“Phòng bệnh là chính”
Nói đến công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu phương châm "Phòng bệnh là chính" lên hàng đầu. Trong 12 điều răn cán bộ, Người căn dặn "... Phải dạy đồng bào vệ sinh thường thức". Người nói: "Mỗi người dân yếu ớt tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là góp phần làm cho cả nước mạnh khoẻ", "...Việc gì cũng cần có sức khoẻ mới thành công". Người kêu gọi "luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân yêu nước". Người đã phát động phong trào "đời sống mới" với nội dung chủ yếu là giữ gìn vệ sinh.
Thăm Bệnh xá Vân Đình (1963), Người căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện“Lương y như từ mẫu”. (Ảnh tư liệu).
Từ khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc và trong những năm chống Mỹ cứu nước, mỗi khi đi thăm một xí nghiệp, một hợp tác xã, cơ quan, đơn vị bộ đội, trường học hay bệnh viện... trước hết Người xem nơi ăn, chốn ở, nhà bếp, nguồn nước, nhà tắm, hố xí và dặn dò mọi người ăn ở trật tự vệ sinh. Người nghiêm khắc phê bình cán bộ lãnh đạo ở một số đơn vị xem thường công tác vệ sinh và đời sống quần chúng.
Đặc biệt, trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc ngày 27 tháng 2 năm 1955, Bác Hồ đã gửi thư căn dặn ba điều như sau:
- "Trước hết là phải thật thà đoàn kết - Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.
Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ bộ trưởng, thứ trưởng, bác sỹ, dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
- Thương yêu người bệnh - Người bệnh phó thác tính mạng nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ vẻ vang.
Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh, em ruột thịt của mình coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. "Lương y phải như từ mẫu" câu nói ấy rất đúng.
- Xây dựng một nền y học của ta - Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã được độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y học thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng.
- Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc "Đông" và thuốc "Tây".
Năm 1964 trong hội nghị chính trị đặc biệt họp tại Hà Nội, khi thấy giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên, cố Viện trưởng Viện mắt, Bác liền hỏi "Chú Nguyên, chú chữa mắt, chú có biết vì sao về các làng xóm vẫn thấy các cháu còn toét mắt"?. Và trong lúc giáo sư đang tìm câu trả lời thì Bác đã nói: "Các cô, các chú chưa chú ý tuyên truyền phòng bệnh trong nhân dân. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng các bệnh mắt sâu rộng hơn nữa"!
Mùa xuân năm 1946, Bác còn nhắc nhở cán bộ y tế: "Đừng có ngại khó, ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu, phải dịu dàng, khiêm tốn, thương yêu đồng bào, không được hách dịch ban ơn..."
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc nước ta. Trong nhiều thập niên qua, ngành y tế Việt Nam đã không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt, từ tổ chức mạng lưới đến chất lượng trong công tác phòng và chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Tấm gương sáng về bảo vệ môi trường
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về bảo vệ môi trường. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người thường xuyên kêu gọi nhân dân hãy chăm lo đến môi trường sống để “con đường từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản thêm xanh tươi”.
Ngay từ những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, Bác Hồ đã có nhiều bài viết đăng trên các báo về việc bảo vệ môi trường, phê phán chủ nghĩa thực dân khai thác tài nguyên hủy hoại môi trường ở các nước thuộc địa. Từ căn cứ địa cách mạng, trong những năm kháng chiến gian khổ, Bác Hồ vẫn luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ tăng gia sản xuất, gữi gìn môi trường sống, vệ sinh nơi ở và làm việc, sống hòa hợp với thiên nhiên. Sau hòa bình lập lại, năm nào Bác cũng có những bài viết và những cuộc nói chuyện về môi trường.
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/2/1969. (Ảnh tư liệu)
Họa sĩ Diệp Minh Châu, người có một thời gian được sống gần Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc, đã từng chứng kiến Bác hì hục đào hố trồng một cây quýt trước khi chuyển sang nơi ở mới. Thấy lạ, họa sĩ Diệp Minh Châu hỏi: “Dời nhà rồi, Bác còn trồng làm gì?”. Bác đáp: “Ít lâu nữa cây quýt lớn lên, có trái, người đi đường, đi rừng có thể đỡ khát”. Đó chính là phong cách sống cao cả của Bác.
Sau này, khi đã trở thành Chủ tịch nước, nhà sàn trong Phủ Chủ tịch chính là nơi Bác hòa mình sống với thiên nhiên. Hiện nay, toàn bộ vườn cây trong Phủ Chủ tịch có đến 1.271 cá thể, thuộc 161 loài cây, 54 họ thực vật; 78 loài có nguồn gốc trong nước, 68 loài có nguồn gốc từ nước ngoài. Trong đó, có 35 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, 67 loài hoa và cây cảnh, có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc Bác Hồ đã viết “Về việc riêng – Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn. Tro thì chia làm ba phần, bỏ vào ba hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão”.
Cả một đời vì nước, vì dân, đến lúc đi xa, chúng ta vẫn tìm thấy trong tư tưởng của Người một tầm nhìn xa trông rộng của bậc vĩ nhân – một lãnh tụ kiệt xuất, một danh nhân văn hóa thế giới trong việc làm cho môi trường sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn. Kiên định với lập trường và tư tưởng Hồ Chí Minh về môi trường. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch. Coi trọng nghiên cứu, dự báo và thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên. Quản lý, bảo vệ, tái tạo và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên quốc gia.
Hiện nay, môi trường nước ta đang bị xuống cấp, ô nhiễm nghiêm trọng với những vụ phá rừng, đốt rừng, cháy rừng liên tiếp diễn ra, nạn ô nhiễm chất thải công nghiệp, ô nhiễm không khí vì khói bụi… Chúng ta cùng thực hiện tốt những điều Bác Hồ nhắc nhở, dạy bảo về bảo vệ môi trường để bảo vệ môi trường sống và bảo tồn di sản thiên nhiên của đất nước.
Trường Giang (tổng hợp)
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-1951890-1952020-chu-tich-ho-chi-minh-quan-tam-rat-lon-viec-xay-dung-nganh-y-va-bao-ve-moi-truong-4998.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.