Cả nước quyết tâm cùng thực hiện bằng được "mục tiêu kép"
Hà Nội: Nghiêm túc thực hiện tinh thần chỉ đạo, GRDP cả năm tăng ấn tượng
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết thành phố đã triển khai một cách nghiêm túc và chủ động, bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, về cơ bản Thành phố đã đạt được mục tiêu tổng quát, mục tiêu kép với những kết quả quan trọng, toàn diện trong đó nhiều chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội được đánh giá là thực chất, trọn vẹn và tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp; hiệu quả mục tiêu kép, TP đã kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh trong cả 3 đợt; có giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều hoạt động kết nối với các địa phương cung cầu hàng hóa, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 3,98%, quy mô nền kinh tế trên 44 tỷ USD, thu ngân sách ước thực hiện khoảng 280 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so với thực hiện năm 2019… đều là những dấu ấn của TP trong năm vừa qua.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại điểm cầu Hà Nội.
Bên cạnh đó, Hà Nội tổ chức thành công nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của Thủ đô, thúc đẩy nhiều công trình hạ tầng giao thông, xử lý nhiều vấn đề dân sinh bức xúc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Năm 2021, thành phố Hà Nội thực hiện năm chủ đề: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và xây dựng 23 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó, phấn đấu GRDP tăng khoảng 7,5%. Ngay từ đầu tháng 1/2021, thành phố Hà Nội sẽ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà nội đã có 3 nội dung báo cáo về Bộ Chính trị: xung quanh định hướng điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Hà Nội dự kiến tháng 12/2021 để báo cáo Bộ Chính trị; sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô dự kiến tháng 12/2021; báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 về phương hướng nhiệm vụ phát triển thủ đô giai đoạn 10 năm qua để chuẩn bị cho 10 năm tiếp theo.
Hà Nội đề nghị Chính phủ báo cáo với Quốc hội về việc triển khai kết hoạch đầu tư công trung hạn, theo Điều 89, Luật Đầu tư công, hiện nay có bất cập là dự án cho 2 kỳ kế hoạch đầu tư liên tiếp phải bảo đảm tổng số giá trị, tổng mức đầu tư của chương trình dự án được thực hiện kế hoạch đầu tư công của giai đoạn sau không vượt quá 20% giai đoạn trước; về Quy hoạch Hà Nội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn 2045 liên quan đến bố trí vốn, thẩm định dự toán; kiến nghị Bộ Nội vụ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Nghị quyết 97 của Quốc hội thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn TP.Hà Nội...
TP Hồ Chí Minh xác định chủ đề năm 2021 là: “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu tổng quát là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, đó là tập trung kiểm soát tốt lây nhiễm Covid-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế trên các ngành, lĩnh vực; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền đô thị; chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Để thực hiện tốt phương châm hành động năm 2021 Chính phủ đề ra là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển”, Thành phố xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với 20 chỉ tiêu và 9 nội dung trọng tâm là:
(1) Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Triển khai Kế hoạch thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 131 và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ đảm bảo đúng tiến độ. Triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh, trong đó nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thành phố Thủ Đức trình các cơ quan Trung ương thông qua. Dự kiến ngày 31/12/2020, TP sẽ tổ chức công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Thành phố Thủ Đức.
(2) Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế trên các ngành, lĩnh vực.
(3) Đảm bảo tiến độ thực hiện 51 chương trình nội dung, đề án thuộc 3 chương trình đột phá về đổi mới phát triển hạ tầng, phát triển nhân lực và văn hóa, chương trình trọng điểm về phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của TP.
(4) Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
(5) Đẩy mạnh thiết kế đô thị phục vụ quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.
(6) Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
(7) Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội.
(8) Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
(9) Giữ vững ổn định an ninh chính trị, quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị ....
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2021, tại Hội nghị hôm nay, Thành phố kiến nghị Chính phủ quan tâm, sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố theo Nghị quyết số 131 của Quốc hội trước ngày 1/1/2021. Hiện Thành phố rất chủ động và khẩn trương phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp hoàn chỉnh dự thảo để trình Chính phủ.
TP. Hải Phòng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép với tinh thần “chống dịch như chống giặc”
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, trong năm 2020, Thành phố đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không có ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế thành phố vẫn duy trì ở mức cao . Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu như chỉ số sản xuất công nghiệp, thu nội địa, kim ngạch xuất khẩu, sản lượng hàng qua cảng, tổng vốn đầu tư phát triển tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Kịp thời triển khai gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được bảo đảm… Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 11,22% so với năm 2019, bình quân 5 năm tăng gần 14%/năm, vượt kế hoạch đề ra; tổng thu ngân sách năm 2020 đạt gần 86.000 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,22%...
Để giúp cho Hải Phòng hoàn thành được nhiệm vụ, phát huy mạnh mẽ vai trò là cực tăng trưởng, là động lực phát triển kinh tế xã hội cho cả vùng và cả nước như Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã định hướng, thành phố Hải Phòng đề nghị Chính phủ phân cấp cho các địa phương một số nội dung.
