Vụ hành hung phóng viên Báo Công lý tại Lương Sơn-Hoà Bình: Không thể tiếp tục vô cảm và cố tình bóp méo sự thật

Những cú đấm liên tiếp vào mặt phóng viên Hoan ( ảnh cắt từ clip).

SK&MT - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương từng phát biểu như vậy trước vụ việc cơ quan chức năng vòng vo, né tránh xử lý việc một nhà báo bị hành hung.

Theo ông, “chỉ có xử lý đúng mực hành vi vi phạm, đúng với bản chất vụ việc, không được bóp méo sự thật, thì người dân mới tin được".

Thờ ơ vô cảm trước cái xấu, cái ác

Nhận xét nêu trên, có lẽ cũng rất đúng và rất gần với việc xử lý vụ phóng viên báo Công lý bị hành hung tại tỉnh Hòa Bình mà Báo Công lý và nhiều cơ quan báo chí khác đã mạnh mẽ lên tiếng nhiều ngày nay. Xin được điểm lại và dẫn chứng một số vụ việc hành hung, cản trở phóng viên tác nghiệp gần đây để thấy chính quyền và các cơ quan chức năng đã xử lý như thế nào.

Trước hết, xin dẫn chứng một vụ việc có nhiều điểm giống với vụ hành hung phóng viên báo Công lý, xảy ra cách đây 3 tháng. Sáng ngày 13/6, nhà báo Trần Thị Tuyết Mai và nhóm phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam đang tác nghiệp ghi hình tại khu vực trước cửa số nhà 172, quốc lộ 3, thuộc địa phận xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) về tình trạng lấn chiếm đất công, ao hồ. Các phóng viên đã đề nghị lãnh đạo UBND xã đưa phóng viên tới hiện trường, Chủ tịch UBND xã Phù Lỗ đã gọi điện cho ông H. chủ nhà và nói rằng không thể đưa phóng viên vì "lý do nhạy cảm". Tuy nhiên, để phản ánh đúng sự thật, phóng viên vẫn tới hiện trường. Một người tự xưng là chủ nhà, tên H., lái chiếc xe Mitsubishi từ trong biệt phủ đi ra. Khi nhóm phóng viên tiếp cận để hỏi thêm một số thông tin thì thay vì hợp tác, ông H. đã lái xe đâm thẳng vào nhóm phóng viên. Phóng viên nhảy ra tránh được thì ông H. tiếp tục lái xe đâm vào người quay phim, máy quay rơi xuống đường, ông H. tiếp tục lùi xe chèn qua máy quay rồi bỏ đi.

Chỉ một ngày sau khi sự việc xảy ra, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có công văn chỉ đạo, giao Giám đốc Công an Thành phố và các Sở, ngành khác chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp theo quy định của pháp luật. Không dừng lại ở đó, cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Sóc Sơn đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Trần Văn Hạnh, ở khối 5, xã Phù Lỗ, về hành vi “Chống người thi hành công vụ”, quy định tại Điều 257 - Bộ Luật Hình sự.

Một sự việc khác xảy ra cách đây ít lâu tại TP Cần Thơ, hai nhà báo của Đài phát thanh truyền hình TP. Cần Thơ đến phường Thới Hòa trong quá trình xác minh đơn thư của bạn xem đài, bị phá hoại tài sản và bị đánh gây thương tích. Các phóng viên đã bị vợ chồng ông Nguyễn Văn Sĩ và bà Huỳnh Ngọc Dư dùng vải quấn đất đá bên trong lao vào tấn công và giật máy quay phim mang về nhà cất giấu, hủy băng hình. Một ngày sau khi sự việc xảy ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ô Môn đã ký quyết định tạm giữ hình sự đối với vợ chồng ông Nguyễn Văn Sĩ và bà Huỳnh Ngọc Dư để điều tra làm rõ về hành vi “Cướp tài sản” và “Chống người thi hành công vụ”.

Trở lại với sự việc phóng viên Báo Công lý bị hành hung tại Hòa Bình, dư luận không thể không bức xúc và đặt nghi vấn khi đã hơn nửa tháng trôi qua, vẫn chưa có sự chỉ đạo nào từ lãnh đạo và những người đứng đầu các cơ quan pháp luật nơi đây. Thậm chí, ngay cả khi phóng viên bị hành hung nhiều lần gọi điện, nhắn tin kêu cứu, đề nghị các vị lãnh đạo như Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình… giúp đỡ thì đều chỉ nhận được sự thờ ơ, im lặng, vô cảm đến khó hiểu. Ngay cả khi một lãnh đạo Ban Kiểm tra Hội nhà báo Việt Nam gọi điện về Hòa Bình cũng không nhận được phản hồi.

Ông Nguyễn Vũ Chi đã làm gì trước lời kêu cứu?

Trên cương vị người đứng đầu ông Nguyễn Vũ Chi, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cùng ông Hưởng, Đội trưởng Đội Cảnh sát môi trường Công an huyện Lương Sơn đã không hề có sự can thiệp hay hồi âm, hỗ trợ nào khi nhóm phóng viên gặp nạn liên tiếp gọi điện, nhắn tin cầu cứu.

