Thủ tướng: Đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết
14:41 | 12/09/2022
(SK&MT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến một số sự cố cháy nổ, tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, yêu cầu trong mọi tình huống phải đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Những vụ cháy nghiêm trọng cho thấy tình hình khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, tư duy, cách tiếp cận mới.
Sáng 12/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị công tác PCCC và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ -CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến các gia đình có người bị nạn trong các vụ cháy vừa qua; yêu cầu các địa phương, cơ quan có trách nhiệm tổ chức thăm hỏi, chia sẻ động viên tinh thần, vật chất, tạo thuận lợi nhất để người thân của người bị chết tổ chức tốt cuộc sống; giúp đỡ, chữa trị cho những người bị thương, giúp họ sớm lành bệnh.
“Những vụ cháy thương tâm trên cho thấy tình hình cháy nổ rất khẩn cấp, đặt ra yêu cầu nhiệm vụ PCCC, đảm bảo sức khoẻ, tính mạng của người dân lên trên hết. Tôi và Thường trực Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Bộ Công an sớm điều tra, làm rõ các trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong những vụ cháy nghiêm trọng vừa qua” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, các vụ cháy thương tâm trên là cảnh báo và cho thấy tình hình khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, tư duy, cách tiếp cận mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.
Theo báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị định số 83/CP, trong 5 năm từ 2017 – 2021, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng) làm chết 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại ước tính 7.043 tỷ đồng và 7.548 ha rừng. Ngoài ra, xảy ra 2.769 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy (không thuộc diện phải thống kê như chạm, chập thiết bị điện trên cột điện, cháy cỏ, rác do nắng nóng…).
Cũng trong 5 năm, cả nước xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, bị thương 190 người, thiệt hại về tài sản 1,14 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản thiệt hại ước tính 532 tỷ đồng và 39 ha rừng; ngoài ra xảy ra 2.376 vụ, sự cố nhỏ liên quan đến cháy. Xảy ra 10 vụ nổ, làm 7 người chết, bị thương 11 người.
Trong thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường với tần suất ngày cao cao. Nhất là các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh… và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh karaoke.
Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (mới đây nhất là vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 1/8/2022 làm 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC hy sinh; vụ cháy kho xưởng khiến 3 mẹ con tử vong ở Thanh Oai, Hà Nội ngày 10/9/2022; vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 6/9/2022 làm nhiều người chết, tối 11/9 xảy ra vụ cháy tại Đồng Nai…).
Tại Hội nghị, Thủ tướng một lần nữa gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn và đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn.
Thủ tướng cho biết, những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm trên là cảnh báo và cho thấy tình hình là khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, tư duy, cách tiếp cận mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.
Thủ tướng và Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan cấp phép, kiểm tra và các cá nhân liên quan, bảo đảm tính khách quan. Đồng thời, tổ chức hội nghị để kiểm điểm, đánh giá công tác PCCC và kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng PCCC.
Theo Thủ tướng, PCCC&CNCH là nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay bởi Kinh tế - xã hội nước ta đang trong quá trình phát triển, công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nhà và công trình cao tầng ngày càng nhiều; hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh gia tăng; nhu cầu sử dụng năng lượng, hóa chất lớn, dẫn tới nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn…
“Tôi đề nghị các đồng chí với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, thẳng thắn, tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đặc biệt là những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân (khách quan, chủ quan), rút ra những bài học kinh nghiệm gì, trong đó tập trung vào các vấn đề như: Hoàn thiện chính sách, pháp luật; khâu tổ chức thực hiện và công tác quản lý nhà nước; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH; hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm; tăng cường năng lực PCCC, CNCH (nhất là về con người, công nghệ, trang thiết bị…) và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan” – Thủ tướng nhấn mạnh.
MẠNH HIỆP
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/thu-tuong-dam-bao-suc-khoe-tinh-mang-nguoi-dan-len-tren-het-truoc-het-6580.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.