SK&MT - Thời gian gần đây, dư luận tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội) hết sức bức xúc trước thực trạng các cơ sở, phòng khám chữa bệnh chuyên khoa, phòng khám răng, hàm, mặt... trái phép “mọc” lên như nấm sau mưa, ngang nhiên hoạt động suốt nhiều năm qua trên địa bàn huyện. Thế nhưng, cơ quan chức năng đang tỏ ra “bất lực” hay cố tình “ngơ” không xử lý triệt để vấn nạn trên? Trước sự buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại, người dân nghi ngại cho rằng có sự “bảo kê” cho các hoạt động trái phép này?.
Vừa qua, PV nhận được rất nhiều phản ánh của bạn đọc về việc trên địa bàn huyện Phúc Thọ, tồn tại hàng loạt phòng khám CK, phòng khám răng, hàm, mặt không phép hoạt động từ nhiều năm qua. Thế nhưng, các cơ quan chức năng tại địa phương không cương quyết xử lý triệt để, khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu có sự “bảo kê” phân chia lợi nhuận giữa các bên hay không?
Tiếp nhận thông tin trên, PV đã trực tiếp về từng địa phương để tìm hiểu ngọn nguồn sự việc. Đầu tiên, phóng viên đã khảo sát thực tế tại địa bàn thị trấn Phúc Thọ, xã Ngọc Tảo, xã Trạch Mỹ Lộc, xã Tam Hiệp, xã Võng Xuyên và nhận thấy, nhiều PK không có giấy phép hoạt động như PK Nha khoa 108, địa chỉ ngã tư Gạch, thị trấn Phúc Thọ; Nha khoa Cao Thanh, địa chỉ Cum 8, TT Phúc Thọ, Nha khoa răng hàm mặt Quốc tế, địa chỉ xã Võng Xuyên; Phòng khám 108 Tam Hiệp địa chỉ Dốc nhà máy tam hiệp... đều không ghi đầy đủ giấy phép hoạt động trên biển hiệu.
Những PK nha khoa này đều tọa lạc trên các trục đường chính, biển bảng lớn treo ngang nhiên, ai cũng có thể ghi nhận được. Nhưng cơ quan chức năng huyện Phúc Thọ lại cho rằng các cơ sở này hoạt động “lén lút”? Phải chăng còn có nhiều khuất tất khác?
Tại huyện Phúc Thọ theo khảo sát ban đầu của PV thì có khoảng 30 phòng khám, cơ sở treo biển chữa các bệnh. Thế nhưng, trong danh sách của Sở y tế Hà Nội cung cấp cho phóng viên thì chỉ 17 phòng khám trên địa bàn được cấp phép, còn lại hơn chục phòng khám là chưa có giấy phép.
Cơ sở phòng khám răng hàm mặt không phép vẫn ngang nhiên hoạt động
Các phòng khám này, đa phần sử dụng thủ đoạn “treo đầu dê, bán thịt chó” bởi bác sỹ chính thì không thấy đâu chỉ toàn nhân viên nhưng PK vẫn hoạt động bình thường. Thực chất, những người trực tiếp thực hiện việc khám chữa bệnh tại các cơ sở, phòng khám này chưa đủ trình độ, bằng cấp, năng lực để đảm đương theo đúng quy định pháp luật về y tế. Điều đó, vô tình khiến những người bệnh lâm vào tình trạng “giao trứng, cho ác”.
Đặc biệt, nhiều PK ở mặt đường chính của trục QL 32 không đáp ứng đầy đủ trang thiết bị, trang phục cho nhân viên, thậm chí có cơ sở hết sức sơ sài, diện tích lụp sụp chỉ được vài mét vuông. Bàn siêu âm, thủ thuật được tận dụng diện tích nên đặt ngay dưới góc gầm cầu thang tối om.
