SK&MT - Trước việc thực phẩm chức năng Sumhevi (Công ty CP Đầu tư Dược phẩm Sum) được quảng cáo rầm rộ trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng như là thuốc khiến người tiêu dùng nhẫm lẫn. Từ đó, bỏ qua những biện pháp can thiệp y học cần thiết, gây ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe bệnh nhân.
Thực phẩm chức năng Sumhevi được quảng cáo giống như thuốc.
Phóng viên (PV) Sức khỏe & Môi trường điện tử đã có buổi phỏng vấn Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam.
PV: Việc công ty quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật (cụ thể có tác dụng điều trị như thuốc) vậy đã vi phạm quy định, nghị định nào?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Hành vi quảng cáo sản phẩm của Công ty CP Đầu tư Dược phẩm Sum là hành vi vi phạm Luật thương mại 2005 và Luật quảng cáo 2012. Cụ thể:
+ Khoản 7 Điều 109 Luật Thương mại 2005 quy định “Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ.” là một trong những hành vi quảng cáo thương mại bị cấm.
+ Đồng thời tại Khoản Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 cũng đề cập việc “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.” là hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo.
+ Theo Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 2299/2015/XNQC-ATTP do Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cấp ngày 19/11/2015, Công ty này chỉ được phép quảng cáo sản phẩm SumHevi có tác dụng “Giúp thông khí, giảm dị ứng, hỗ trợ giảm thiểu các triệu chứng đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi. Cơ quan chức năng đã kết luận sản phẩm này là sản phẩm có tác dụng hỗ trợ mà không có tác dụng như một thuốc đặc trị chuyên biệt trong việc điều trị bệnh viêm xoang và viêm mũi xoang.
+ Đồng thời qua tìm hiểu tại trang thông tin http://www.sumhevi.com/, tôi được biết chính trang website này đã công nhận sản phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, dòng chữ này rất nhỏ và người tiêu dùng khó nhận biết.
+ Có thể thấy, hành vi Công ty CP Đầu tư Dược phẩm Sum quảng cáo sản phẩm SumHevi với những lời quảng cáo “có cánh” như: “khỏi dứt điểm viêm xoang nhờ Sumhevi”, “đặc trị viêm xoang, viêm mũi”, là quảng cáo sai sự thật và gây nhầm lẫn và làm người tiêu dùng hiểu nhầm đây là thuốc có tác dụng chữa bệnh.
PV: Việc vi phạm này thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu- Phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Điểm a Khoản 4 Điều 68 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định về các hành vi vi phạm các quy định về quảng cáo thuốc như sau “Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc” sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.”. Theo đó, đối với cá nhâm thực hiện hành vi này thì hình phạt là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; đối với tổ chức thì mức phạt sẽ gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền sẽ từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật còn phải thực hiện biện
pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc cải chính thông tin
- Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
PV: Khi quảng cáo thực phẩm chức năng chỉ được sử dụng các ngôn ngữ như thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: + Điều 7 Thông tư 43/2014/TT-BYT của Bộ Y Tế ngày 24/11/2014 quy định Quảng cáo thực phẩm chức năng phải được thực hiện theo quy định pháp luật về quảng cáo quy định:
“1. Việc quảng cáo thực phẩm chức năng phải được thực hiện theo quy định pháp luật về quảng cáo.
2. Việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên phương tiện nghe nhìn phải có dòng chữ chú ý: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; chữ viết, lời đọc phải nhìn được và nghe rõ ràng trong điều kiện bình thường.”
Khoản 11 Điều 8 Luật Quảng cáo quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo 2012 liên quan đến hành vi quảng cáo này như sau “Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.”
Theo đó, không được quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh và việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên phương tiện nghe nhìn phải có dòng chữ chú ý: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; chữ viết, lời đọc phải nhìn được và nghe rõ ràng trong điều kiện bình thường.
PV: Xin luật sư cho biết, khi quảng cáo thực phẩm chức năng trực tiếp tới người tiêu dùng cần quan trọng điều gì?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Việc quảng cáo thực phẩm chức năng phải tuân thủ Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quảng cáo và; Điều 7 Thông tư 09/2015/TT-BYT của Bộ Y Tế ngày 25/05/2015 quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của bộ y tế. Theo đó:
1. Nội dung quảng cáo phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
2. Quảng cáo phải có các nội dung sau đây:
- Tên thực phẩm chức năng;
- Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
- Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có);
- Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay
thế thuốc chữa bệnh”.
3. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
4. Quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình thì:
- Phải đọc rõ ràng nội dung Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có) và Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
- Đối với các nội dung ngoài nội dung đã công bố thì phải có tài liệu hợp pháp, tài liệu khoa học chứng minh và trích dẫn rõ nguồn tài liệu tham khảo trong market, kịch bản quảng cáo; đối với sản phẩm có cách sử dụng, cách bảo quản đặc biệt phải được nêu cụ thể trong quảng cáo;
- Đối với quảng cáo trên bảng, biển, panô, kệ giá kê hàng, chạy chữ dưới chân các chương trình truyền hình, trên các vật dụng khác, vật thể trên không, dưới nước, vật thể di động không bắt buộc phải chứa đầy đủ các nội dung thông tin về cách dùng, tác dụng, bảo quản nhưng phải bảo đảm phù hợp với nội dung đã công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm;
- Không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh;
- Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm.
PV: Thưa Luật sư, các biện pháp nào ngăn chặn được tình trạng vi phạm quảng cáo TPCN sai sự thật?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Theo Tôi, để ngăn chặn được tình trạng vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật thì:
+ Cơ quan quản lý Nhà nước cần rà soát, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng.
+ Có công khai thông tin trên phương tiện thông tin về hành vi quảng cáo sai sự thật của các đơn vị vi phạm để người dân biết để tránh bị lừa dối và không sử dụng các sản phẩm này.
+ Nâng cao mức xử phạt để đủ sức răn đe tình trạng vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng gây nhầm lẫn nhằm trục lợi như hiện nay.
Xin cảm ơn Luật sư!
Phan Tú
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/phong-van-luat-su-thuc-pham-chuc-nang-sumhevi-quang-cao-sai-su-that-8912.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.