Bắc Kạn: Phát động chiến dịch truyền thông về trồng rừng và phục hồi rừng, giảm phát thải nhà kính
Dự buổi lễ có đồng chí Mai Bắc Mỹ - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội, Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Giám đốc Chương trình rừng và trang trại Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Nông Quang Nhất - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh. Lễ phát động nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ Hội, hội viên và người dân về vai trò của rừng, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia trồng rừng, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất nhấn mạnh, trong những năm qua, phong trào thi đua trồng, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo có hiệu quả, góp phần thực hiện Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" do Thủ tướng Chính phủ phát động. Công tác quản lý, bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, rừng phòng hộ của tỉnh ngày càng tốt hơn; môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của rừng được bảo vệ và phát triển. Công tác trồng rừng sản xuất được quan tâm đẩy mạnh cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu loại cây trồng theo hướng phát triển rừng trồng gỗ lớn và hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với chế biến đa dạng các sản phẩm từ gỗ có giá trị cao.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 374.000 ha rừng, trong đó, rừng tự nhiên có gần 272.000 ha, rừng trồng trên 100.000 ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 của tỉnh đạt trên 73,3%, là tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước. Sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh đã góp phần từng bước nâng cao đời sống cho Nhân dân, nhất là đời sống của người làm nghề rừng không ngừng được cải thiện. Hiện nay, sản xuất lâm nghiệp đã trở thành một trong những động lực quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Song song với các cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng rừng, trồng cây xanh của Trung ương và của địa phương thông qua các chương trình, dự án đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, phong trào trồng cây, trồng rừng tiếp tục được các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm, ủng hộ. Trong đó, tỉnh Bắc Kạn được Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Đây là cơ hội lớn để hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường phát triển rừng, gắn việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trồng rừng với bảo vệ tài nguyên rừng hiện có, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ, góp phần ngăn chặn hành vi chặt phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, tiếp tục cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo hướng sản xuất và chế biến sâu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế rừng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.
Việc trồng cây, trồng rừng có vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra phức tạp, nhất là hiện tượng trái đất nóng lên từng ngày đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của Nhân dân. Cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa thì việc bảo vệ môi trường sinh thái là hết sức quan trọng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, bảo vệ cuộc sống của Nhân dân.Trước những khó khăn, thách thức về vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh, thiên tai xảy ra ngày một gia tăng và khó lường, việc chung tay hành động bảo vệ môi trường của mọi tổ chức và cá nhân là việc làm hết sức có ý nghĩa và mang tính cấp thiết.
Để tiếp tục hưởng ứng phong trào chung tay bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch UBND đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh tập trung tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Tuyên truyền, vận động người dân, các chủ rừng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng rừng bổ sung, trồng rừng mới theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo tất cả diện tích rừng phải được bảo vệ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là rừng tự nhiên.
Tập trung vận động người dân, các chủ rừng tăng cường trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao hơn. Tuyên truyền các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư liên kết hình thành nhóm hộ để xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, hướng đến cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Giám đốc Chương trình rừng và trang trại Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Mai Bắc Mỹ trao biển tượng trưng của Ban Quản lý Chương trình FFF II hỗ trợ cây giống lâm nghiệp cho Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn |
Nhân dịp này, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại FFF II đã trao biển tượng trưng tặng cây giống lâm nghiệp cho Hội Nông dân tỉnh; triển khai trồng tượng trưng 100 cây giống bồ kết tại phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn. Sắp tới, Ban Quản lý sẽ triển khai trồng hơn 3 ha rừng tại 4 xã của huyện Chợ Đồn và Ba Bể (đây là hai huyện đang thực hiện Dự án FFF II tại tỉnh Bắc Kạn).
Sau Lễ phát động, Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn hướng dẫn viết tin, bài, chụp ảnh để đăng trên các phương tiện truyền thông; hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa, cài đặt App Nông dân Việt Nam; hướng dẫn xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp.