Đánh con chấn thương sọ não: Họ có còn là con người ?
(Suckhoemoitruong.com.vn) - Đôi mắt tím bầm, mặt sưng vều biến dạng, sọ não bị chấn thương... Ai trông thấy cảnh tượng của “thiên thần nhỏ” như cháu bé Đỗ Thị Kim Ngân (Bình Dương) sau khi trải qua một “trận đòn thù” của chính cha mẹ mình là đôi vợ chồng ác tâm Minh, Trang mà không khỏi bị ám ảnh?
Câu hỏi được bật ra tức thì khi mọi người xem những hình ảnh đó: Họ có còn là con người? Vì sao lại nỡ nhẫn tâm đánh đập, nện đầu vào tường hàng giờ một đứa bé khẳng khiu chỉ mới ba tuổi đó? Mà đó lại là con ruột của họ...
Sự nhẫn tâm đến tột cùng đó có lẽ chỉ được lý giải phần nào về cơ chế của bệnh “ác dâm” đã được các nhà phân tâm học giải thích: Đó là những kẻ thích hành hạ kẻ khác, và khi nạn nhân càng không có cơ chế tự vệ, họ lại càng thích thú, say sưa hành hạ.
Từ xưa, nhiều tác phẩm văn học đưa vào những trường hợp ác tâm hành hạ trẻ em như thế. Trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov, nhân vật Ivan đã kích động được người em là Aliosa bằng câu chuyện hành hạ, nhốt con vào chuồng lợn của một đôi vợ chồng và chuyện một vị tướng thả đàn chó xé xác một đứa trẻ vì nó vô tình dùng đá ném què con chó săn yêu quý của ông ta...
Cái cơ chế cho phép sự tàn ác ở mức độ từ nặng đến nhẹ trong không ít gia đình hiện nay như trường hợp đôi vợ chồng kể trên, chính là cơ chế gia trưởng vẫn còn đang thịnh hành trong xã hội. “Con tôi, con tao, tao có quyền đánh đập, dạy dỗ!”, họ lý luận. Trong trí não của những con người đó, con mình sinh ra, mình có quyền “sở hữu” số phận của nó, có quyền làm gì là tuỳ và không ai được can thiệp.
Cặp vợ chồng hành hạ con dã man bị tạm giữ tại cơ quan công an - Ảnh: Đỗ Trường |
Gia đình là một xã hội thu nhỏ, như mọi người thường nói, và họ đã áp dụng chế độ “bạo chúa” lộng quyền. Chắc hẳn không ít người trong xã hội đã từng cảm thấy bứt rứt, bất an nhưng bất lực khi nghe nhà hàng xóm dùng đòn roi đánh đập con cái, bắt chúng nói lời xin lỗi, bắt chúng phải nín, phải im, không khóc, trong lúc đòn roi cứ đổ xuống như mưa rào (thì làm sao chúng nín được?)...
Nhưng giờ đã là những năm của thế kỷ XXI. Ở những nước phát triển như Mỹ, Úc, trong các chương trình truyền hình dành trẻ em, người ta thường xuyên cho chiếu những đoạn thông báo như quảng cáo số điện thoại của cảnh sát, để cho trẻ em khi bị bạo hành biết mà gọi điện thoại cầu cứu. Những hành động dã man như đôi vợ chồng ở Bình Dương, nếu ở các quốc gia trên, chắc chắn sẽ ngồi tù rất lâu và bị tước cả quyền nuôi con...
Từ chuyện trẻ em bị đánh đập đến chết trong nhà trẻ đến chuyện buôn bán trẻ em nơi cửa thiền, và đến giờ thì lại thêm một “thiên thần nhỏ” bị đoạ đày ngay trong căn nhà của mình, bởi những người thân của mình.
Chúng ta phải làm gì đi chứ ?
Theo tin nóng