Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ phát động “Tết trồng cây”
Đã 60 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây đầu tiên và cũng tròn 50 năm Người đi xa nhưng những lời căn dặn của Người vẫn còn mãi, Tết trồng cây đã trở thành truyền thống, là nét đẹp văn hóa của mọi thế hệ người Việt Nam.
Ngày 28 -11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: Trong mười năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân. Lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt nam.
Bác Hồ với tư tưởng “trồng cây – trồng người”
Lúc sinh thời Bác Hồ từng nói:
“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây.
Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.”
Hưởng ứng lời kêu gọi Tết trồng cây của Người, ai ai cũng rất hạnh phúc khi đã góp phần tạo ra được nhiều thế hệ cây xanh cho đất nước. Và những thế hệ cây xanh được trồng từ những năm đầu của phong trào nay đã trở thành những cây cổ thụ sum suê trên các đường phố, nẻo đường của các làng bản, góp phần tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho đất nước. Từ lời dạy của Người, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Người đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi về sau. Cũng từ những ngày tết trồng cây đầy ý nghĩa này, hàng triệu triệu héc ta rừng đã được mọc lên phủ xanh đất trống đồi trọc, mang lại một màu xanh yên bình cho đất nước, tạo nên được một hệ sinh thái phát triển đa dạng ổn định và bầu không khí trong lành.
Trong bối cảnh hiện nay, trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước, một lần nữa khẳng định ý nghĩa to lớn của việc trồng cây, gây rừng, một hình thức Tết mang nội dung, ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, lâu dài, toàn diện, phục vụ cuộc sống no ấm, hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển của đất nước.
Đặc biệt là ngay cả trong những giờ phút trước lúc đi xa, trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên nhắc nhở các thế hệ mai sau: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi, ai đến thăm thì trồng một cây để kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây đấy. lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp, việc chăm sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão”.
Trồng cây trong KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng).
Lời dạy của Người “Vì lợi ích mười năm trồng người” chính là sự khẳng định và cũng là sự thấm nhuần tư tưởng truyền thống văn hóa Việt Nam. Động lực lớn nhất, nguồn lực lớn nhất của sự nghiệp “ trồng người” này là đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhân cách con người Việt Nam, do đó nhiệm vụ cơ bản hàng đầu là chăm lo sự nghiệp đào tạo, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới vừa có lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực tự cường dân tộc, vừa có tinh thần tập thể, hết lòng vì sự nghiệp chung, vừa có lối sống, nếp sống cao đẹp, vừa có năng lực trí tuệ và kỹ năng lao động….
Con người luôn là nhân tố chính, là chủ thể của sự sáng tạo. Do đó, sáng kiến bảo vệ môi trường bằng cách xã hội hóa toàn dân tham gia trồng cây gây rừng nhằm giảm thiểu hiệu ứng nhà kính tại Việt Nam nếu được chấp nhận và áp dụng không chỉ cho Việt nam mà còn đối với toàn cầu thì hành tinh của chúng ta mãi mãi là hành tinh xanh trong vũ trụ bao la.
Cây xanh với vai trò bảo vệ môi trường
Ngày nay, hơn bao giờ hết trước những nguy cơ hủy diệt có tính chất toàn cầu, con người đã tìm đủ cách để bảo vệ các giống loài, giữ gìn sự tồn tại đa dạng muôn màu của thiên nhiên, bảo vệ sự sống trên trái đất. Những nỗ lực làm giảm thiểu hiệu ứng nhà kính (vốn là một trong những nguyên nhân làm cho làm Trái đất nóng lên), các tổ chức bảo vệ môi trường, quỹ bảo vệ các loài động vật, thực vật sắp tuyệt chủng, bảo vệ môi trường sống được thành lập và hoạt động tích cực ở khắp nơi.
Những tin tức về thiên tai hầu như ngày nào cũng có trên các phương tiện truyền thông: Bão dữ dội ở Mỹ, đợt lạnh khủng khiếp ở Nga, động đất ở Nhật Bản, cháy rừng ở ở Indonesia và Autralia, hạn hán ở Tân Ghine và ở Philippines, bão ở Việt Nam, lũ lụt ở Bangladesh, dịch cúm ở Hongkong, bò điên ở Anh…. Dường như thiên tai càng ngày càng nhiều và đang dồn dập đổ xuống đầu chúng ta không thương tiếc và đôi khi chúng ta cảm thấy con người bất lực trước thiên tai.
