Những ngày gần đây, báo chí đã xông pha vào ma trận thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng … hoành hành trên thị trường một thời gian khá dài. Những vụ án hàng giả được phanh phui đã khiến cho người tiêu dùng phải rùng mình bởi mức độ nguy hiểm của nó đã len lỏi rất sâu vào đời sống của người dân Việt Nam.
![]() |
Báo chí phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội |
Cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm, tai nạn giao thông, tình hình y tế, giáo dục học đường được báo chí cập nhật thường xuyên. Thời sự nhất phải kể đến chiến lược về sáp nhập tỉnh “Chương mới của lịch sử địa phương và khơi thông động lực quốc gia” được báo chí đăng tải liên tục để giúp mọi người dân thông suốt và giúp các cơ quan, các địa phương vận hành “chính quyền 2 cấp” một cách thuận lợi và đồng bộ.
Có thể thấy, những lĩnh vực, những góc khuất của đời sống xã hội đang ngày càng được báo chí quan tâm, qua đó độc giả nhận diện được bản chất của sự việc nhưng những phản ánh của giới nhà báo dành cho mảng phát triển năng lượng tái tạo đang rất thiếu những bài phóng sự mang tính phân tích và phản biện sâu sắc.
Thực tế cho thấy, điện sạch đang được các nước trên thế giới chú trọng vì những lợi ích to lớn của nó mang lại cho con người. Từ năm 2021 tới nay, xu thế phát triển các nguồn điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam đã chững lại do cơ chế giá FIT kết thúc nhưng chưa có cơ chế thay thế phù hợp.
“Cơ chế giá điện sau FIT chưa được ban hành kịp thời, khiến các nhà đầu tư mất niềm tin và đình hoãn nhiều dự án. Việc chuyển từ cơ chế FIT sang đấu thầu hoặc hợp đồng mua bán điện PPA theo giá trần chưa rõ ràng về phương pháp xác định giá, cơ chế chia sẻ rủi ro và lộ trình áp dụng. Đồng thời, các hợp đồng PPA hiện tại chưa có tính ràng buộc cao về pháp lý, thiếu cơ chế bảo lãnh thanh toán hoặc chia sẻ rủi ro hạ tầng - chính sách - pháp lý, khiến các tổ chức tài chính quốc tế khó tham gia đầu tư dài hạn”, PGS.TS. Đặng Trần Thọ, Viện trưởng Viện Công nghệ năng lượng (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận xét.
Một trong những rào cản lớn nhất trong quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam là sự thiếu hoàn thiện và thiếu ổn định của khung chính sách. Đến nay, dù đã ban hành Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh và các cam kết quốc tế về phát thải ròng bằng 0, nhưng vẫn chưa có một cơ sở luật về năng lượng tái tạo (Luật Năng lượng tái tạo hoặc Luật Chuyển đổi năng lượng). Điều này dẫn đến tình trạng các chính sách rời rạc, thiếu tính ràng buộc pháp lý cao, khó triển khai nhất quán giữa Trung ương và địa phương.
![]() |
Nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) thay thế cho than, dầu giúp EVN tiết kiệm hàng chục nghìn tỉ đồng. Chuyển đổi năng lượng - đòi hỏi khung chính sách toàn diện. |
Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp điện sạch đang rất bất an, vô cùng khó khăn khi “lộ trình điện sạch” quá nhiêu khê. Chính họ trông chờ “làng báo” nước nhà nên có những bài viết phản biện sâu sắc, thấu hiểu và chia sẻ với những nỗi khổ của”người làm điện sạch”.
![]() |
Điện sạch đang cần nhiều hơn nữa tiếng nói của báo chí. |
Cả nước đang trong không khí kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam rất cần báo chí làm hơn nữa, phản ánh mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội để mãi là chỗ dựa tinh thần cho mọi tầng lớp trong xã hội. Báo chí khởi nguồn cho đổi mới, phát huy sức mạnh của báo chí khi nhìn thẳng, đánh giá đúng, nói rõ sự thật, biểu dương cái tốt đi đôi với phê phán cái xấu trong kỷ nguyên số hóa, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/bao-chi-la-tieng-noi-cua-su-that-26659.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.