Gia Lai: Đến năm 2030 trồng khoảng 800ha sâm Ngọc Linh
Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Gia Lai sẽ hình thành 2 trung tâm trồng khảo nghiệm, sản xuất giống cây sâm để cung cấp cây giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng trên 70% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng sâm; diện tích sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng sản xuất khoảng 800ha, 100% diện tích trồng sâm Ngọc Linh được cấp mã vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.
Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai phấn đấu hình thành thêm ít nhất 2 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu tại các địa phương trọng điểm phát triển dược liệu của tỉnh và ít nhất 1 nhà máy sản xuất thuốc từ sâm Ngọc Linh đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (thực hành sản xuất tốt). Mục tiêu đến năm 2045, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho tỉnh.
Tỉnh Gia Lai chú trọng đến phát triển cây sâm Ngọc Linh |
Để triển khai thực hiện chương trình, UBND tỉnh đề ra một số nhóm nhiệm vụ, theo đó:
-Huyện Kbang sẽ rà soát, xác định cụ thể các khu vực; quy mô trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện canh tác, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đa dạng sinh học, đất đai và các quy định liên quan khác.
-Việc xây dựng và triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, áp dụng quy trình nuôi trồng và thu hái sâm Ngọc Linh theo VietGAP, GlobalGAP; hướng dẫn thực hiện nuôi trồng và thu hái sâm Ngọc Linh theo nguyên tắc GACP-WHO và thực hành sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh theo tiêu chuẩn GMP-WHO nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh.
-Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khai thác sâm Ngọc Linh gắn với sản xuất theo chuỗi, tạo giá trị gia tăng của sản phẩm, phát triển kinh tế cho người dân; phát triển các hình thức hợp tác trong trồng, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm sâm Ngọc Linh. Xây dựng thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh gắn với các chỉ dẫn địa lý; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng có đủ thông tin về sản phẩm; tăng cường tìm hiểu thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; tổ chức hội chợ, hội nghị, hội thảo giới thiệu về các sản phẩm sâm Việt Nam.
-Chú trọng phát triển hạ tầng vùng trồng sâm Việt Nam gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, kết nối với vùng trồng và cơ sở chế biến sâm Ngọc Linh lồng ghép với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn và nguồn vốn đầu tư công.