Hà Nội: phát hiện gần 16.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm
Theo đó, hội thảo do Sở Y tế Hà Nội, Ủy ban nhân dân dân quận Nam Từ Liêm và Báo Kinh tế đô thị phối hợp tổ chức ngày 2/12. Thông tin từ hội thảo này cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng của Hà Nội đã lấy hơn 160.000 mẫu thực phẩm để xét nghiệm nhanh, qua đó sàng lọc để xét nghiệm chuyên sâu gần 550 mẫu, phát hiện 73 mẫu không đạt chỉ tiêu về vi sinh vật và hóa học.
Trong đó, phát hiện gần 16.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt tiền 4.400 cơ sở với tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng, ngoài ra có 3 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm đã được chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự. Đồng thời, thành lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân, cơ quan báo chí về an toàn thực phẩm, qua đó đã xử lý dứt điểm 38 thông tin báo nêu về mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành y tế đã trang bị bộ test xét nghiệm nhanh cho 30 Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã và 584 Trạm Y tế xã, phường. Ngoài ra cũng triển khai hiệu quả Đề án Thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm cấp xã, phường, quận, huyện.
Với dân số khoảng 10 triệu dân sinh sống, mỗi ngày thị trường Hà Nội cần khoảng 800 - 1.000 tấn thịt các loại, 2.500 - 3.000 tấn rau quả các loại, 350 - 400 tấn thủy hải sản tươi sống và chế biến… Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 40-60% nhu cầu, còn lại phần lớn số thực phẩm được nhập khẩu và cung cấp từ các tỉnh khác. Việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm chưa được chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao, lòng tin người tiêu dùng giảm.
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng gần 60.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ nên việc quản lý và truy xuất nguồn gốc thực phẩm gặp khó khăn. Việc quản lý thực phẩm, quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn chưa gắn với thị trường tiêu thụ và chưa xây dựng thương hiệu sản phẩm an toàn thực phẩm nên chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Chính quyền địa phương một số nơi chưa quan tâm tới công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do đó việc kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế.
Trong dịp tết nguyên đán sắp tới việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ TP Hà Nội trong việc đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ thanh tra an toàn thực phẩm để đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn.
BẢO NGỌC (T/H)