Sóc Trăng chăm lo giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(SK&MT) - Những năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn đặc biệt quan tâm chăm lo giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Chuẩn bị năm học mới này, Sóc Trăng tiếp tục đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp nhiều trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị… đáp ứng nhu cầu học tập của con em vùng đồng bào dân tộc.

Sóc Trăng chăm lo giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Châu Thành các trường lớp được đầu tư khang trang.

Trường trung học cơ sở An Hiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành luôn nhận được sự quan tâm đầu tư nâng cấp trường lớp khang trang. Đây là ngôi trường nằm trong vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Thầy Thái Đức Minh, Phó Hiệu trưởng Trường cho biết, mỗi năm, trường đón trên 750 học sinh theo học, trong đó, gần 80% học sinh dân tộc với chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Khmer… Nhờ sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giúp trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tốt việc dạy và học của thầy trò trong những năm qua. Riêng chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023 này, Trường trung học cơ sở An Hiệp tiếp tục sửa chữa nhiều phòng học, bàn ghế xuống cấp với kinh phí 600 triệu đồng.

Sóc Trăng chăm lo giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Để chuẩn bị tốt cho năm học mới, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành sửa chữa 12 điểm trường, đồng thời mở rộng và xây mới 02 trường cùng mua sắm bổ sung trang thiết bị.

Sóc Trăng chăm lo giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Một trong những ngôi trường xây dựng mới là trường Tiểu học Thị trấn Châu Thành A, thị trấn Châu Thành. Cô Đoàn Thị Thu Ba, Hiệu trưởng Trường cho biết, ngôi trường mới đang hoàn thiện, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Đây cũng là ngồi trường có tới 40% con em đồng bào dân tộc theo học. Vì vậy, với sự quan tâm đầu tư trường lớp khang trang như vậy, là niềm vui của giáo viên, học sinh và phụ huynh, tất cả đều kỳ vọng, chất lượng giáo dục tại trường sẽ tiếp tục được nâng lên.

Đồng chí Nguyễn Văn Liêm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành cho biết thêm, bên cạnh sự đầu tư của địa phương, trong thời gian nghỉ hè, bằng nguồn kinh phí tự chủ, nguồn đóng góp từ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, các trường còn tiến hành sửa chữa nhỏ, làm thêm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ em nhằm đảm bảo tốt cho công tác giảng dạy. Đồng thời, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị của các điểm trường để tham mưu UBND huyện cân đối nguồn kinh phí để đầu tư cho giáo dục. Tính đến nay, tổng kinh phí để chuẩn bị cho năm học mới khoảng trên 42 tỷ đồng, trong đó bao gồm mở rộng nâng cấp, tiến hành sửa chữa, bổ sung trang thiết bị của các điểm trường trên địa bàn huyện.

Sóc Trăng chăm lo giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện còn có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú với hơn 3 ngàn con em đồng bào theo học hàng năm. Với hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có điều kiện được học tập, tạo nguồn đào tạo cán bộ phục vụ cho địa phương.

Sóc Trăng chăm lo giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Năm học 2022-2023, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn với khu vực thành thị, bảo đảm các điều kiện phát triển giáo dục bền vững.... Đồng chí Châu Tuấn Hồng, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành giáo dục tỉnh là sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng về yêu cầu giáo dục phổ thông mới. Nhờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của địa phương có nhiều chính sách đầu tư cho phát triển giáo dục, nhất là giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng ngày nâng cao. Tin tưởng rằng, năm học mới 2022-2023 này, với việc nhiều cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục đầu tư trang bị mới, chất lượng dạy và học tại vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được nâng lên./.

Bài, ảnh: Thanh Nam

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/soc-trang-cham-lo-giao-duc-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-6563.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.