Những dấu hiệu trẻ bị say nắng vào mùa hè và cách phòng tránh

SK&MT –

Thời tiết nắng nóng vào mùa hè khiến trẻ dễ bị say nắng, say nóng. Nếu không được xử lý kịp thời có thể gây mất nước, đau đầu, tổn thương thần kinh và thậm chí nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân trẻ say nắng

Mùa hè nắng nóng kéo dài khiến trẻ em mất nước.

Thường do cơ thể bị phơi dưới ánh nắng nóng quá lâu, vượt quá mức chịu đựng của cơ thể, dẫn đến nhiều rối loạn ở các cơ quan, nhất là hệ thần kinh.

Khi cơ thể bị nóng quá mức, trung tâm điều hòa nhiệt độ ở thân não ứng biến bằng cách tiết mồ hôi để hạ bớt sức nóng của cơ thể. Tuy nhiên đối với trẻ em, trung tâm này chưa phát triển hoàn chỉnh nên sự giải nhiệt không tốt, khiến trẻ rất dễ bị say nắng khi cơ thể phải phơi nắng quá lâu. Nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong.

Triệu chứng trẻ bị say nắng

Say nắng khiến trẻ mất nước khiến cơ thể suy nhược.

Khi bị nắng nóng, cơ thể sẽ có các phản ứng để giảm nhiệt độ như: Dãn nở mạch máu để máu dồn nhiều tới da làm thoát nhiệt ra ngoài; tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, tiết ra nhiều mồ hôi, mồ hôi bay hơi để hạ nhiệt cho cơ thể.

Khi sự điều hòa thân nhiệt của cơ thể không thích ứng kịp với sự thay đổi nhiệt độ tăng nhanh và cao của môi trường bên ngoài, cơ thể bị mất quá nhiều nước qua mồ hôi thì có thể gây ra những biến đổi trầm trọng trong cơ thể, có thể dẫn đến tử vong.

Để phòng ngừa hiệu quả chứng say nắng ở trẻ

- Nên cho trẻ uống nhiều nước khi đi ra ngoài trời nắng nóng vì trẻ sẽ bị đổ mồ hôi nhiều và cơ thể rất dễ bị mất nước. Trẻ còn bú mẹ nên cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt. Những trẻ phải luyện tập thể lực hoặc tham gia các trò chơi vận động ngoài trời thì lượng nước mất sẽ nhiều hơn như vậy cần cho trẻ uống nước ngay cả khi trẻ chưa cảm thấy khát.

- Hạn chế tối đa việc cho trẻ đi ra ngoài đường trong giờ nắng nóng cao điểm từ 11h - 4h chiều. Và khi đi ra nắng, hãy đảm bảo toàn cơ thể của trẻ cần được che nắng kín đáo để hạn chế tác hại sức nóng của ánh nắng mặt trời.

- Cần tránh đột ngột sự tiếp xúc với nắng nóng. Không nên để trẻ quá gắng sức khi luyện tập thể lực hoặc chơi đùa ngoài nắng. Khi trẻ cảm thấy mệt mỏi, ra mồ hôi quá nhiều nên khẩn trường đưa trẻ vào chỗ râm mát để nghỉ ngơi.

- Mặc cho trẻ quần áo thoáng, mát, màu nhạt để dễ thấm mồ hôi và thoát nhiệt và giúp tránh hấp thụ nhiệt từ môi trường.

Cùng trẻ “đối phó” với say nắng mùa hè

Bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể trẻ vào ngày nắng nóng.

Nắng nóng khiến trẻ dễ bị đổ mồ hôi và mất nước. Chính vì thế cần cho trẻ uống nhiều nước, tuy nhiên chỉ nên uống nước ấm, không uống nước lạnh và uống từ từ. Nên thúc trẻ bú sữa mẹ (đang trong giai đoạn bú sữa mẹ) và uống nước (trẻ đã lớn) ngay cả khi trẻ chưa cảm thấy khát.

Nên cho con mặc các loại quần áo gọn nhẹ, rộng rãi, thoát nhiệt và những đồ sáng màu để tránh hấp thụ nhiệt và các tia cực tím từ ánh nắng mặt trời.

Cha mẹ cũng cần đặc biệt chú ý khi đang ở trong nhà, nhất là những nhà bật máy lạnh sau đó ra ngoài trời nắng nóng, trẻ sẽ dễ bị say nắng do có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nếu trong nhà đang bật máy lạnh, cần cho trẻ làm quen dần với nhiệt độ cao hơn hoặc tắt máy lạnh trước khi ra ngoài trời nắng để tránh sốc nhiệt.

Ngoài ra, nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh và hoa quả như: cam, quýt, dưa chuột, cà chua, xà lách, dưa hấu, rau xanh... có tính làm mát cơ thể, tránh tăng thân nhiệt.

Minh Vy

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/nhung-dau-hieu-tre-bi-say-nang-vao-mua-he-va-cach-phong-tranh-9647.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.