Khánh Hòa: Lũ trước vừa đi, lũ mới lại về
(SK&MT) - Trận lũ ngày 13/12/2016 chưa kịp khắc phục hậu quả, thì ngày 16/12, người dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa lại càng khốn đốn chống ngập lụt do mưa lớn từ ngày 15 kéo dài đến sáng 16/12/2016.
Theo Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn (BCH PCTT và TKCN) tỉnh Khánh Hòa, đến 18 giờ ngày 16/12, mưa lũ đã khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị ngập lụt, gây thiệt hại nặng nề. Toàn tỉnh có 1 người (Cam ranh) bị gãy chân do sạt lở đất; có 22 căn nhà bị sập (6 căn ở Vạn Ninh, 2 căn ở Ninh Hòa, 3 căn ở Cam Lâm, 11 căn ở Cam Ranh); toàn tỉnh có 903 căn nhà bị ngập, có 161 hộ (410 người) dân phải sơ tán, 23 tàu thuyền bị chìm, nhiều vùng trũng ở ven các cong sông lớn sông Cái, sông Dinh bị ngập sâu khoảng 0,6m, nhiều khu vực bị chia cắt hoàn toàn; nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở nghiêm trọng… Các địa phương bị thiệt hại nặng nề hơn cả là TP. Nha Trang, huyện Vạn Ninh, TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm…
Thông tin từ Văn phòng BCH PCTT và TKCN tỉnh Khánh Hòa, đợt mưa lũ ngày 12 và 13/12 đã để lại hậu quả nặng nề cho người dân nhiều địa phương trên địa bàn Khánh Hòa. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh có 1 người chết, 11 nhà sập hư hỏng nặng; 224 nhà bị ngập; phải sơ tán 100 hộ dân, nhiều tuyến đường, khu dân cưu bị ngập sâu; 1.462 ha lúa sạ bị ngập, hư hỏng; sạt lở hàng trăm m3 đất đá trên nhiều tuyến đường…; kênh thoát lũ Đường Đệ (Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) bị vỡ; có 6 tàu thuyền bị chìm. Tổng thiệt hại ước tính sơ bộ 50 tỷ đồng. Chỉ 3 ngày sau, ngày 16/12, mưa lũ lại gây ngập lụt, thiệt hại nghiêm trọng ở nhiều nơi trên trên địa bàn tỉnh; thiệt hại ban đầu là rất lớn.
Tại xã Diên Phú (huyện Diên Khánh), đến 17 giờ, nhiều khu dân cư đã ngập sâu trong nước, có nơi lên đến hơn 1m. Ông Trần Văn Thông (một người dân ở thôn Phú Nẫm, Diên Phú) cho hay: “Nước sông Cái lên quá nhanh, từ 12 giờ đến 16 giờ mà nước lên liên tục, gần 1m. Khiến chúng tôi không thể nào trở tay kịp. Trước đó 3 ngày, gia đình tôi đã phải khốn đốn vì mưa lũ, tủ, kệ trong nhà đều hư hỏng cả. Chưa bao giờ tôi thấy mưa lũ dồn dập như năm nay, mưa lũ chồng lên mưa lũ, khiến chúng tôi kiệt sức”. Cũng tại Diên Khánh, khu vực Đại Điền Trung, Đại Điền Đông (xã Diên Điền) và nhiều khu dân cư của xã Diên Sơn cũng đã bị nước lũ bao vây, có nơi ngập sâu hơn 1m, nhiều khu vực nhà dân bị chia cắt. Tại Khu vực cầu Phú Lộc, nước sông mấp mé dưới mặt cầu. “Nước sông Cái lên nhanh tràn vào các vũng trũng 2 bên bờ sông, nước từ hồ Am Chúa xả về khiến khu vực Đại Điền Đông ngập trong nước lũ. Đây là lần thứ 4 người dân chúng tôi phải gồng mình ra chống lũ”, bà Trần Thị Sương (Thôn Đại Điền Đông 1, Diên Điền) mệt mỏi nói.