“Đá bóng” trách nhiệm
Liên quan đến các phòng khám tại khu vực huyện Phúc Thọ, PV đã đặt lịch hẹn tại Sở Y tế Hà Nội, đến ngày 13/04/2017 ông Tô Tử Anh Phó phòng quản lý hành nghề y dược tư nhân sở Y tế Hà Nội tiếp nhận lịch hẹn để cung cấp thông tin cho PV. Qua đây được biết ngày 02/3/2017 tổ kiểm tra bao gồm ông Tô Tử Anh – Phó phòng QLHN y dược tư nhân Sở Y tế Hà Nội; ông Nguyễn Duy Hậu – Trưởng phòng y tế huyện Phúc Thọ; Bà Nguyễn Thị Nụ - Cán bộ phòng Y tế huyện Phúc Thọ đã đi kiểm tra 3 cơ sở vi phạm và chỉ xử lý được 2 cơ sở.
Cụ thể, 2 phòng không có giấy phép hoạt động mới bị xử lý bao gồm: Phòng khám 108 nằm trên địa bàn cụm 8, TT Phúc Thọ và Phòng khám Nha khoa răng hàm mặt quốc tế (xã Võng Xuyên).
Khi PV thắc mắc là những PK không phép còn lại đều hoạt động công khai như vậy mà không hề bị “sờ” tới. Thì ông Tô Tử Anh cho biết: “Phòng quản lý hành nghề chỉ có công tác cấp phép và hậu kiểm tra”.
Còn phía ông Nguyễn Duy Hậu – Trưởng phòng Y tế huyện Phúc Thọ khẳng định, cơ bản trên địa bàn không còn phòng khám nào chưa được cấp phép. Tuy nhiên, PV tiếp tục hỏi về tình trạng một số phòng khám đang hoạt động mà đều không ghi đầy đủ giấy phép hoạt động trên biển hiệu PK (!?) thì ông Hậu cho rằng: “Những phòng khám đó có thể được cấp phép rồi nhưng họ không ghi thông tin lên biển phòng khám”?.
Cách nhận biết PK đủ điều kiện hoạt động của người dân chủ yếu dựa trên thông tin ghi trên biển phòng khám, như là ghi số giấy phép do sở y tế cấp. Trong PK dán công khai tên người hành nghề; văn bằng chuyên môn, chứng chỉ hành nghề, phạm vi hoạt động chuyên môn của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật và các nhân viên đăng ký hành nghề tại cơ sở; danh mục kỹ thuật đã được sở y tế phê duyệt, giá dịch vụ; tên và địa chỉ cơ quan QLNN trực tiếp; thời gian hoạt động…
Vậy mà theo như ông Hậu thì việc không ghi thông tin đầy đủ lên biển hiệu phòng khám của các cơ sở trên địa bàn huyện Phúc Thọ là vấn đề bình thường? Chưa kể đến việc PV đối chiếu các phòng khám không đầy đủ thông tin trên biển hiệu thì đa số đều không có trong danh sách các phòng khám được cấp phép của Sở Y tế Hà Nội.
Mặc dù các cơ sở khám chữa bệnh trái phép trên địa bàn sau khi bị xử lý vẫn ngang nhiên treo biển và hoạt động khám chữa bệnh một cách công khai. Cụ thể là Phòng khám Nha khoa 108 (Cụm 8 TT Phúc Thọ).
Điều gì khiến phòng khám này ngang nhiên như vậy? Phải chăng do chế tài chưa đủ mạnh để răn đe hay cơ quan chức năng thiếu và yếu trong khâu giám sát?
“Sau khi lập biên bản xử phạt chúng tôi có giao cho các xã quản lý giám sát, nếu phát hiện sai phạm phải báo cáo ngay. Còn việc báo chí phản ánh chúng tôi đang chờ các xã báo cáo và làm rõ” – Ông Nguyễn Duy Hậu cho biết.
Câu hỏi đặt ra: Ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp khi để các PK, nhà thuốc không phép hoạt động công khai như vậy? Đề nghị các cơ quan chức năng TP. Hà Nội vào cuộc và có biện pháp chấn chỉnh đối với các trường hợp vi phạm nêu trên.
Để phản ánh tình trạng trên PV Sức khỏe và Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc kỳ 2: Huyện Phúc Thọ: Thiếu cương quyết trong xử lý đối với phòng khám chữa bệnh trái phép?
Video:
PHÚC LÂM – ĐINH LINH
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/huyen-phuc-tho-tran-lan-co-so-kham-chua-benh-khong-phep-8806.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.