SKMT – Tòa soạn Sức Khỏe Môi Trường điện tử, nhận được đơn thư phản ánh của cô giáo Đỗ Thị Thiện (SN 1965, trú tại tổ dân phố Thành Ngang, phường Xương Giang, Tp Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) là giáo viên trường mầm non bán công Bình Minh từ năm 1983 cho đến năm 2006 về việc cô bị nhà trường và phòng giao dục cho nghỉ việc một cách rất mập mờ.
Cô giáo Đỗ Thị Thiện trao đổi với phóng viên
Từ việc ăn cắp 2 quả trứng vịt…
“Tôi là một giáo viên, một giáo viên đúng nghĩa. Nỗi hàm oan của tôi dai dẳng suốt 10 năm nay, tôi không dám nhờ báo chí vào cuộc vì sợ làm ảnh hưởng đến nghành Giáo dục quê hương. Nhưng càng chờ đợi, càng nhẫn nại, tôi chỉ nhận được sự im lặng và cách giải thích vòng vo của các cơ quan chức năng. 10 năm qua, tôi chỉ còn thiếu mỗi nước là quỳ lạy họ thôi, tôi sợ tôi sẽ phát điên, trước khi tìm được công lý, chính việc này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sức khỏe của tôi…” đó là những lời tâm sự đẫm nước mắt mà cô giáo làng chia sẻ với chúng tôi.
Trong đơn thư, cô Thiện phản ánh năm 2006, cô bị nhà trường, Phòng GD-ĐT TP. Bắc Giang cho nghỉ việc. Nhưng đến nhiều năm sau, cô mới biết được những lý do mà các cơ quan chức năng vin vào để đuổi việc cô.
Theo cô Thiện chia sẻ, cô làm giáo viên của trường mần non bán công Bình Minh từ năm 1983 đến năm 2006. Từ khi ngôi trường này vẫn còn là trường làng, sau này được các cấp ban ngành quan tâm, nên trường đã phát triển như ngày nay. Trong suốt 23 năm cống hiến với nghề, cô chưa hề bị khiển trách, kỷ luật hay có những sai phạm gì.
Phần thưởng lớn nhất đối với cô, không phải là những tấm giấy khen, bằng khen hay tấm huy chương vì sự nghiệp. Mà đó chính là sự tin tưởng của nhân dân, khi con em mình được cô dạy dỗ, chăm sóc. Tuy nhiên, tại ngôi trường nhỏ bé của cô, nhìn bề ngoài có vẻ yên bình, nhưng thực chất bên trong đó là những mâu thuẫn âm ỉ nội bộ, khiến cho môi trường giáo dục trở nên căng thẳng và đầy hỗn loạn.
Sự việc bắt đầu từ vụ cô Hà Thị Toàn (SN 1961, trú tại Tp. Bắc Giang) là nhân viên nấu ăn của trường bị cho nghỉ việc năm 1997. Trao đổi với PV, cô Toàn cho biết: “Tôi nhớ năm đó, cô hiệu trưởng gọi tôi lên và nói năm nay học sinh vắng, nên cho cô tạm nghỉ, khi nào học sinh đông thì sẽ cho gọi tôi ra làm việc”.
Mặc dù cô Toàn đã công tác từ năm 1983, lý do đưa ra là học sinh vắng nên trường tạm cho nghỉ. Tuy nhiên, theo cô Toàn thì nguyên nhân chính cô vốn là người thẳng tính nên thường xuyên có ý kiến với lãnh đạo nhà trường về những khoản thu chi không minh bạch trong tài chính, đối xử không công bằng đối với các giáo viên, nhân viên trong trường.
Sau một thời gian làm đơn lên Phòng Giáo dục thị xã Bắc Giang (nay là Tp. Bắc Giang – PV) về việc mình bị cho nghỉ việc. Thì lúc này xuất hiện thông tin cô Toàn ăn cắp 2 quả trứng vịt, biên bản này giáo viên trong trường có người ký, có người không. Nhưng sau thấy lý do đó không “xứng đáng” để đuổi việc một người đã hơn chục năm gắn bó với trường, sau đó, nhà trường đã lập biên bản với chữ ký của các giáo viên, nhân viên là cô Toàn lấy cắp gạo, thịt.
Uất hận, cay đắng, cô Toàn dường như đã hóa điên: “Cả đêm tôi không sao ngủ được ngày hôm sau tôi đến từng nhà giáo viên, nhân viên đã ký vào biên bản nói tôi lấy thịt gạo để hỏi cho rõ.Nhiều người phải xin lỗi tôi, vì họ nói vẫn đang công tác trong trường, mong tôi thông cảm”, cô Toàn kể lại.
Bộ GDĐT tặng Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục cho cô Thiện
Đến chức “trưởng ban thanh tra” ngoài ý muốn
Chính từ sự việc đầy “oan ức” của mình, cô Toàn đã làm đơn gửi UBND xã Xương Giang, tố cáo những sai phạm trong quản lý, thu chi tài chính của hiệu trưởng nhà trường lúc bấy giờ.
