Chuyển đổi số báo chí: Thực trạng, thách thức và giải pháp
Chuyển đổi số báo chí là quá trình ứng dụng công nghệ số vào tất cả các hoạt động của báo chí, từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ nội dung. |
Chuyển đổi số trong báo chí
Chuyển đổi số là nội dung cơ bản của Cách mạng công nghiệp 4.0, là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi phương thức phát triển, cách sống, cách làm việc của con người với mục tiêu tăng hiệu quả quản lý, nâng cao năng suất lao động, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Chuyển đổi số là xu thế toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Thế giới vật lý đang được số hóa. Đời sống thực đang được ánh xạ vào không gian mạng. Quá trình sáng tạo, sản xuất kinh doanh ngày càng diễn ra nhiều hơn trên không gian mạng. Dưới tác động của đại dịch COVID-19, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số.
Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số là báo chí, truyền thông. Nhiều cơ quan báo chí, công ty truyền thông trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo, đã bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua “khủng hoảng” thành công. Ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Chuyển đổi số báo chí là quá trình ứng dụng công nghệ số vào tất cả các hoạt động của báo chí, từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ nội dung. Mục tiêu của chuyển đổi số báo chí là nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của báo chí trong bối cảnh kỷ nguyên số, thay đổi cách tòa soạn hoạt động nhằm cung cấp những giá trị lớn hơn cho các khách hàng mà tòa soạn ấy phục vụ.
Chuyển đổi số báo chí bao gồm việc sử dụng công nghệ số để sản xuất nội dung, phân phối trên các nền tảng như website, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại, tạo ra các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số. Chuyển đổi số báo chí là một quá trình khó khăn và đầy thách thức, nhưng đây là xu hướng tất yếu mà báo chí cần phải thực hiện để tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số hiện nay.
Việc ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ như Ai, IoT, Big data,... trong các sản phẩm báo chí đa nền tảng, báo chí dữ liệu, báo chí di động, giúp tạo ra các sản phẩm thông minh, phù hợp hơn với người dùng.
Thực trạng hoạt động báo chí trong quá trình chuyển đổi số
Tính đến ngày 30/12/2022, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816 (báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử: 230; báo chí điện tử độc lập (không có bản in): 29); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Ngoài ra, có 224 cơ quan báo chí (trung ương: 164; địa phương: 60) thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó có cả những cơ quan báo chí đã có loại hình điện tử. Có 227 chuyên trang của 88 cơ quan báo chí điện tử, gồm: 178 chuyên trang của 62 cơ quan báo chí Trung ương; 49 chuyên trang của 26 cơ quan báo chí địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ quan báo chí chưa có phiên bản điện tử hay trang thông tin điện tử, chuyên trang, tập trung phần lớn ở khối tạp chí, nhất là tạp chí khoa học.
Hiện nay, một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata… Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: Cá nhân hóa nội dung; Đa nền tảng; Báo chí di động; Báo chí xã hội; Báo chí dữ liệu; Báo chí sáng tạo; Siêu tác phẩm báo chí. Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV hay Vietnamplus, VnExpress, Zing… Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi như: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Tuyên Quang… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều đơn vị báo chí, nhất là báo ngành, địa phương chậm chuyển đổi số vì nhiều lý do khác nhau, trong đó khâu khó khăn nhất là hạ tầng kỹ thuật, kinh phí và nhân sự.
Đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế - xã hội trong nước, nhưng cũng đem lại cơ hội tăng tốc chuyển đổi số quốc gia. Với tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển đất nước bắt kịp với xu thế của thời đại, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh “chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, xác định rõ chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam.
Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung, thậm chí sẽ phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số.
Hiện nay, các nền tảng nội dung xuyên biên giới đang làm cho báo chí trong nước mất dần nguồn thu và giảm tầm ảnh hưởng của báo chí về mặt thông tin, mất nguồn thu cũng chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều cơ quan báo chí phải chạy theo lượng truy cập (view), khiến cho chất lượng nội dung sa sút, không bám sát tôn chỉ, mục đích... Các nền tảng này nắm toàn quyền chi phối và thao túng thuật toán hiển thị nội dung và quảng cáo, khiến ai sử dụng nền tảng của họ sẽ phải theo luật chơi của họ, đương nhiên chỉ có lợi cho họ (cả về doanh thu, dữ liệu) mà không phục vụ lợi ích quốc gia của Việt Nam. Các nền tảng xuyên biên giới đều cho rằng nội dung xuyên biên giới là dòng chảy tự do, vì thế không bị phụ thuộc vào chính sách quản lý của các quốc gia. Sự sụt giảm lượng truy cập kéo theo sụt giảm doanh thu quảng cáo trực tuyến hiển thị trên nền tảng web. Theo SimilarWeb, 6 tháng gần nhất (kỳ thống kê tính từ tháng 4 đến hết tháng 9/2021), lượng truy cập (traffic) của các tờ báo điện tử Việt Nam giảm trung bình 11%.
