Thúc đẩy phát triển kinh tế qua các hiệp định thương mại
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được chính thức khởi động đàm phán vào năm 2012. Sau khi kết thúc đàm phán và tiến hành rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định thì nội bộ Liên minh châu Âu phát sinh một số vấn đề mới, liên quan đến phân định thẩm quyền phê chuẩn các FTA giữa EU và từng nước thành viên.
Do đó, EU đề xuất tách Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU thành 2 hiệp định riêng biệt, bao gồm Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng
EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. EVIPA gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, đã có 9 đại biểu phát biểu và đều nhất trí cho rằng việc phê chuẩn các hiệp định có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và triển khai chính sách đối ngoại, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Cũng trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội đã thảo luận về việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Qua các ý kiến thảo luận, đa số đại biểu nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội; khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO.
Thực tế, thời gian qua, hệ thống pháp luật của Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng cường và củng cố cơ sở pháp lý để bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước 105 trước khi trình Quốc hội thông qua.
Nhị Giang