Theo phản ánh, những người lao động này trực tiếp ký hợp đồng lao động ba bên với nhà thầu phụ của chủ đầu tư, là công ty TNHH Hòa Phát Thượng (có trụ sở tại 93 Lê Thanh Nghị, Hà Nội) và công ty cổ phần cơ khí và xây dựng Viglacera Bắc Ninh (có trụ sở tại phường Vũ Ninh, Tỉnh Bắc Ninh).
Hợp đồng 3 bên được đại diện Công ty TNHH Hòa Thượng Phát ký.
Ông H. V. S (69 tuổi, trú tại Đa Phúc, Dương Kinh, Hải Phòng) phản ánh, nhóm thợ do ông S. làm trưởng gồm 15 người, nhận xây trát nhà từ tháng 10/2016. Theo thỏa thuận, sau 10 ngày làm việc, hai các bên sẽ chốt khối lượng và 3 ngày sau phía công ty sẽ thanh toán tiền công cho nhóm thợ.
Tuy nhiên, chỉ một hai lần đầu, phía công ty giữ đúng cam kết. Các lần sau đó, phía công ty luôn viện đủ lý do buộc người lao động phải chờ. Hoặc khi nhóm thợ quá gay gắt, đòi nghỉ việc, phía công ty mới tạm ứng số ít tiền công.
Sau khoảng 3 tháng làm việc, số tiền công bị nợ lại khoảng hơn 100 triệu đồng, ông S. cùng nhóm thợ đã phải ngừng thi công tại đây. “Tôi phải vay mượn khắp nơi để trả tiền công cho anh em thợ. Bản thân tôi vô cùng khổ cực. Tính đến hôm nay (20/8), tôi vẫn chưa được trả số tiền khoảng hơn 100 triệu đồng đó, dù ngày nào cũng tìm gặp các lãnh đạo để đòi.” – ông S. cho biết.
Tương tự với hoàn cảnh của ông S., anh Đinh Ngọc D. (35 tuổi, trú tại An Dương, Hải Phòng) cũng phản ánh, anh D. có khoảng 40 thợ, nhận xây trát các công trình tại dự án này từ ngày 13/2/2017. Sau thi công khoảng 2 tháng, số tiền công phát sinh của nhóm anh D. khoảng 360 triệu đồng. Hiện tại, trừ các khoản tiền đã ứng, anh D. vẫn bị nợ lại khoảng gần 100 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài các nhóm thợ trên, còn có nhóm thợ của anh Ngô Duy Q. (33 tuổi, trú tại Lê Chân, Hải Phòng) còn bị nợ lại khoảng 100 triệu đồng.
Các trưởng nhóm thợ cho biết, họ buộc phải xoay sở, vay mượn, thậm chí là vay lãi ngày để có tiền trả công cho thợ. Với số tiền bị nợ lại, phía công ty cũng chưa chốt ngày trả tiền chính thức khiến cuộc sống của nhóm thợ vô cùng khó khăn.
Để tìm hiểu rõ vấn đề trên, PV đã tìm đến số 93, phố Lê Thanh Nghị, Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để gặp lãnh đạo Công ty TNHH Hòa Phát Thượng. Tuy nhiên, có một nam thanh niên sau khi xem xét giấy giới thiệu cho biết, Công ty có thuê địa chỉ văn phòng tại đây, nhưng hiện tại đã chuyển đi.
Công Ty TNHH Hòa Thượng Phát không có trụ sở như đã công bố?
Liên hệ trực tiếp đến số điện thoại của ông Nguyễn Văn Tiến – Giám đốc Công ty để đặt lịch làm việc. Tuy nhiên ông Tiến cho biết đang ở một địa chỉ khác và cho rằng sự việc ở dưới công trường ông chưa nắm bắt rõ nợ cuối là do anh em chưa báo cáo và giải thích sơ qua về tình hình sự việc. “Nhà thầu phụ là Viglacera Bắc Ninh, gọi thêm nhân công để cứu tiến độ, tổng nhân công khoảng hơn 1 tỷ, phía công ty trả khoảng 7-8 trăm triệu đồng. Bên Thượng Hòa Phát không ký hợp đồng với các đội khác”, ông Tiến cho biết.
Đồng thời ông Tiến cũng đưa ra giải pháp: “Nếu muốn thanh toán thì Viglacera Bắc Ninh phải có Công văn đề nghị Hòa Thượng Phát thanh toán”, ông Tiến cho biết thêm.
Nhưng trên thực tế, tại Hợp đồng giao khoán nhân công ba bên (3 đơn vị - PV) được ký ngày 13/2/2017 gồm Công ty TNHH Hòa Thượng Phát (bên A), Chi nhánh Công ty Cổ phần Cơ khí Viglacera Bắc Ninh (bên B) và Tổ trưởng nhân công (bên B’). Ghi rõ ràng “Sau khi xem xét thực tế hiện trường, tiến độ thực hiện công việc của bên B không đảm bảo như đã ký hợp đồng với bên A….Bên A thống nhất với bên B, quyết định giao khoán lại một số phần việc thi công không đạt tiến độ của bên B cho bên B’.”.
Thậm chí tại điều khoản thanh toán ghi rất rõ ràng: “Bên A thanh toán cho bên B’ 80% giá trị đã thực hiện trong tháng, sau khi đã trừ đi các khoản tạm ứng vào các đợt. 20% còn lại, sẽ được bên A thanh toán cho bên B’ sau 15 ngày khi nghiệm thu và quyết toán hợp đồng”.
Hợp đồng ghi rõ, bên Công ty TNHH Hòa Thượng Phát phải có trách nhiệm thanh toán tiền cho đơn vị thi công (bên B').
Như vậy, không có chuyện như ông Tiến nói, nếu muốn thanh toán thì bên B (công ty Viglacera Bắc Ninh) phải trình công văn. Hợp đồng rõ ràng Thượng Hòa Phát thanh toán trực tiếp cho các đơn vị thi công (bên B’). Phải chăng, công ty cố tình đùn đẩy trách nhiệm, khiến cuộc sống của hàng chục công nhân gặp khó khăn.
Sức khỏe & Môi trường tiếp tục thông tin./.
Nhóm PV
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/no-hang-tram-trieu-dong-tien-cong-cong-ty-tnhh-hoa-thuong-phat-dun-day-trach-nhiem-8849.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.