Việt Nam không cải cách và đột phát, nông nghiệp sẽ tụt hậu
Sáng ngày 10/4, tại buổi họp báo cập nhật về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam 2017-2018 do ADB tổ chức, các chuyên gia đều lạc quan về mức độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn giữ ở mức cao so với khu vực và trên thế giới.
Theo đó, ADB dự báo trong thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng. Cụ thể, tăng 6,5% vào năm 2017 và 6,7% năm 2018. Đặc biệt, nền kinh tế của Việt Nam vẫn là các doanh nghiệp vốn FDI, xuất khẩu, phát triển các dịch vụ và bán lẻ.
Tại buổi họp báo, qua báo cáo của ADB cho thấy, trong những năm qua sản xuất ở Việt Nam vẫn giữ ở mức ổn định, với mức tăng trưởng khoảng 11,9%. Ngành dịch vụ tài chính tăng 7,8%, số khách du lịch đến Việt Nam tăng 26% (2016).
ADB đưa ra chỉ số giá tiêu dùng năm 2017 tăng ở mức đáng kể 4%. Theo đánh giá, lạm phát tăng là do Chính phủ tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục và giao thông. Đặc biệt, trong thời gian tới, việc giá cả các loại hàng hóa trên thế giới như dầu mỏ, kim loại và lương thực tăng sẽ gây ra thách thức rất lớn tới việc kiềm chế lạm phát ở Việt Nam.
Về việc thu hút vốn FDI, ADB cho rằng giá đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng, điển hình mức vốn giải ngân quý I đã tăng kỷ lục đạt 3,6 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2016, trong khi hầu hết nước ASEAN xuất khẩu giảm thì Việt Nam có mức tăng trưởng 8,3%. Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam trong các nước ASEAN tăng từ 7% năm 2009 lên 14% năm 2015. Đặc biệt tỷ trọng các mặt hàng công nghệ cao tăng vọt từ 2% lên đến 12% trong tổng số các mặt hàng xuất khẩu của ASEAN.
Theo ADB đánh giá, tại Việt Nam nhóm người có thu nhập trung bình sẽ gia tăng nhanh chóng, đạt 33 triệu người vào năm 2030. Nhóm này có mức thu nhập trung bình khoảng 8.500 USD/năm, sẽ là động lực kích thích tiêu dùng trong nước, gia tăng hoạt động kinh doanh bán buôn và bán lẻ.
Giám đốc Quốc gia của ABD tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick nhận định, kinh tế Việt Nam có tăng trưởng nhưng đang chậm lại. Điều này dẫn tới việc Việt Nam khó có thể đạt được vị thế nước có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Cũng theo ông, nếu Việt Nam tăng trưởng thêm 2%/năm so với hiện nay, mục tiêu về mức thu nhập trung bình cao sẽ được rút ngắn và đạt được vào năm 2026.
Theo ADB, ngành dịch vụ và công nghiệp đang có sự tăng trưởng bùng nổ, nhưng ngược lại nông nghiệp đang dần lạc hậu, tăng trưởng chậm lại. Tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế đang chiếm 18% GDP, năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp đang ở mức thấp.
Trước tình hình đó, ADB nhấn mạnh nông nghiệp Việt Nam đang dựa quá nhiều vào đất đai, tài nguyên nước, phân bón và phát triển thiếu bền vững. Nếu không có những cải cách và đột phát, nông nghiệp sẽ tụt hậu, làm cho cả nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Mục tiêu biến Việt Nam thành một nước giàu sẽ lâu hơn. Rất có thể, khi đó Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
T.T (t/h)