽ tạo điều kiện để ngành lúa gạo Việt Nam nâng cao giá trị và chất lượng.

Theo ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Chủ tịch Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL là một đề án đột phá, tạo tiền đề cho sự thành công của nông nghiệp Việt Nam. Đề án đã định hướng sản xuất theo mô hình canh bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Ngay khi triển khai ở các mô hình thí điểm và bước vào giai đoạn nhân rộng, người dân đã tin tưởng và hào hứng khi thấy được hiệu quả thiết thực như chi phí giảm, thu nhập tăng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Để có được nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” là một quá trình gian khổ, nỗ lực của rất nhiều các đơn vị, trong đó sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nông dân trong triển khai, thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa. Đề án không chỉ tăng thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường, khẳng định nông nghiệp Việt Nam ngày càng vươn xa, trở thành một nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.

Gạo giảm phát thải góp phần bảo vệ môi trường và nâng tầm vị thế gạo Việt Nam

Thứ trưởng Bộ NN&MT Trần Thanh Nam chia sẻ câu chuyện phát triển bền vững cho ngành hàng lúa gạo.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&MT Trần Thanh Nam, để đạt được nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” thời gian qua đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI); Tổ chức Phát triển Hà Lan (Dự án Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo - TRVC) và Ngân hàng thế giới (WB) đã góp phần tạo ra những giá trị gia tăng cho gạo Việt Nam.

Gạo giảm phát thải góp phần bảo vệ môi trường và nâng tầm vị thế gạo Việt Nam

Thu hoạch lúa trong đề án 1 triệu hecta ở Cần Thơ.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, gạo của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản không chỉ đảm bảo chất lượng cao mà còn đạt các tiêu chuẩn về phát thải thấp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản. Điều này cũng đã chứng minh đề án 1 triệu hecta đã mang lại tính hiệu quả và chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân từ việc tập trung vào sản lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng, mở ra hướng đi mới cho ngành hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và phát triển bền vững cho ngành hàng lúa gạo.

Gạo giảm phát thải góp phần bảo vệ môi trường và nâng tầm vị thế gạo Việt Nam

Vùng ĐBSCL đang triển khai, nhân rộng đề án 1 triệu hecta lúa.

Gạo giảm phát thải đầu tiên của Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của ngành hàng lúa gạo trong canh tác bền vững, thích ứng với xu thế tiêu dùng của thế giới. Để sản xuất được gạo giảm phát thải là sự nỗ lực rất lớn của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và ngành nông nghiệp các địa phương trong triển khai, thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thể hiện cam kết về giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Minh Tuấn - Hải Yến

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/gao-giam-phat-thai-gop-phan-bao-ve-moi-truong-va-nang-tam-vi-the-gao-viet-nam-26615.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.