Nghệ An: khai mạc Hội nghị Quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai lần thứ 11

SK&MT -

Hội nghị Quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai lần thứ 11 vừa khai mạc ngày 21/9 tại TP Vinh, Nghệ An.

Hội nghị lần này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia APEC 2017 và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/9 sẽ tập trung vào các vấn đề tăng cường hợp tác và đổi mới công nghệ tiên tiến, hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.

Đây là hội nghị trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam năm 2017 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và Ban Thư ký APEC tổ chức.

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Quan chức cấp cao APEC về quản lý thiên tai lần thứ 11 được tổ chức tại Nghệ An. Ảnh Trúc Ly.

Với chủ đề “Tăng cường hợp tác và đổi mới công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ hiệu quả công tác ứng phó khẩn cấp liên vùng đối với hiện tượng thiên tai bình thường mới”, hội nghị có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế, khối doanh nghiệp và các quan chức cao cấp của các bộ, ngành, địa phương tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ của Hội nghị, các đại biểu, quan chức sẽ tập trung chia sẻ, trao đổi về công tác ứng dụng công nghệ, tăng cường thông tin truyền thông và hợp tác liên vùng. Bên cạnh đó, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ để tăng cường hiểu biết chung về thiên tai “Bình thường mới” và những rủi ro thiên tai đang diễn ra xung quanh chúng ta; Phát triển các giải pháp vận hành hạ tầng thông tin trong công tác điều hành, ứng phó với thiên tai; và Đổi mới khoa học, công nghệ trong công tác phòng, chống các loại hình thiên tai “Bình thường mới” trong đó tập trung giải quyết vấn đề sạt lở dải ven bờ, sạt lở đất và lũ quét, bão mạnh và siêu bão, sóng thần.

Hội nghị cũng dự kiến thông qua bản khuyến nghị chung về định hướng tăng cường hợp tác và đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trong công tác phòng chống thiên tai tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, bên lề hội nghị sẽ có các hoạt động như: Chiếu phim tài liệu về công tác phòng chống thiên tại Việt Nam; hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống tỉnh Nghệ An; hoạt động đầu tư phòng chống thiên tai của các doanh nghiệp; giới thiệu hoạt động khoa học công nghệ phòng chống thiên tai.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có nền kinh tế năng động và đầy bản sắc văn hóa. Khu vực đang hướng tới mục tiêu phát triển hòa bình và thịnh vượng trên thế giới, nhưng cũng là khu vực hứng chịu nhiều rủi ro thiên tai nhất trên thế giới. Việt Nam là nước thường xuyên phải hứng chịu nhiều thiên tai: bão, lũ lụt, hạn hán gây thiệt hại nhiều về người và tài sản.

Việc tổ chức Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC về Quản lý thiên tai lần thứ 11 tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) - nơi vừa hứng chịu bão số 10 là một cơ hội lớn để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai, cũng như là cơ hội để Việt Nam được học hỏi kinh nghiệm quý báu từ các nền kinh tế, làm cho năng lực quản lý rủi ro thiên tai không chỉ của Việt Nam mà cả các nước APEC và trên thế giới ngày càng tốt hơn.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An vinh dự được là địa phương phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC về Quản lý thiên tai lần thứ 11.

Các đại biểu xem mô hình cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó đối với biến đổi khí hậu” của Công ty thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh Trúc Ly.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu nên thiên tai ở Nghệ An diễn biến ngày càng khó lường với cường độ lớn và tính bất thường ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống của nhân dân cũng như tốc độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Với Nghệ An, Hội nghị Quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai lần thứ 11 tổ chức tại thành phố Vinh sẽ là cơ hội tốt để tiếp nhận nhiều thông tin có giá trị liên quan đến công tác phòng chống thiên tai nói chung và ứng phó khẩn cấp thiên tai nói riêng cũng như học hỏi các kinh nghiệm quý báu về phòng chống thiên tai mà các nền kinh tế chia sẻ.

Báo cáo tại Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC cho biết: Theo Nhóm ứng phó khẩn cấp thảm họa thiên tai (EPWG - APEC), Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều loại hình cả thiên tai và nhân tai. Khái niệm “Bình thường mới” (hay New Normal) được sử dụng để phản ánh việc tình hình thiên tai hiện nay ngày càng phức tạp và không thể dự đoán trước cả về tần xuất, cường độ và mức độ tàn phá. Trung bình mỗi thập kỷ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng của khoảng 40% các đợt thiên tai trên thế giới.

Đây cũng là khu vực từng trải qua nhiều trận thiên tai lịch sử như sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, trận lũ lịch sử tại Thái Lan năm 2011, siêu bão Koppu đổ bộ vào Philippines năm 2015, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Chỉ cách đây hơn một tuần, hai cơn bão Harvey và Irma đã liên tục tàn phá nước Mỹ với những hậu quả tác động nặng nề đến các đảo và tiểu bang Texas và Florida.

Còn tại Việt Nam, thiên tai gần đây xảy ra ngày càng khốc liệt, điển hình là trận lũ quét tại các tỉnh Sơn La, Yên bái và một số tỉnh lân cận đã làm 42 người chết và mất tích.

Chỉ cách đây mấy ngày, cơn bão số 10 có tên quốc tế là Doksuri được cho là mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây đã quét qua địa bàn các tỉnh Miền Trung gây thiệt hại nghiêm trọng làm 9 người thiệt mạng, khoảng 193.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 385 triệu USD.

Thực tế cho thấy, hoạt động kinh tế càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn, nhất là ở những nước có sự phát triển thiếu đồng bộ về nhiều mặt. Vì thế, công tác phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và được ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quan trọng, quyết định đến quy mô, tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Công tác này đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, bên cạnh các kinh nghiệm truyền thống, cần tiếp tục phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu và đặc biệt là tăng cường, phát triển các công cụ hỗ trợ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo và quản lý thiên tai tổng hợp. Hoạt động về phòng, chống thiên tai cũng cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương.

Duy Ngợi

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/nghe-an-khai-mac-hoi-nghi-quan-chuc-cao-cap-apec-ve-quan-ly-thien-tai-lan-thu-11-3083.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.