Vĩnh Phúc: Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: QH
Phát biểu lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Vĩnh Phúc là vùng đất lịch sử, chính trị và văn hóa lâu đời trong lịch sử lập quốc và phát triển mấy nghìn năm của đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần về thăm Vĩnh Phúc và nhiều lần gửi thư khen ngợi hoặc biểu dương trên báo chí mỗi khi tỉnh đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu. Sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của Người, của Trung ương Đảng là nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ quân và dân tỉnh Vĩnh Phúc củng nhân dân cả nước đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước...
Năm 2023, Vĩnh Phúc cùng cả nước tự tin, vững bước vào năm "bản lề" có ý nghĩa quyết định thành công những quyết sách của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trước thời cơ mới và vận hội mới, trên nền móng những thành tựu to lớn của 60 năm qua, với vị thế mới và tâm thế mới, nhất định chúng ta đã đổi mới, sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn nữa; đã đoàn kết, nhất định không ngừng đoàn kết keo sơn hơn nữa; đã nỗ lực, nhất định nỗ lực, chủ động toàn diện và bền lòng hơn nữa… nguyện đền đáp xứng đáng ân tình sâu nặng và hiện thực hóa thành công mong mỏi của Bác Hồ dành cho Vĩnh Phúc.
Với ý nghĩa đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nghiên cứu và thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng song hành và chặt chẽ với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Trước mắt, soát xét, đánh giá và tổng kết một bước việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu tới giữa nhiệm kỳ, đồng thời, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung phù hợp và thực thi đồng bộ các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Thứ hai, tiếp tục tìm tòi, đổi mới phương thức, làm chuyển biến thực chất công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung 4 khóa XI, khóa XII và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò, hiệu quả lãnh đạo của các tổ chức Đảng; vai trò và nhiệm vụ quản lý của các cấp chính quyền; sàng lọc, phát triển đội ngũ đảng viên thật sự trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức thật sự liêm chính, tôn trọng và phục vụ nhân dân.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, gắn chặt với huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy cao nhất tiềm năng, các lợi thế và vị trí cửa ngõ phía tây bắc của Thủ đô Hà Nội nhằm xây dựng Vĩnh Phúc xứng đáng là tỉnh giữ vị thế quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng Đồng bằng sông Hồng; trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước...
Thứ tư, coi trọng phát triển kinh tế đồng bộ với thực hiện phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ và phát triển toàn diện môi trường sống một cách nhân văn trên nền tảng các giá trị truyền thống, mang bản sắc của vùng đất và con người Vĩnh Phúc, hài hòa với vùng, với cả nước và sự tiến bộ của thời đại.
Khơi thông mọi nguồn lực để tạo đột phá trong phát triển giáo dục và đào tạo, văn hóa, y tế,... trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu của một trung tâm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển. Tất cả nhằm mục tiêu: "Chăm lo và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân".
Thứ năm, với vị trí địa chiến lược quan trọng, Vĩnh Phúc cần coi trọng nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên là tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, trực tiếp bảo đảm an ninh nông thôn, an ninh công nghiệp và yên dân; triệt tiêu từ sớm, từ xa, từ gốc các yếu tố có khả năng gây mất ổn định nhằm bảo đảm môi trường sống và sản xuất an toàn, ổn định, thân thiện để không ngừng thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước phát triển kinh tế, xã hội, môi trường hiện đại, bền vững, nhân văn.Sinh thời, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương được Hồ Chủ tịch dành nhiều tình cảm và sự quan tâm. Người đã có 8 lần về thăm Vĩnh Phúc, đặc biệt, trong lần thăm ngày 2/3/1963, Người dặn dò: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trao Bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo lời Bác dạy - Ảnh: Báo Vĩnh Phúc
Thực hiện lời căn dặn của Người, 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, nỗ lực, đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đưa Vĩnh Phúc từ một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh công nghiệp, trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy của cả nước và đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Phúc luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương, cung cấp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến; là tỉnh dẫn đầu toàn miền Bắc về sản xuất lương thực, cây trồng, làm thủy lợi và phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.
Tổng kết các cuộc kháng chiến, toàn tỉnh có gần 16.000 liệt sĩ, 1.600 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 500 cán bộ lão thành cách mạng, hơn 700 cán bộ tiền khởi nghĩa, hơn 12.000 thương binh, bệnh binh cùng hàng chục vạn người đang được hưởng chính sách người có công với cách mạng.
Giai đoạn 1997 - 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,27%/năm. Riêng năm 2022, vượt qua khó khăn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế của tỉnh phục hồi, tăng trưởng, với GRDP đạt 9,54%, cao nhất từ năm 2014 đến nay, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Thu ngân sách đạt trên 40.000 tỷ đồng, nằm trong số ít địa phương có số thu nội địa cao nhất cả nước. Đến nay, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm trên 93%; nông-lâm nghiệp, thuỷ sản còn 6,85%.
Đô thị Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại, đáng sống đang dần hiện hữu; những địa danh in dấu chân Bác Hồ về thăm trước đây như Vĩnh Yên, Tam Đảo, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Phúc Yên đều là các địa phương phát triển, nơi đáng sống, với văn hóa, giáo dục được nâng cao, hệ thống cơ sở hạ tầng đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Cùng với phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; là địa phương đi đầu trong sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, với quan điểm “lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân” và “mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”, Vĩnh Phúc đang triển khai thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại 28 thôn, tổ dân phố.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, trong đó, quyết định đầu tư và huy động các nguồn lực cho văn hóa, tối thiểu 2% tổng chi ngân sách và dành từ 8 - 10% trên tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho lĩnh vực văn hóa.
Để xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng “giàu mạnh, phồn vinh” như lời căn dặn của Bác, thời gian tới, toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân sẽ luôn phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thi đua hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, quyết tâm xây dựng Vĩnh Phúc thành vùng đất đáng sống, thành địa chỉ đầu tư đáng tin cậy và điểm đến văn hóa của cả nước./.
Việt An