TP Đà Nẵng: Vượt qua khó khăn, đồng lòng chống dịch
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, năm 2020, Thành phố Đà Nẵng đối mặt với rất nhiều những khó khăn, thử thách nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã quyết liệt, đồng lòng trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai hiệu quả một số công việc quan trọng, trong đó, thành phố đã đã cơ bản khống chế được dịch bệnh và ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng; thu hút đầu tư trong nước ngoài KCN gấp khoảng 2 lần lần về vốn so với cùng kỳ 2019…
Năm 2021, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế”; kịp thời thực hiện các giải pháp phát triển nguồn thu, phấn đấu thu ngân sách đạt kết quả cao nhất; tập trung chỉ đạo xử lý các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản, công tác giải tỏa, đền bù, bàn giao mặt bằng triển khai dự án, nhất là các công trình trọng điểm, động lực trên các lĩnh vực giao thông, hạ tầng khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cấp thoát nước, môi trường, an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn xây dựng cơ bản năm 2021 theo kế hoạch đề ra…
Để tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố trong việc triển khai nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét, giải quyết một số kiến nghị, đề xuất của địa phương. Trong đó, Chính phủ quan tâm xem xét, sớm ban hành Nghị định quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định số 144/2016/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng, Quyết định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Điều 8 Nghị quyết 119/2020/QH14 về điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị; phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đề nghị các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông lớn, có sức lan tỏa, kết nối tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên...
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn tại TP Cần Thơ
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ cho biết, Cần Thơ thống nhất cao với nhận định, đánh giá tại các Báo cáo của Chính phủ, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, hiệu quả trong công tác phòng chống COVID-19; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn bằng các chính sách và gói hỗ trợ; các chính sách kích cầu trong kinh tế, trong chỉ đạo điều hành giải ngân vốn xây dựng cơ bản; trong phòng chống, khắc phục thiên tai, hạn mặn ở ĐBSCL; lũ lụt, bão ở miền Trung; rét hại ở miền Bắc.
Cũng theo lãnh đạo Thành phố Cần Thơ, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, vẫn còn một số vấn đề cần nghiên cứu và có giải pháp kịp thời tháo gỡ như việc kết nối giao thông của các tỉnh trong vùng vẫn còn khó khăn; khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn; vẫn còn bất cập, tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để…
Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện một số chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi về thuế, giãn thuế..., sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xem xét, chấp thuận phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Cần Thơ làm cơ sở kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến...
Đồng Tháp cơ bản đạt mục tiêu đề ra
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định trong bối cảnh hết sức khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), Đồng Tháp cơ bản đạt mục tiêu đã đề ra, nền kinh tế tỉnh tiếp tục có bước phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân 05 năm ước đạt 6,44%/năm, thu nhập bình quân đầu người nâng lên đáng kể, đến cuối năm 2020 ước đạt trên 47 triệu đồng, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn còn 1,21 lần. An sinh xã hội được chú trọng, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh quốc phòng được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế phát triển. Diện mạo đô thị và nông thôn ngày càng khang trang, văn minh, sạch đẹp, nâng cao hình ảnh địa phương, con người Đồng Tháp. Phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp” được khẳng định bằng những hành động thiết thực. Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), Đồng Tháp đề ra 19 chỉ tiêu phấn đấu; trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt 7,5%/năm và năm 2021 đạt 7,0%.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đồng Tháp vẫn kiên định mục tiêu không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá mà tập trung phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân, đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết tốt các vấn đề xã hội như: tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục… từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Do đó, tỉnh Đồng Tháp rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương để giúp tỉnh thực hiện mục tiêu này.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế: Bài học về sức mạnh kỷ luật, sự đồng thuận là bài học quý báu cho chúng ta
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, để đạt được mục tiêu đề ra, ngoại trừ yếu tố kiểm soát tốt dịch bệnh, Chính phủ cũng đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, khai thác dư địa của các động lực tăng trưởng từng ngành, địa phương.
“Bài học về sức mạnh kỷ luật, sự đồng thuận, chung sức đồng lòng trong thời điểm khó khăn nhất của đất nước là bài học quý báu cho chúng ta trong quá trình phục hồi và phát triển đất nước sau đại dịch”, ông Phan Ngọc Thọ phát biểu.
Chưa gượng dậy sau đại dịch COVID lần 2, các tỉnh miền Trung nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng phải đương đầu, gánh chịu tác động nặng nề do bão, lũ, lụt trong tháng 9, tháng 10. Trong những thời điểm khó khăn đấy, nhân dân tỉnh nhà luôn nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ, động viên kịp thời của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, của hệ thống chính trị, những tấm lòng nhân ái chia sẻ vật chất, tinh thần của bà con cả nước đã góp phần hạn chế, khắc phục hậu quả bão, lũ gây ra, làm vơi đi những mất mát, đau thương của người miền Trung gánh chịu trong bão lụt.
Năm 2021 là năm khởi động đầu nhiệm kỳ với nhiều khó khăn, cần tập trung nguồn lực cho đầu tư khôi phục và phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh, đòi hỏi các cấp, các ngành phải năng động, sáng tạo và sẵn sàng với "trạng thái mới" trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện để phấn đấu đạt hiệu quả cao nhất trong chỉ đạo, điều hành.
Để đạt mục tiêu đề ra trong 2021 của quốc gia cũng như của địa phương, Thừa Thiên Huế cho rằng, thời điểm hiện nay phục hồi, đón đầu cơ hội nền kinh tế là nhiệm vụ cấp bách của đất nước. Đây là cơ hội để chúng ta đánh giá sự thích nghi, chủ động của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi và quy mô toàn cầu.
Ông Phan Ngọc Thọ đề nghị cần tiếp tục có lộ trình chuyển đổi, hình thành chuỗi sản xuất tin cậy, đa dạng, chủ động, tạo nền tảng cho phát triển nền kinh tế, có năng lực phản ứng nhanh, linh hoạt, thích ứng với biến động của nền kinh tế. Đây là thời điểm cho Việt Nam tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch bệnh gây nên.
Tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, kịp thời giải quyết, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, tập trung chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nhằm phát huy hiệu quả vận hành Chính phủ điện tử, góp phần quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính, hiện thực hóa lộ trình giảm giấy tờ, giảm thời gian, giảm chi phí trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính…
HƯƠNG VÂN