Công cụ quản lý quy hoạch phố cổ Hà Nội không thiếu, nhưng vi phạm TTXD vẫn tồn tại

(SK&MT) - Mặc dù, Chính phủ và UBND TP. Hà Nội đã có nhiều quy định, quyết định liên quan đến quản lý, quy hoạch, kiến trúc… được phê duyệt nhằm bảo tồn khu phố cổ, nhưng thực tế tồn tại vẫn đang rất báo động. Hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD), có dấu hiệu phá vỡ quy hoạch khu phố cổ, ảnh hưởng cảnh quan môi trường.

Qua khảo sát, phân tích, nghiên cứu từ thực tiễn, Tòa soạn Sức khỏe & Môi trường tiếp tục triển khai chuyên đề “Nhận diện thực trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội”, qua đó đưa đến những góc nhìn vĩ mô, đồng thời nêu lên vấn đề nổi cộm tại một số địa bàn điển hình.

Công cụ quản lý quy hoạch phố cổ Hà Nội không thiếu, nhưng vi phạm TTXD vẫn tồn tại

Hoàn Kiếm là quận nằm ở vị trí trung tâm của Kinh thành Thăng Long xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay. Quận Hoàn Kiếm có diện tích 5,29 km2, là quận có diện tích nhỏ nhất tại thành phố Hà Nội. Là một quận trung tâm của Hà Nội, lịch sử quận Hoàn Kiếm gắn liến với lịch sử nghìn năm xây dựng và gìn giữ Thăng Long - Hà Nội. Nơi có khu phố cổ ghi đậm dấu ấn của những quy hoạch, công trình kiến trúc qua hàng ngàn năm.

Để gìn giữ nét văn hóa, lối kiến trúc và không gian xưa trên các tuyến phố cổ Hà Nội không bị mai một trong lòng người dân và khách du lịch quốc tế, ngày 24/10/2013, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thời điểm đó là ông Nguyễn Thế Thảo ký Quyết định số 6398/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý quy hoạch - Kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội nhằm bảo vệ di tích lịch sử cấp Quốc gia, có giá trị về cấu trúc không gian đô thị gắn với các phố nghề, phường nghề và lễ hội truyền thống, hệ thống di sản, di tích kiến trúc có ý nghĩa văn hóa qua các giai đoạn lịch sử.

Tiếp đó Quyết định số 24/2015/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc Khu phố cũ Hà Nội. Nhằm bảo tồn những nét đẹp truyền thống các khu phố, kiến trúc của các tuyến phố cổ và cũ Hà Nội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm và các khu vực phụ cận.

Quyết định chỉ rõ: Tuyến phố cổ công trình xây dựng được cấp tối đa với lớp ngoài là 3 tầng, lớp trong là 4 tầng, chiều cao lần lượt không quá 6 đến 12 m. Bên cạnh đó, trong danh mục 79 tuyến phố và 83 ô phố tại khu phố cổ được quy định chi tiết về mật độ, số tầng, khoảng lùi công trình xây dựng, nếu các tổ chức, cá nhân là chủsở hữu nhà, chủ đầu tư các công trình xây dựng, sửa chữa, cải tạo trong khu vực vi phạm các quy định trong Quy chế sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật.

Ngày 4/4/2016, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục ra Quyết định số: 11/2016/QĐ-UBND ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội.

Gần đây nhất tại Quyết định 1361/QĐ-UBND (ngày 19/3/2021) của UBND TP. Hà Nội, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-1A (khu phố cổ), tỷ lệ 1/2000 có tổng diện tích khoảng 80,93ha, thuộc địa giới hành chính 10 phường của quận Hoàn Kiếm, gồm: Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Mã, Cửa Đông, Lý Thái Tổ, Đồng Xuân, Hàng Gai, Hàng Đào cũng nhấn mạnh đến công tác quản lý trật tự xây dựng, kiến trúc để giữ gìn không gian đặc biệt quan trọng khu phố cổ, phố cũ Hà Nội.

Công cụ quản lý quy hoạch phố cổ Hà Nội không thiếu, nhưng vi phạm TTXD vẫn tồn tại

Việc ban hành hàng loạt các Quyết định trên đã thể hiện rõ sự quyết liệt của Chính phủ và UBND Thành phố Hà Nội trong công tác bảo vệ quản lý quy hoạch - kiến trúc Khu phố cổ, phố cũ Hà Nội. Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn là hiện nay vấn đề quy hoạch phố cổ, phố cũ tại quận Hoàn Kiếm đang bị đe dọa nghiêm trọng khi mà công tác trật tự đô thị, trật tự xây dựng ngày càng lộ ra nhiều bất cập với những công trình đồ sộ, phình to ra cả chiều cao lẫn chiều rộng, không theo một quy chuẩn nào.