Sự giảm vai trò ảnh hưởng của báo chí trên không gian mạng (đồng nghĩa với sự lấn át của các nền tảng xuyên biên giới nước ngoài) còn kéo theo những hệ lụy xã hội đáng lo ngại khác. Facebook, Youtube, Twitter những năm gần đây trở thành diễn đàn của các phong trào phản kháng có tổ chức, đấu tranh chính trị, tư tưởng. Xu thế chửi bới, bôi nhọ, “bóc phốt”, tấn công cá nhân trên không gian mạng là những biểu hiện “lệch chuẩn”, đang thu hút một lượng lớn người theo dõi trên không gian mạng, lấn át các thông tin quan trọng của đất nước, của đời sống xã hội. Nó là sự thách thức đối với thể chế, khi một số lượng lớn những người theo dõi trở thành “fan cuồng” có thể quay ra “tấn công” các cơ quan nhà nước, các cơ quan truyền thông chính thống bằng nhiều hình thức.
Theo luật pháp quốc tế, mỗi quốc gia đều có chủ quyền không chỉ trên vùng đất, vùng trời, vùng biển mà còn cả trên không gian mạng. Chuyển đổi số là một lời giải cho đổi mới sáng tạo để cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới nước ngoài, giảm sự lệ thuộc về phân phối nội dung, góp phần ngăn chặn sự xâm phạm chủ quyền quốc gia về thông tin trên không gian mạng.
Một số cơ quan báo chí đã có nhiều đổi mới trong việc áp dụng khoa học công nghệ, phát triển dịch vụ nhưng chuyển đổi số báo chí toàn diện còn chưa rõ nét, manh mún, do đó chưa đủ sức cạnh tranh với các dịch vụ mới xuyên biên giới. Trong thị trường cạnh tranh hiện nay, nội dung hay chưa đủ, cơ quan báo chí cần phải tích hợp với trải nghiệm cao cấp của người dùng. Công nghệ đã trang bị cho báo chí những khả năng mới, thay vì phục vụ đại bộ phận công chúng một sản phẩm đồng nhất thì nay hướng tới tùy chỉnh, chuyên biệt hóa theo những nhu cầu riêng biệt, chinh phục các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và tạo được doanh thu lớn hơn.
Thách thức trong quá trình chuyển đổi số báo chí
Báo chí cách mạng Việt Nam thời gian qua đã có những bước đi nắm bắt xu thế của báo chí thế giới với rất nhiều sáng tạo, kịp thời truyền tải thông tin đến mọi tầng lớp độc giả, khán thính giả. Tuy nhiên gần đây, xu thế người dùng chuyển sang nền tảng kỹ thuật số (digital) ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, khả năng tiếp cận các nền tảng truyền thống, đặc biệt là báo in trở nên càng khó khăn khi người dùng đã di chuyển một cách hết sức tự nhiên sang các nền tảng số thì yêu cầu chuyển đổi số với cơ quan báo chí càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trước xu thế chuyển đổi số, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, báo chí sẽ không tồn tại được khi người dùng đã tiếp cận các nền tảng hiện đại; nền tảng truyền thống không thể giữ được kết nối với độc giả, khán thính giả. Khi không có được sự kết nối, đương nhiên sứ mệnh, vai trò cung cấp thông tin không thực hiện được. Kèm theo đó, chúng ta không thể duy trì được các hoạt động của tòa soạn cũng như không thể tạo nguồn thu và sẽ mất kết nối với người dùng.
Hiện nay, phần lớn bạn đọc đọc, nghe, xem qua các phương tiện số, cùng với sự lấn át của truyền thông xã hội. |
Trong bối cảnh trên, các cơ quan báo chí giờ đây chỉ có mỗi con đường, đó là buộc phải tự xác định đi nhanh hay đi chậm trong quá trình này. Kinh nghiệm cũng cho thấy, nếu cơ quan báo chí dám chấp nhận rủi ro, dám đi đầu, dám thử nghiệm, dám chấp nhận "bị sai lầm", sẽ có khả năng đi nhanh và nắm bắt được cơ hội nhiều hơn. Còn nhiều cơ quan báo chí vẫn duy trì thái độ chờ đợi sẽ khó nắm bắt cơ hội. Vì rõ ràng người đi sớm sẽ khó khăn hơn nhưng khả năng tiếp cận lượng lớn độc giả, khán thính giả, khả năng tạo nguồn thu từ những cách thức hoạt động kiểu mới, kinh doanh kiểu mới sẽ cao hơn.
