5 cách ứng xử khôn khéo khi bị sếp phê bình

Tìm việc làm nhanh và hiệu quả tại careerlink.vn

Bất kỳ ai đi làm cũng không xa lạ gì với những lời phê bình. Mặc dù đó là chuyện khó tránh khỏi, nhưng nhiều người trong chúng ta có xu hướng hành xử tiêu cực khi nhận những lời phê bình khó nghe, khiến mối quan hệ trở nên xấu hơn. Dưới đây là 5 cách ứng xử phù hợp mà bạn có thể áp dụng khi gặp phải tình huống này, giúp bạn giữ được bình tĩnh và hạn chế những hậu quả đáng tiếc.

5 cách ứng xử khôn khéo khi bị sếp phê bình

Kiềm chế cảm xúc chờ “hạ nhiệt”

Khi cấp trên của bạn đang “nộ khí xung thiên”, đừng dại dột mà gân cổ lên “cãi chày cãi cối” hoặc tỏ thái độ phản kháng, chống đối. Dù bạn đúng hay sai thì cách ứng xử đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ của bạn với cấp trên. Trưởng phòng Nhân sự CareerLink chia sẻ, hãy học cách kiềm chế cảm xúc, giữ bình tĩnh bằng việc hít thở sâu và tự nhủ đây chỉ là tình huống bình thường trong công việc, ai cũng có thể gặp phải. Sau đó hãy xin ít phút ra ngoài uống một ly nước, bạn sẽ thấy dễ chịu hơn.

Có câu “Đừng đổ dầu vào lửa”, nên khi sếp đang nóng giận và bạn cũng mất bình tĩnh thì tốt nhất là giữ im lặng, bởi những lời nói ra lúc này sẽ khó kiểm soát, có thể gây hại về sau cho công việc và sự nghiệp tương lai của bạn.

Giải tỏa cảm xúc với người bạn tin tưởng

Bạn có thể chọn cách giải tỏa cơn giận bằng việc nói với người khác về chuyện mình bị chỉ trích. Nhưng lưu ý, đừng xả giận bằng cách nói với đồng nghiệp bởi bạn không biết được những lời nói của bạn có đến tai sếp hay không. Hãy chọn chia sẻ với một người bạn thân, người trong gia đình bạn hoặc bất kỳ ai bạn cảm thấy tin tưởng và được lắng nghe. Gọi điện thoại cũng là một cách hữu hiệu hoặc nếu có thời gian bạn có thể gặp người đó trực tiếp để “trút bầu tâm sự” và nhận những lời khuyên sáng suốt.

Bình tĩnh trao đổi lại với sếp

Cảm xúc thông thường là bạn luôn muốn tránh mặt sếp sau khi bị chỉ trích, nhưng hãy cố gắng đối diện với vấn để. Hãy xin gặp sếp và hỏi xem liệu bạn đã hiểu đúng ý cấp trên của mình hay chưa? Rất có thể, khi bình tĩnh lại, những lời nhận xét phê bình của sếp sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.

Ngay cả nếu sếp có tiếp tục phàn nàn thì bạn cần kiên nhẫn lắng nghe để hiểu rõ toàn bộ vấn đề. Nếu những lời chỉ trích của sếp là chưa đúng hoặc có sự hiểu nhầm, bạn cũng cần chủ động và từ tốn giải thích với thái độ ôn hòa, cầu thị. Hãy nhớ đây là công việc và bạn cần thể hiện sự chuyên nghiệp của bản thân, hạn chế hành xử theo cảm xúc.

Tỉnh táo rút ra bài học kinh nghiệm

Điều tiếp theo là bạn cần tự nhìn nhận và khách quan đánh giá lại những lời chỉ trích của sếp. Điều gì trong đó bạn nên ghi nhớ và cần thay đổi? Đừng quan tâm đến cảm xúc đi kèm cũng như những từ ngữ có vẻ “nặng nề”, mà hãy chỉ tập trung vào thông tin quan trọng nhất.

Xác định được điều gì bạn có thể học từ lời chỉ trích có thể giúp bạn có các bước hành động để cải thiện chất lượng công việc và tránh bị chỉ trích trong thời gian tới.

Sửa chữa sai lầm

Ai cũng có những sai lầm nên điều quan trọng nhất là chủ động cải thiện bản thân và tiếp tục làm tốt công việc hơn nữa. Nếu cần phải sửa chữa điều gì thì hãy bắt tay thực hiện ngay: Làm lại bản kế hoạch, sửa chữa các sai sót trong bản báo cáo tài chính hoặc tiếp tục dự án theo một cách sáng tạo hơn… Hãy cố gắng tập trung vào việc khắc phục các điểm sếp phê bình hoặc chưa vừa ý. Nếu có điều gì chưa rõ, hãy mạnh dạn hỏi lại sếp. Điều này sẽ giúp sếp nhận ra thái độ cầu thị của bạn và có thiện cảm với bạn nhiều hơn.

Tóm lại, những lời chỉ trích của cấp trên có thể khó nghe và đôi lúc khiến bạn muốn “bùng nổ”. Nhưng hãy cố gắng cư xử khôn khéo, chuyên nghiệp và nhìn vào mặt tốt của vấn đề. Bởi đằng sau những lời phê bình là những bài học có thể giúp ích cho sự nghiệp của bạn.

Trung Thành

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/5-cach-ung-xu-khon-kheo-khi-bi-sep-phe-binh-4367.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.