Theo tường trình của nữ phóng viên Thái Thị Hà Lan: “Trên đường đi, chúng tôi vấp phải sự cản trở của người đàn ông lạ mặt (cũng là người tham gia đánh phóng viên Hoan) dừng xe ô tô ở giữa suối với lý do xe bị hết nhiên liệu… Nhận thấy có nhiều dấu hiệu nguy hiểm, tôi đã nhiều lần gọi điện và nhắn tin cho ông Nguyễn Vũ Chi, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn đề nghị cử cán bộ tới hỗ trợ, tuy nhiên ông Chi không nghe máy và trả lời. Tôi tiếp tục gọi điện, nhắn tin cầu cứu tới ông Hưởng, Đội trưởng Đội Cảnh sát môi trường Công an huyện Lương Sơn, tuy nhiên ông Hưởng cũng không có sự hỗ trợ nào cho nhóm phóng viên”. Ngay cả sau khi bị đánh, nhóm phóng viên hoảng loạn phải vào trong xe ngồi và tiếp tục nhiều lần gọi điện, nhắn tin tới số máy của Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn, và Đội trưởng Đội Cảnh sát môi trường Công an huyện Lương Sơn thì vẫn không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cán bộ này.

Vòng vo, né tránh hay “bảo kê” cho tội phạm?

Nhìn lại các vụ việc hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp gần đây, PGS, TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo cho rằng, dù tác nghiệp đúng quy định của pháp luật nhưng thời gian gần đây, không ít nhà báo đã và đang gặp phải nhiều rào cản trong tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin về các vụ liên quan chống tiêu cực. Tình trạng hành hung, cản trở phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp đang có xu hướng tăng cả về mức độ lẫn tần suất, thậm chí các hành vi cản trở mang tính trả thù, cảnh cáo còn nhằm vào thân nhân các nhà báo cho thấy tình trạng “coi thường hoạt động báo chí” cũng như các quy định của pháp luật nói chung đã đến mức đáng báo động.

Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây có khoảng 50 vụ tấn công nhà báo. Đáng ngại hơn, các vụ cản trở, hành hung vẫn xảy ra khi đương sự biết rõ người bị tấn công là nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp.

Sự bức xúc của đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương có lẽ cũng giống với những gì đang diễn ra trong vụ việc tại Hòa Bình. Clip phóng viên bị hành hung đã rất rõ ràng nhưng cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Hòa Bình dường như đã cố tình nhắm mắt làm ngơ trước sự thật rõ như ban ngày. Trong nhiều vụ việc khác, việc điều tra, xử lý hành vi hành hung nhà báo thường bị tác động bởi các cơ quan pháp luật nhưng lần này, chua xót thay, sự cản trở, tác động để bao che, bênh vực cho những kẻ hành hung phóng viên, sự “bẻ lái” dư luận từ chính những nhà báo của cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Hòa Bình.

Báo Hòa Bình đã lợi dụng chức năng phản ánh và hướng dẫn dự luận xã hội để cho rằng phóng viên bị đánh là do đã gây bức xúc cho người đánh, do phóng viên có nhân thân xấu trong khi những thông tin này hoàn toàn sai sự thật. Báo Hòa Bình cũng không hề thực hiện đúng các nguyên tắc nghiệp vụ phải thông tin khách quan, đó là làm việc với các phóng viên Báo Công lý trước khi đăng tải.

Khoản 2, Điều 4 của Luật Báo chí quy định rõ cơ quan báo chí cần đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Thế nhưng trong trường hợp này, dù chưa làm rõ và chưa có bằng chứng phóng viên Báo Công lý vi phạm pháp luật hay tiêu cực thì Báo Hòa Bình lại đăng tải, bao che cho hành vi hành hung phóng viên, khai thác khoáng sản có dấu hiệu trái phép với thông tin, hình ảnh, clip rõ ràng… Báo không những không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình mà ngược lại còn đưa ra các thông tin thiếu trung thực nhằm biện minh cho hành động hành hung phóng viên. Việc làm này là không thể chấp nhận nếu xem xét cả về khía cạnh đạo lý và pháp lý, nên nhiều nhà báo đã coi đây là hành vi đê hèn “đâm lưng đồng nghiệp”.

Sức khỏe & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Ngày 14/9/2017, Trưởng ban Kiểm tra Hội nhà báo Việt Nam Phan Hữu Minh đã có công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an huyện Lương Sơn, Công an tỉnh Hòa Bình đề nghị khẩn trương chỉ đạo và tích cực điều tra, sớm làm rõ vụ việc và xử lý thích đáng những kẻ côn đồ, trả lời Hội nhà báo Việt Nam để có cơ sở thực hiện chức trách của mình là bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo theo luật định.

Trong hai ngày 15, 16/9, phóng viên Báo Công lý đã hàng chục lần liên hệ với Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh ủy Hòa Bình, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình để nắm thông tin chỉ đạo giải quyết sự việc nhưng đều không nhận được bất kỳ sự phản hồi nào.


Theo Công lý

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/vu-hanh-hung-phong-vien-bao-cong-ly-tai-luong-son-hoa-binh-khong-the-tiep-tuc-vo-cam-va-co-tinh-bop-meo-su-that-8859.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.