Bạc Liêu: Cần đầu tư mạnh mẽ hoàn thiện các chính sách bảo vệ môi trường tự nhiên và kiến tạo môi trường sống an toàn
Một tiết mục nghệ thuật được trình diễn tại sân khấu đem khai mạc.
Thể hiện ý chí quyết tâm, khát vọng vươn lên…
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu ông Lữ Văn Hùng khái quát: Bạc Liêu là tỉnh ven biển thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là vùng đất giàu truyền thống cách mạng; 25 năm tái lập, tỉnh Bạc Liêu đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực; đang triển khai thực hiện có hiệu quả 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội và nỗ lực vươn lên với ý chí và khát vọng đưa Bạc Liêu tiếp tục là tỉnh khá của khu vực vào năm 2025 và tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.
Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022, là một trong những hoạt động ý nghĩa, thiết thực chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Bạc Liêu (01/01/1997 - 01/01/2022); đồng thời, cũng thể hiện sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu quyết tâm khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu Lữ Văn Hùng, phát biểu khai mạc Ngày hội Văn hoá – Du lịch Bac Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022.
Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu được tổ chức từ ngày 27 đến ngày 29/11/2022, với 14 hoạt động đa dạng, phong phú; có sự tham gia góp sức của 25 tỉnh, thành phố trên cả nước trong các hoạt động như: Hội nghị Kết nối cung – cầu hàng hóa; Hội chợ Thương mại – Du lịch và sản phẩm Ocop; Ngày hội Tôm – Muối Bạc Liêu; Hội tụ tinh hoa di sản .v.v. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của hơn 500 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên của các Miền di sản cùng về tham dự; dự kiến Ngày Hội sẽ thu hút hơn 20 ngàn lượt du khách đến với Bạc Liêu tham quan, du lịch. Đặc biệt, Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh có sự tham gia của hơn 500 đại biểu là Lãnh đạo Trung ương, các tỉnh thành phố và nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Điểm nổi bật của Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2022, là sự kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa với du lịch; vừa tôn vinh giá trị bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác cách đây hơn 100 năm, vừa bảo tồn và lan tỏa Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đồng thời, Ngày Hội còn có sự góp mặt của nhiều di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh như: Ca Trù; Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên; Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ; Dân ca Quan họ; Hát Chèo; Đờn ca tài tử Nam Bộ... cùng với các loại hình nghệ thuật của đồng bào Khmer và người Hoa, tất cả sẽ cùng hòa điệu, để Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2022 thực sự trở thành nơi hội tụ tinh hoa của các miền di sản phi vật thể đại diện các vùng, miền trên cả nước.
Phải phấn đấu nỗ lực hơn nữa…
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, khẳng định: “Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang - Ngày hội với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, mang đậm bản sắc văn hóa, dân tộc, là hoạt động thiết thực thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cách đây tròn 1 năm, hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị các di sản văn hoá, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo thêm cơ sở và động lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.
Một phần tư thế kỷ, Bạc Liêu đã dám nghĩ, dám làm khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của mình, duy trì mức tăng trưởng khá so với Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nhiều năm tăng trưởng ở mức hai con số và nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, thu nhập người dân tăng nhanh, đời sống tinh thần và vật chất của người dân không ngừng được cải thiện.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được nhiều tiến bộ rõ nét. Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Năm trụ cột Bạc Liêu đã xác định gồm: (1) phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (2) phát triển công nghiệp, trọng tâm là năng lượng tái tạo; (3) phát triển du lịch gắn với văn hóa, con người; (4) phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; (5) phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, thể hiện tầm nhìn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển bền vững của BCH Đảng bộ tỉnh.
Đại dịch COVID-19 một lần nữa thử thách bản lĩnh càng khó khăn càng mạnh mẽ của Dân tộc ta, của đồng bào Nam Bộ. Bạc Liêu đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chủ động từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục là điểm đến an toàn và hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được thực hiện tốt, nhất là với những người yếu thế, những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phát biểu tại Lễ khai mạc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lưu ý: Chặng đường trước mắt chúng ta bên cạnh cơ hội, thuận lợi là rất nhiều khó khăn, thách thức. Tự hào về thành quả đạt được sau 25 năm xây dựng và phát triển, nhưng nhìn chung Bạc Liêu vẫn còn không ít bất cập đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, cố gắng hơn rất nhiều lần để phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu của năm 2022 và cả giai đoạn 2021 – 2025 với tinh thần lấy lại 2 năm đã chậm vì dịch bệnh.
Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Bạc Liêu: Trước hết cần tiếp tục giữ gìn, phát huy sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân; chung sức, đồng lòng, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Nhanh chóng cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cần khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài để tập trung 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đã xác định, trong đó đặc biệt lưu ý các yếu tố phát triển bền vững trong tất cả các khâu, trong từng giai đoạn. Cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn các sáng kiến, chương trình, dự án liên kết vùng, trước hết là hợp tác với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng ĐBSCL cùng thực hiện các dự án đầu tư chung về cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển kinh tế toàn vùng như Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Rạch Giá - Hà Tiên - Bạc Liêu, đường bộ hành lang ven biển, đường Nam Sông Hậu, Quản lộ Phụng Hiệp v.v…
Pháo hoa trên bàu trời TP.Bạc Liêu tạo không khí đêm khai mạc thêm sôi động.
“Chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc hơn văn hóa là cội nguồn sức mạnh của dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; giữ gìn và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là tạo động lực cho phát triển bền vững, là thể hiện chữ hiếu của chúng ta với Tổ tiên và cũng là trách nhiệm của chúng ta với thế hệ mai sau và với cả văn minh thế giới. Con người là mục tiêu, là động lực và nguồn lực cho phát triển. Chúng ta cần bằng các hành động cụ thể khơi dậy mạnh mẽ tình yêu quê hương, đất nước; cần đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và y tế, hoàn thiện mạng lưới an sinh và các chính sách bảo trợ xã hội; bảo vệ môi trường tự nhiên và kiến tạo môi trường sống an toàn; tràn ngập tình yêu thương và luôn vang tiếng đàn, tiếng hát vọng cổ, Đờn ca tài tử thấm đẫm tình người phương Nam” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhấn mạnh.
HÙNG LONG