Đua ghe Ngo là một trong những lễ hội lớn của đồng bào Khmer.
Có mặt tại chùa Tum Núp, xã An Ninh, huyện Châu Thành, không khí của buổi tập chuẩn bị cho giải đua ghe Ngo năm nay thật đặc biệt và chu đáo. Tum Núp là ngôi chùa có đội ghe giành hạng nhất đối với ghe Ngo nam và giải nhì đối với ghe Ngo nữ vào năm 2020. Rất đông đảo phật tử, từ người già đến trẻ em tề tựu về ngôi chùa để xem vận động viên tập luyện. Còn các vận động viên cũng thể hiện rõ sự phấn khởi, quyết tâm tiếp tục giành thứ hạng cao ở mùa giải năm nay. Anh Ngô Thanh Hậu, vận động viên chùa Tum Núp, chia sẻ: “Năm 2021, do tình hình Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên tỉnh Sóc Trăng không có tổ chức bơi ghe được, năm 2022 này được tổ chức lại thì vận động viên của chùa Tum Núp rất là vui, phấn khởi, anh em nào cũng cố gắng tập dợt và có tinh thần rất là tốt”.
Trong văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, chiếc ghe ngo giữ vai trò, vị trí quan trọng, là tài sản quý giá và thiêng liêng, là bộ mặt của một ngôi chùa và bổn sóc. Vì vậy, mỗi khi đến lễ hội, sư sãi, Ban quản trị chùa và bà con phật tử rất hào hứng tham gia. Đại đức Lâm Hiệp, Trụ trì chùa Tum Núp, cho biết: “Năm nay, chùa Tum Núp có 3 ghe Ngo tham gia giải đua, với 2 ghe Ngo nam và 1 ghe Ngo nữ; hiện tại các vận động viên, Ban tổ chức, Ban quản trị chùa đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để tham gia giải đua ghe Ngo sắp tới”.
Ghe Ngo của đồng bào Khmer.
Ghe ngo của đồng bào Khmer có chiều dài khoảng 30m và có từ 55-60 tay bơi. Mũi và lái của ghe ngo đều cong, trên chiếc ghe ngo được trang trí hoa văn rất sặc sỡ. Năm nay, giải đua ghe Ngo càng quy mô và ý nghĩa hơn khi Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực ĐBSCL diễn ra song song với Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII tổ chức tại Sóc Trăng. Đến thời điểm này đã có 56 đội ghe Ngo của Sóc Trăng và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đăng ký tham gia tranh tài.
Đến các chùa Khmer những ngày này, nhất là lúc chiều tối, sẽ dễ bắt gặp những tiếng còi, tiếng cổ vũ, cùng nhịp bơi đều đặn kéo nước cuồn cuộn của các vận động viên tập bơi đua. Đồng bào Khmer chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp. Sau một ngày lao động, chiều về, bà con tạm gác lại chuyện đồng án, gia đình để cùng tụ tập về chùa tập bơi ghe Ngo.
Ông Lý Dách, Trưởng Ban Quản trị chùa Bưng Tróp (Kom Pong Tróp), xã An Hiệp, huyện Châu Thành cho biết, để tham gia lễ hội, ghe Ngo của chùa đã được sửa chữa và lên hoa văn từ rất sớm. Mỗi buổi chiều có khoảng 100 người gồm cả đồng bào Kinh, Hoa của 7 ấp trong xã đến tham gia tập luyện; trong đó, nhiều nhất là phật tử 2 ấp Bưng Tróp A và Bưng Tróp B.
Các đội ghe Ngo tích cực tập luyện sẵn sàng cho ngày hội.
Đua ghe Ngo là lễ hội truyền thống, mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc của bà con Khmer. Trước giải đua ghe ngo, các chùa phải chuẩn bị cách đó cả tháng để tuyển chọn các tay bơi khỏe mạnh, dẻo dai tập dợt. Tiếng còi, tiếng nhịp dầm tập bơi ghe Ngo của vận động viên, tiếng reo hò cổ vũ của người dân trong phum sóc xen lẫn tiếng nhạc ngũ âm, bài hát về ghe Ngo làm không khí ở các chùa thật rộn ràng, náo nhiệt như báo hiệu một mùa lễ hội Oóc om bóc – đua ghe Ngo nữa lại sắp đến./.
Bài, ảnh: Thanh Nam
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/phum-soc-ron-rang-don-ngay-hoi-dua-ghe-ngo-truyen-thong-6649.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.