Điển hình cho tình trạng trên là phường Hàng Buồm. Hàng loạt công trình có dấu hiệu vi phạm về số tầng, mật độ và chiều cao, phá vỡ quy hoạch xây dựng phố cổ, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường nằm hiên ngang giữa lòng khu phố cổ.

Đáng chú ý phải kể đến là công trình 40 Nguyễn Siêu được xây dựng với quy mô hoành tráng, đồ sộ. Theo biển báo được treo tại vị trí xây dựng, đây là công trình do ông Đặng Đình Hậu làm chủ đầu tư được UBND quận Hoàn Kiếm cấp GPXD số 16/GPXD ngày 04/02/2021, thời gian khởi công từ 04/02/2021 và dự kiến hoàn thành vào 31/12/2022. Mặc dù nằm trong vùng lõi phố cổ thuộc khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp 1 khu phố cổ, thế nhưng đã xây dựng lên đến 6 tầng, sắt thép, cột trụ bê tông vẫn đang được để chờ để tiếp tục xây dựng, mật độ lên đến 100% dù trong quy định khu vực này mật độ xây dựng chỉ từ 60 – 65%.

Nằm gần UBND phường Hàng Buồm là công trình 93 Mã Mây cũng đang được xây dựng lên đến 4 tầng, 1 tầng lửng, sắt thép vẫn đang được để chờ để tiếp tục xây dựng, mật độ xây dựng cũng lên đến 100% dù tại đây mật độ cũng chỉ được xây dựng từ 60 - 65%.

Để có thông tin khách quan, đa chiều, PV đã đặt lịch liên hệ làm việc với UBND phường Hàng Buồm, thế nhưng dù đã nhiều tuần trôi qua vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía chính quyền phường.

Trước đó, cũng trên địa bàn phường Hàng Buồm, tình trạng phá vỡ quy hoạch phố cổ cũng đã rầm rộ diễn ra trong suốt thời gian dài, có những hạng mục đã bị xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên sau xử phạt vi phạm hành chính là xử lý những sai phạm thì lại không được khắc phục. Có thể kể đến hai công trình sai phạm xây dựng “đồ sộ” tại số 52 và 60 phố Đào Duy Từ vẫn tồn tại sừng sững.

Được biết, công trình số 52 Đào Duy Từ chỉ được cấp phép xây dựng 4 tầng, song chủ đầu tư đã vượt phép xây dựng lên đến 9 tầng gây xôn xao dư luận. Sau khi các cơ quan báo chí phản ánh, ngày 22/08/2017, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (nay là Chủ tịch UBND quận) đã ký ban hành Quyết định số 3039/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.

Ngày 4/10/2017, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã ký Quyết định 3501/QĐ-CC về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng 52 Đào Duy Từ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công trình sai phạm này vẫn không bị xử lý.

Công cụ quản lý quy hoạch phố cổ Hà Nội không thiếu, nhưng vi phạm TTXD vẫn tồn tại

Còn tại công trình số 60 Đào Duy Từ chỉ được cấp phép xây dựng 4 tầng, tuy nhiên cũng đã xây dựng vượt tầng, thậm chí mật độ xây dựng cao gây lún, nứt các công trình lân cận, đã từng bị đình chỉ, ra quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, hiện tại, công trình này vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện thi công để đưa vào sử dụng, không có một dấu hiệu nào liên quan đến việc cưỡng chế, tháo dỡ.

Không chỉ phá vỡ quy hoạch tại các vị trí trên, nhiều năm trở lại đây, tại các vị trí xây dựng khác trên địa bàn phường Hàng Buồm đã được các cơ quan báo chí điểm mặt nhắc tên như tại 13 Đào Duy Từ, 64 ngõ Phất Lộc, 56 ngõ Phất Lộc, số 4 Lương Ngọc Quyến, số 9 (ngõ 22 phố Lương Ngọc Quyến).

Trên thực tế, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đang tồn tại những công trình xây dựng chưa hoàn thiện hay đã hoàn thiện, có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng tại phường Hàng Buồm. Điều đáng nói là mặc dù Chính phủ và TP. Hà Nội đã ban hành hàng loạt các quy định cụ thể, chặt chẽ về kiến trúc nhưng trên địa bàn vẫn xảy ra sai phạm. Đã đến lúc cần có sự vào cuộc sát sao hơn của các cấp chính quyền, nghiêm túc và xử lý triệt để các sai phạm để quy hoạch không chỉ là quy hoạch mà phải được đi vào cuộc sống, tạo cảnh quan môi trường đô thị và trên hết là phải thượng tôn pháp luật.

Tống Trường

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/cong-cu-quan-ly-quy-hoach-pho-co-ha-noi-khong-thieu-nhung-vi-pham-ttxd-van-ton-tai-55.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.