Một mặt, phóng viên có rất nhiều cơ hội tuyệt vời để sáng tạo, mặt khác gặp không ít thách thức trong việc trau dồi kỹ năng, cập nhật công nghệ, tự làm mới những tác phẩm của mình. Kết quả của những thách thức và cơ hội to lớn này là sự xuất hiện của nhiều giải pháp sáng tạo, phi truyền thống, tận dụng sức mạnh công nghệ để cải tiến mô hình tác nghiệp, phương thức truyền tải thông tin. Quá trình thay đổi này mang lại những kinh nghiệm, kỹ năng làm báo hiện đại như chuyển đổi mô hình báo chí truyền thống sang mô hình báo chí điện tử; thiết lập tòa soạn hội tụ; ứng dụng công nghệ đa phương tiện để đổi mới hình thức và nội dung báo chí; khai thác nền tảng di động, nền tảng kỹ thuật số,…
Trong bối cảnh MXH có sức ảnh hưởng sâu rộng, giúp người dùng kết nối với nhiều nguồn tin, báo chí không còn là phương tiện truyền thông độc quyền mà bị đặt vào thế cạnh tranh, khi vừa phải bảo đảm tốc độ đưa tin, vừa phải khẳng định sự đáng tin cậy thông tin đối với công chúng. Để trở thành kênh thông tin được lựa chọn, tạo được sức cạnh tranh mạnh mẽ đối với MXH, với vô vàn tin giả, tin chưa được kiểm chứng, báo chí phải có giá trị thông tin, thông tin được xác minh, kiểm chứng và toàn cảnh. Như vậy, cơ quan báo chí phải đi đầu và có trách nhiệm cung cấp thông tin nhanh nhạy, trung thực, chính xác để có thể cạnh tranh với MXH về tính pháp lý, độ tin cậy của thông tin.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong báo chí hiện còn nhiều khó khăn. Trước hết là phương thức làm báo truyền thống không còn thu hút độc giả như trước đây, phần lớn bạn đọc đọc, nghe, xem qua các phương tiện số, cùng với sự lấn át của truyền thông xã hội; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, đội ngũ nhân lực, đặt biệt là các kỹ sư công nghệ chưa nhiều, trừ một số tòa soạn có đội ngũ công nghệ đứng sau. Bên cạnh đó, việc phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số còn khó khăn, vấn đề bảo đảm an ninh mạng, chống nạn tin giả; vi phạm bản quyền tràn lan hiện tượng "xào xáo" tin có xu hướng tăng.
Đặc biệt, nhiều cơ quan báo chí, nhất là báo ngành, báo địa phương gặp khó khăn trong việc xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan báo chí đa phương tiện. Ngoài ra, còn khó khăn trong đào tạo đội ngũ biên tập viên dữ liệu, có khả năng biến dữ liệu khô khan thành các sản phẩm đồ họa động, đồ họa tương tác, megastory hấp dẫn bạn đọc trên nền tảng đa phương tiện.
Báo chí chính thống dù đông đảo nhưng còn hạn chế bởi sự nhanh nhạy cũng như tính định hướng nên trước thử thách này, báo chí cần có sự đổi mới toàn diện để phản ánh các thông tin một cách chính xác, có lý, có tình, góp phần định hướng dư luận, không bị động trước tốc độ của mạng xã hội.
Trong xu thế hội nhập, để đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất, hoạt động của các cơ quan báo chí chuyển dần sang mô hình cơ quan báo chí đa phương tiện, thực hiện nhiều loại hình báo chí, cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của công chúng. Bên cạnh đó, báo chí công nghệ và xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo và cung cấp nội dung xuyên biên giới tiếp tục là những xu hướng công nghệ làm báo trong thời gian tới. Báo chí di động đang làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng báo chí. Việc nghe, đọc, xem báo chí trực tuyến dịch chuyển từ thụ động sang chủ động, hình thành xu hướng cung cấp, lan tỏa, kết nối thông tin dựa trên công nghệ, ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động báo chí, kéo theo sự sụt giảm của báo in. Trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong quy trình sản xuất và truyền tải sản phẩm báo chí, truyền thông. Trong thế giới thông tin phẳng, xu hướng cung cấp nội dung xuyên biên giới được thực hiện thông qua nhiều hình thức và công nghệ mới, thông qua kết nối internet và kết nối mạng 4G, 5G trên các thiết bị di động...