Ngày 18.5.1998 một số giáo viên đề nghị thanh tra xem xét lại toàn bộ thu chi tài chính của nhà trường từ năm 1995-1998. Sau đó, Ban giám hiệu và Công đoàn nhà trường chỉ đồng ý cho tiến hành thanh tra thu chi tài chính từ năm 1997-1998.
Lúc này cô Đỗ Thị Thiện và cô Tâm được cử làm thanh tra tài chính của trường. Cô Thiện làm Trưởng ban thanh tra, cô Tâm làm phó ban. Trong biên bản thanh tra tài chính năm học 1997-1998, sau nhiều ngày đối chiếu sổ sách, chứng từ và số lượng hàng hoá còn lại thì các cô phát hiện ra một số lượng lớn gạo, tiền bị thâm hụt so với sổ sách. Mặc dù trong quá trình thanh tra liên tục bị hiệu trưởng và thủ quỹ nhà trường gây khó dễ, ngăn cản.
Vụ việc thanh tra vẫn đang được tiến hành thì vào ngày 2.7.1998, khi cô Thiện ra trường làm việc thì bị bảo vệ nhà trường là ông T. bố chồng của cô thủ quỹ hành hung ngay trong trường. Hậu quả, cô Thiện bị đánh chảy máu mồm và đập đầu vào tường tới ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu.
Thế nhưng khi bố đẻ của cô Thiện là ông Đỗ Văn Đụn ra trường yêu cầu nhà trường làm rõ việc con mình bị hành hung thì Ban giám hiệu cho rằng đó là chuyện của hai gia đình nên không có trách nhiệm.
Theo cô Thiện cho biết, nguyên nhân được xác định là ông T. đánh nhằm ngăn cản việc cô Thiện tiếp tục thanh tra. Sau đó, gia đình ông Đụn đã có đơn ra UBND xã đề nghị làm rõ việc hành hung cô Thiện.
Được biết sau khi chính quyền địa phương vào cuộc tìm hiểu làm rõ sự việc. Xác định nguyên nhân, ông T. bảo vệ nhà trường và là bố chồng cô thủ quỹ đã bị cho nghỉ việc.
Chính từ những lùm xùm trong nhà trường, ngày 16.7.1999, ông Nguyễn Văn Miên - Chủ tịch UBND xã Xương Giang (nay là phường Xương Giang -PV) đã ký vào công văn gửi Phòng GD-ĐT thị xã Bắc Giang đề nghị thay hiệu trưởng trường mầm non.
Trong công văn nêu rõ: “Vài năm gần đây đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường luôn mất đoàn kết, đơn thư khiếu kiện – tố cáo cứ tiếp tục diễn ra và tập trung vào đồng chí hiệu trưởng, công đoàn, thủ quỹ. Các đơn thư chủ yếu là liên quan đến quản lý kinh tế, thái độ gia trưởng.v.v… đã gây xôn xao nhân dân, ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh vào trường thấp dần. Số lượng các cháu đăng ký vào trường mầm non năm sau thấp hơn năm trước. Tháng 8 năm 1998, Đảng uỷ - UBND xã Thọ Xương (cũ) đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra theo đơn tố cáo. Qua một thời gian làm việc đoàn đã phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm quản lý kinh tế như 159kg gạo và 4.083.000 đồng là tiền gạo đóng góp của cha mẹ các cháu đóng góp cho bữa ăn trưa tại trường không được đồng chí hiệu trưởng lý giải rõ ràng và nhiều khoản chi khác không đúng nguyên tắc, hoá đơn chứng từ không đầy đủ chữ ký hợp lệ. Từ những điều trên mà năm 1998, chi bộ nhà trường không đạt trong sạch, vững mạnh cũng vì lý do trên.
Để việc quản lý cán bộ được tốt hơn, giữ được mối đoàn kết trong nhà trường và củng cố tổ chức bộ máy cán bộ, giáo viên ngày một tốt hơn. Chính quyền địa phương đề nghị Phòng giáo dục và đào tạo thị xã Bắc Giang thay đồng chí hiệu trưởng Ngô Thị Lý bằng đồng chí khác. Cũng là nguyện vọng của nhân dân địa phương”, trích Công văn của ông Miên gửi Phòng GD-ĐT thị xã Bắc Giang.
Và ngay sau khi nhận được công văn của địa phương thì hiệu trưởng trường mầm non đã bị thay thế và điều chuyển đi nơi khác. Thế nhưng chỉ đúng 2 năm sau hiệu trưởng lại được quay về công tác tại lại trường và cũng không bao lâu sau cô giáo Đỗ Thị Thiện bị đuổi việc.
(Còn tiếp)
Hà Điệp
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/bac-giang-nhung-dau-hieu-map-mo-trong-ho-so-duoi-viec-co-giao-lang-8767.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.