Nhưng cũng cần phải nhìn nhận một cách công bằng là chính con người cũng là nguyên nhân hủy diệt hành tinh xanh một cách tàn bạo nhất do ý thức hay chưa có ý thức. Việc tàn phá rừng, môi trường sống của động vật hoang dã, lá phổi xanh của loài người cũng diễn ra với một nhịp điệu chóng mặt không kém. Cho đến nay con người đã tàn phá 95% rừng nguyên thủy châu Á để lấy gỗ lấy đất canh tác và đang tiến sang tàn phá rừng Amazon ở Nam Mỹ, rừng ở châu Phi… trong khi rừng Amazon sản sinh 1/3 lượng oxy cho toàn thế giới thì tốc độ tàn phá rừng vẫn ngày càng khốc liệt. Theo WWF trong năm 1997 con người đã thiêu cháy 2 triệu ha rừng Amazon, 17 nghìn ha rừng Colombia, 2,4 nghìn ha rừng Kenia, 2 triệu ha rừng Indonexia, 0,5 triệu ha rừng ở Australia…
Ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec tham gia trồng cây.
Để có một hệ cây rừng và lượng oxy cần cho sự sống trong khí quyển như ngày nay thiên nhiên phải mất hàng tỷ năm vận động, nhưng để hủy diệt chính con người chỉ cần mất vài năm. Do đó, câu hỏi được đặt ra bây giờ là: Liệu con người có dám hy sinh quyền lợi ích kỷ của bản thân mình, của dân tộc mình để cứu lấy màu xanh của trái đất cho con cháu muôn đời sau của chúng ta vẫn tiếp tục tồn tại ngày một tốt đẹp hơn trên hành tinh mãi vẫn còn màu xanh hay không?
Để trả lời câu hỏi đó cần phải có một cuộc cách mạng xanh, xã hội hóa toàn dân tham gia trồng rừng trên cơ sở phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, làm giảm hiệu ứng nhà kính tại Việt Nam và trên thế giới.
Truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hiện nay
Nước Việt Nam là một dải đất hẹp nằm trong vành đai nhiệt đới gió mùa, mặt quay ra biển Đông, lưng tựa vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Do điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý quan trọng của mảnh đất này, những cư dân Việt Nam từ xa xưa đã được thừa hưởng sự ưu ái của thiên nhiên đồng thời cũng phải đối mặt với những thử thách khắc nghiệt của thiên tai, dịch họa. Lịch sử dựng nước và giữ nước diễn ra trên mảnh đất này là sự nối tiếp hàng ngàn năm những cuộc đấu tranh không mệt mỏi chống hạn hán, bão lụt, trống chiến tranh xâm lược của thù địch nước ngoài. Từ trong cuộc tranh đấu trường kỳ đó đã nảy sinh và hình thành tinh thần cộng đồng, tinh thần tập thể và cao hơn là tinh thần dân tộc. Tinh thần này ngấm vào máu thịt của con người Việt Nam và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, để tạo thành truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa trên nền tảng của chủ nghĩa yêu nước.
Dân tộc Việt Nam trong thời đại hiện nay đã lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm di sản văn hóa dân tộc. Trong đó, sức mạnh của dân tộc Việt Nam và tư tưởng đoàn kết dân tộc của chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị kết tinh của truyền thống dân tộc và văn hóa nhân loại.
“Một cây làm chẳng lên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Ngày nay tư tưởng đại đoàn kết dân tộc đã giúp Việt Nam thành công trên nhiều lĩnh vực: xây dựng kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xoá nhà tranh vách đất, giúp đỡ những người bị chất độc màu da cam, giúp đỡ những đồng bào bị lũ lụt thiên tai… càng phát huy được tính dân tộc trong các lĩnh vực.
Thiên tai là mối đe dọa lớn nhất, gây ra những tổn thất vô cùng to lớn, hơn bất cứ cuộc chiến tranh nào. Để có một cuộc cách mạng xanh bảo vệ môi trường ta càng cần có ý thức đoàn kết dân tộc hơn bao giờ hết, trên cơ sở lấy văn hoá và sự đoàn kết dân tộc làm nòng cốt.
Cần phải có cuộc cách mạng xanh xã hội hoá toàn dân tham gia trồng cây gây rừng.
Sự cần thiết phải có cuộc cách mạng xanh xã hội hoá toàn dân tham gia trồng cây gây rừng
Rừng góp phần nuôi sống rất nhiều trong số 1,2 tỷ người sống trong hoàn cảnh đặc biệt nghèo khó, nó bao bọc hệ thống tự nhiên, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và cung cấp lương thực mà dân tộc nào trên thế giới cũng cần thiết.
Rừng chiếm tới 90% sự đa dạng sinh học trên đất liền nhưng tại một số quốc gia rừng đang bị thu hẹp lại, sự biến mất của các cánh rừng là một phần tất yếu của sự phát triển kinh tế, mọi người chú tâm vào các hoạt động tàn phá hơn là cân bằng môi trường.