Trong bối cảnh bùng nổ của mạng xã hội, tin giả lan tràn, báo chí luôn phải đối mặt với nguy cơ bị mạng xã hội lấn át... Do đó, hơn lúc nào hết, báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục bắt kịp những xu hướng báo chí mới, khắc phục những khó khăn bất cập, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả là “người thư ký” của thời đại. Các cơ quan báo chí, các cấp Hội cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo, định hướng thông tin của cơ quan chỉ đạo và cơ quan quản lý báo chí, theo phương châm chủ động. kịp thời, hiệu quả, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành chỉ đạo, định hướng các vấn đề quan trọng, phức tạp nhạy cảm. Thực hiện tốt nguyên tắc trên sẽ tạo sự thống nhất, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội. Báo chí không thể thắng được mạng xã hội về tốc độ đưa tin, nhưng sẽ vượt trội mạng xã hội bằng sự chuẩn mực, tinh thần trách nhiệm, đạo đức làm nghề của các nhà báo. Độ tin cậy và sức thuyết phục là con đường sống của báo chí trong thời đại truyền thông chuyển đổi số hiện nay.
Giải pháp cho chuyển đổi số báo chí
Thứ nhất, cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và sự cấp thiết của việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí cho cán bộ quản lý thông tin, truyền thông, lãnh đạo, phóng viên và biên tập viên từ cấp trung ương đến địa phương. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đang được triển khai và báo chí cũng cần đi theo xu hướng này để đảm bảo sự đồng bộ và phát triển. Tăng cường hoạt động tuyên truyền, biểu dương và tôn vinh những tổ chức, cá nhân đã có thành tích và sáng kiến trong quá trình chuyển đổi số báo chí. Việc chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa và nhân rộng những thành công này sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nâng cao chất lượng.
Thứ hai, tiến hành rà soát, xây dựng, đề xuất sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến báo chí nhằm thúc đẩy và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí. Việc này đảm bảo các quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu của việc chuyển đổi số, tạo ra môi trường thuận lợi và hỗ trợ cho các cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi và phát triển.
Thứ ba, phát triển đa dạng sản phẩm báo chí số: Sáng tạo, thiết kế các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau nhằm tăng cường sự tương tác với độc giả, cung cấp thông tin nhanh chóng, phổ biến và chính xác theo nhu cầu của độc giả; Phát triển các sản phẩm báo chí số chất lượng tốt hơn, đổi mới trải nghiệm của độc giả và xây dựng các gói sản phẩm/ dịch vụ phù hợp với từng nhóm người dùng; Ứng dụng các thành tựu đạt được trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để tự động hóa quy trình sản xuất nội dung, từ đó thúc đẩy quá trình sản xuất nội dung hiệu quả.
Thứ tư, phát triển nền tảng số: Xây dựng các công cụ thu thập, xử lý dữ liệu, dự báo, theo dõi và giám sát chất lượng thông tin, đồng thời phát triển chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành trong quá trình chuyển đổi số báo chí; Phát triển nền tảng phát thanh số, nền tảng truyền hình số quốc gia, cùng với việc phát triển nền tảng báo chí điện tử. Cần khuyến khích, hỗ trợ các cơ quan báo chí có đủ tiềm lực về công nghệ, tài chính để xây dựng nền tảng riêng nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; Hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý và điều hành tác nghiệp thông qua việc áp dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử.Giúp tăng cường hiệu quả, sự linh hoạt trong quản lý và điều hành các hoạt động báo chí; Thông qua các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số báo chí, tạo ra sự tiến bộ và đổi mới trong công nghệ áp dụng cho báo chí.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Cần xây dựng và phê duyệt chương trình đào tạo trong lĩnh vực báo chí và thông tin tại các trình độ giáo dục đại học, nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, cần cập nhật danh mục thống kê ngành đào tạo trong lĩnh vực báo chí và thông tin để phù hợp với quy định hiện hành; Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý thông tin, truyền thông và lãnh đạo các cơ quan báo chí về các kỹ năng cơ bản, cần thiết trong quá trình chuyển đổi số báo chí; Phát triển các khóa đào tạo và nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, an ninh mạng, thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu, nhằm hỗ trợ quá trình đổi mới sản xuất, phân phối nội dung, cũng như giám sát và đánh giá chất lượng thông tin; Tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm từ các quốc gia có sự phát triển mạnh về báo chí số, nhằm nắm bắt được những xu hướng và thành tựu mới trong lĩnh vực này.