Ông Đào Văn Thắm chỉ về khu đất làm muối của gia đình, dù chưa nhận được đền bù thỏa đáng nhưng đã bị phá hủy toàn bộ tài sản trên đất
Chưa đền bù thỏa đáng đã giao đất
Theo người dân địa phương, những bức xúc bắt nguồn từ việc ngày 04/01/2023, UBND xã Hòa Lộc có Văn bản số 02/HĐ-UBND về việc hợp đồng giao khoán sử dụng đất nuôi trồng thủy sản cho hộ ông Phạm Văn Đông, thôn Tam Hòa với tổng diện tích 4.435m2. Mức thầu khoán theo thỏa thuận là 150.000 đồng/sào/năm, thời gian thanh toán được chia ra làm 05 lần theo tổng giá trị hợp đồng (6.750.000 đồng). Thời hạn thầu khoán đến hết ngày 04/01/2028.
Dẫn phóng viên trực tiếp xuống cánh đồng làm muối, ông Đào Văn Thắm, sống ở thôn Tam Hòa, xã Hòa Lộc cho biết: Năm 1992, gia đình tôi tiến hành khai hoang tại đồng Nam Tiến với diện tích là 1.600m2. Để thuận tiện cho việc làm muối, nhiều năm gia đình đã đầu tư tiền của và công sức để làm cơ sở vật chất, nhưng tháng 01/2023 bỗng nhiên bị gia đình ông Phạm Văn Đông đưa phương tiện đến phá hủy toàn bộ tài sản để xây dựng khu nuôi trồng thủy sản.
Nhìn vào hơn 500m2 đất làm muối của gia đình đã bị san ủi và biến dạng, ông Phạm Văn Thái, thôn Tam Hòa, xã Hòa Lộc không khỏi xót xa chia sẻ: Cũng giống như các hộ khác trong thôn, năm 1993 gia đình tôi đã khai hoang, phục hóa trên diện tích đất 600m2 để làm muối. Gần 30 năm qua, gia đình tôi đều đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước, nhưng đầu năm 2023 khi ra ruộng muối, tôi thấy sửng sốt khi toàn bộ tài sản đã được đầu tư trước đó bị hộ ông Phạm Văn Đông hủy hoại, khi hỏi ông Đông thì được trả lời rằng UBND xã đã cho thuê thầu.
Cũng theo 02 hộ gia đình trên, nếu UBND xã Hòa Lộc có chủ trương thu hồi đất làm muối để giao khoán cho hộ khác thì phải nhận được sự đồng thuận, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất trước đó. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa tiến hành xác minh rõ nguồn gốc đất, chưa có quyết định thu hồi đất và kiểm kê tài sản trên đất, chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng đã vội vàng giao khoán cho hộ ông Phạm Văn Đông thuê thầu.
Không những thế, dù đã có phản ánh tình trạng trên lên chính quyền địa phương, nhưng khi chưa có kết quả xác minh để trả lời người dân, UBND xã Hòa Lộc đã có biên bản yêu cầu tạm dừng thi công do khu đất đang có sự tranh chấp, nhưng không hiểu vì sao hộ ông Phạm Văn Đông tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khu nuôi trồng thủy sản (?).
Cùng chung hoàn cảnh, hộ ông Phạm Văn Thái cũng chưa nhận được đền bù thỏa đáng
Cần làm rõ những bất cập
Theo tìm hiểu của phóng viên, gia đình ông Đào Văn Thắm và ông Phạm Văn Thái đã được Chủ nhiệm HTX muối Tam Hòa qua các thời kỳ xác nhận số diện tích đất làm muối được khai hoang, phục hóa từ những năm 1992 - 1993. Chính vì vậy, họ cho rằng quy trình thực hiện thu hồi đất, tổ chức đền bù và hỗ trợ cho người dân từ phía chính quyền địa phương còn nhiều khuất tất cần được làm rõ.
“Nếu như UBND xã Hòa Lộc có chủ trương thu hồi đất để phát triển kinh tế địa phương, chúng tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng chính quyền không thực hiện trình tự các bước, không tổ chức họp bàn lấy ý kiến nhân dân, chưa làm rõ nguồn gốc sử dụng đất của chúng tôi, không tổ chức đấu thầu công khai… đã vội vàng giao khoán cho hộ ông Phạm Văn Đông, dẫn tới việc tài sản trên đất của chúng tôi bị phá hủy vô cớ, gây thiệt hại kinh tế”. Ông Đào Văn Thắm phân trần.
Ông Phạm Văn Thái, thôn Tam Hòa, xã Hòa Lộc bày tỏ: Diện tích đất làm muối là kế sinh nhai của chúng tôi, giờ mất đất sản xuất thì cuộc sống của gia đình bị ảnh hưởng. Việc UBND xã Hòa Lộc thực hiện quy trình thu hồi đất như vậy là chưa hợp lòng và chưa đảm bảo sự công bằng cho người dân, trong khi đó nếu xét thấy đất làm muối kém hiệu quả, chúng tôi cũng mong muốn chuyển sang nuôi trồng thủy sản nhưng tại sao lại không đồng thuận mà chỉ định cho hộ khác thuê thầu.
Xác nhận của Chủ nhiệm HTX muối Tam Hòa qua các thời kỳ về nguồn gốc đất
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc cho biết: Đúng là diện tích đất của hộ ông Đào Văn Thắm và ông Phạm Văn Thái được khai hoang từ những năm 1992 - 1993, nhưng sau đó đã thu hồi, hiện nay đang cho hộ ông Phạm Văn Đông thuê thầu để nuôi trồng thủy sản. Đối với phần tài sản trên đất, đã có phương án đền bù và hỗ trợ nhưng 2 hộ chưa nhận do thấy không thỏa đáng. Trong việc thu hồi đất, giao khoán đất nuôi trồng thủy sản thì UBND xã nhận thấy có phần thiếu xót, thực hiện vắn tắt. Về việc này Chủ tịch UBND xã đã công khai xin lỗi trước dân.
Rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hậu Lộc sớm vào cuộc làm rõ nguồn gốc đất, xem xét việc giao thầu đất nuôi trồng thủy sản không thông qua đấu giá đúng hay sai để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân.
Duy Nguyễn
Tại khoản 1, điều 118, Luật Đất đai năm 2013 quy định: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây: a) Đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua; b) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; c) Sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; d) Sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đ) Cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; |
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/hau-loc-thanh-hoa-nhung-bat-cap-viec-giao-khoan-hang-nghin-m2-dat-nuoi-trong-thuy-san-6885.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.