Hệ sinh thái giữ vị trí quan trọng với từng địa phương cũng như toàn cầu, nó đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và là nguồn sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Bảo vệ các vùng đất để giảm sự mất đai dạng sinh học, bảo vệ sự đa dạng của các loài sinh vật hướng tới sự đa dạng của sự sống trên trái đất bao gồm sự phong phú và khả năng di truyền của mỗi loài, làm phong phú các hệ sinh thái khác nhau. Sự đa dạng sinh học trên trái đất là kết quả của hàng triệu năm tiến hoá của sự sống trên hành tinh. Nhưng do các hoạt động của con người đã và đang gây lên sự mất cân bằng sinh học nhanh hơn từ 50 – 100 lần so với khi chưa có hoạt động của con người.
Để bảo tồn sự đa dạng sinh học, tất cả các quốc gia trên thế giới và tổ chức bảo vệ môi trường thế giới đã đặt ra nhiều biện pháp tổng quát để bảo vệ môi trường, như: chỉ ra những khu vực cần bảo vệ. hạn chế khí thải, chất thải rắn, chất thải lỏng gây ô nhiễm môi trường hoặc quy hoạch các khu rừng cần bảo tồn thành các công viên rừng quốc gia.
Thế nhưng sự gia tăng dân số, sự phát triển công nghiệp, sự tàn phá của môi trường… trong thế kỷ này đã làm nhiệt độ trái đất nóng lên đến 1/2°C. Trong 20 năm qua việc sử dụng than đá, khí tự nhiên đã làm tăng lượng cacbon dioxit thải ra trong không khí – một nguyên nhân chủ yếu làm trái đất nóng lên. Không thể tưởng tượng nổi là mỗi năm có 6 – 7 tỷ tấn cacbon dioxit thải ra từ những hoạt động của con người. Khoảng 2 tỷ tấn được nước biển hấp thụ, khoảng 1,5-2,5 tỷ tấn được hấp thụ bởi thực vật, số còn lại thải vào khí quyển. Mức độ cacbon dioxit trong khí quyển đã tăng 30% kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp, tốc độ và thời gian của việc trái đất nóng lên trong thế kỷ XX là chưa từng có trong hàng ngàn năm qua nhiệt độ trung bình của bề mặt trái đất tăng khoảng 1-2°C, sự nóng lên này dự đoán vẫn còn tiếp tục. Trong khoảng từ năm 1990- 2010 nhiệt độ Trái đất đã tăng từ 1,4 – 5,8 °C.
Khí hậu trái đất sẽ nóng lên nếu lượng phát thải khí CO2 vẫn không giảm ở thế kỷ XXI
Những số liệu và phân tích ở trên cho ta thấy cần phải có cuộc cách mạng xanh triệt để trên toàn thế giới giữa ý thức, hành động cụ thể của toàn nhân loại để bảo vệ môi trường sống cho ngàn đời con cháu, cho trái đất mãi mãi trường tồn… Chỉ có ý thức, sức mạnh tập thể của toàn nhân loại mới bảo vệ được môi trường sống của chúng ta, ngay từ bây giờ, cấp bách… và nhanh lên, không đã quá muộn… Như vậy từ Liên hợp quốc, các tổ chức châu lục, các chính phủ của các quốc gia, các tổ chức xã hội, các thành phố, quận huyện, thị xã, làng bản… và mọi người trên trái đất đều phải đoàn kết, hợp sức, đồng lòng để bảo vệ chính môi trường sống của mình.
Đó là sự cần thiết phải có một cuộc cách mạng xanh trên toàn thể giới và có những hành động rất cụ thể về cuộc cách mạng này. Bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm của mình với môi trường sống với nhân loại, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Hồ Chí Minh trong cách mạng Việt Nam, tôi đề xuất sáng kiến: “Bảo vệ môi trường bằng cuộc cách mạng xanh xã hội hoá toàn dân tham gia, trồng cây gây rừng nhằm giảm thiểu hiệu ứng nhà kính trên cơ sở văn hoá truyền thống dân tộc (không dùng vốn đầu tư của nhà nước) tại Việt Nam và trên thế giới”.
Tôi hy vọng sáng kiến của tôi góp phần làm cho đất nước Việt Nam bên bờ biển Đông ngày càng xinh đẹp và có môi trường tốt nhất dưới khí hậu nhiệt đới và thông qua sáng kiến này giúp cho toàn nhân loại thương yêu nhau hơn, tôn trọng môi trường sống hơn, sống trong một thế giới hoà bình, thịnh vượng và trường tồn.
Luật sư Phạm Hồng Điệp
Chủ tịch HĐQT Công ty CP SHINEC (Hải Phòng)