Theo ông Nguyễn Thái Như Trị - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng BCH PCTT và TKCN tỉnh Khánh Hòa, mưa lớn trong thời gian ngắn đã khiến lượng nước đổ về các hồ chứa trên địa bàn tỉnh rất lớn, các hồ chứa đã phải tiến hành điều tiết xả lũ. Tại thời điểm 17 giờ ngày 16/12, hồ Suối Dầu tiến hành xả lũ với lưu lượng 199m3/s, hồ Tà Rục xả 207m3/s, hồ Cam Ranh xả 206m3/s, Suối hành xả 107m3/s, hồ Am Chúa xả 35,4m3/s, hồ Đá Đen xả 20,15m3/s, hồ Hoa Sơn xả 183,2m3, hồ Đá Bàn xả 141,48m3/s, hồ Tiên Du xả 19,57m3/s. Mức xả điều tiết lũ của các hồ đợt này lớn hơn đợt mưa lũ ngày 12, 13/12 do mưa lớn kéo dài. Đến thời điểm 18 giờ ngày 16/12, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã giảm lưu lượng xả lũ.
Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam Trung Bộ lúc 16 giờ ngày 16/12, Khánh Hòa tiếp tục chịu ảnh hưởng của rìa phía nam áp cao lục địa tăng cường kết hợp với rãnh đi qua khu vực, trên cao chịu ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió đông; trường gió Đông Bắc cường độ mạnh; trên địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to. Trong 24 giờ tới (16 giờ 16 đến 16 giờ ngày 17/12), lượng mưa phổ biến từ 80-120mm; tổng lượng mưa đến hết ngày 18/12 phổ biến từ 150-250mm. Do mưa lớn nên các sông trên địa bàn tỉnh tiếp tục lên, đỉnh lũ trên các sông có khả năng đạt mức báo động II đến báo động III. Đến 20 giờ ngày 16/12, mực nước trên sông Cái Nha Trang đạt cao trình 10,6m, dưới báo động III 0,4m; tại sông Dinh Ninh Hòa, mực nước đạt 5,72m, trên báo động III 0,22m.
Dự kiến với lượng mưa lớn trong vòng 24 giờ tới, nước sông Cái Nha Trang, sông Dinh Ninh Hòa sẽ tiếp tục lên do thủy triều dâng cao (đỉnh triều lúc 23 giờ ngày 16/12 đạt 2,1m), nước từ thường nguồn tiếp tục đổ về nhiều, các hồ dù đã chủ động xả điều tiết lũ từ trước với lưu lượng lớn hơn trung bình các đợt trước nhưng mực nước tích tại các hồ vẫn rất lớn, chưa về được mực nước đón lũ. Theo ông Nguyễn Thái Như Trị – Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng BCH PCTT và TKCN tỉnh cho hay: “Mưa lũ trên địa bàn tỉnh những ngày qua đã để lại hậu quả nặng nề trong đời sống của người dân. Từ đầu tháng 11 đến thời điểm này đã có 4 đợt mưa lũ. Trong những ngày tới, thời tiết tiếp tục diễn biến hết sức cực đoan; mưa lũ sẽ còn diễn tiến phức tạp. Vì vậy, phía người dân cần, chính quyền địa phương cần phải hết sức chủ động trong việc phòng chống lũ lụt theo phương châm 4 tại chỗ để hạn chế thiệt hại thấp nhất hậu quả do mưa lũ gây ra. Về phía các đơn vị quản lý các hồ chứa trên địa bàn tỉnh, cần phải chủ động theo dõi lượng mưa, tính toán lưu lượng nước đổ về hồ, cân bằng mực nước đến và đi chủ động giảm lưu lượng xả để giảm ngập cho vùng hạ du, nhất là địa bàn TP. Nha Trang. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ mưa lũ, kiểm tra chặt chẽ an toàn hồ chứa và tình hình vùng hạ du khi tiến hành điều tiết xả lũ. Không tiến hành điều tiết xả lũ vào thời gian ban đêm để tránh thiệt hại cho người dân vùng hạ du”.
Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCH PCTT và TKCN tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Để chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ, BCH PCTT và TKCN tỉnh đã có công điện yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt, trong đó chú trọng kiểm tra, rà soát các khu dân cư vùng ven biển, vùng cửa sông, thấp trũng, ven sông; những nơi có khả năng sạt lở đất, thường xuyên bị lũ chia cắt; bố trí lực lượng chốt chặn, kiên quyết không để người dân qua lại các đoạn đường bị ngập lụt, cầu tràn, vùng sạt lỡ; tổ chức hướng dẫn neo đậu tàu thuyền an toàn, nhất là vùng cửa sông. Ngành giáo dục căn cứ tình hình thực tế chỉ đạo các trường học cho học sinh nghỉ học; ngành giao thông tiến hành rà soát các tuyến giao thông, kịp thời khắc phục khi có sự cố để đảm bảo giao thông thông suốt. Các địa phương, đơn vị phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu…
Vũ Long