Giới trẻ "cuồng" Pokemon: Vì sao nên nỗi?
Những câu chuyện chỉ có sau khi Pokemon Go có mặt tại Việt Nam
Bạn trẻ tụ tập trên phố Hàng Khay giữa đêm khuya để bắt Pokemon.
Một trong những bạn trẻ thường xuyên dạo hồ Hoàn Kiếm bắt Pokemon, Vũ Thanh Tâm chia sẻ:"Dạo trước mình rất lười ra đường, cũng ít vận động. Nhờ trò chơi này mà mình chịu khó ra đường gặp bạn bè hơn. Mình cho rằng đây cũng là một lợi ích của Pokemon. Xem như rèn luyện sức khỏe cũng không tồi đâu".
Bạn Hoài Thanh, 16 tuổi lại có ý kiến khác: "Mình thấy việc các bạn bắt Pokemon trên đường rất nguy hiểm, chẳng chú ý đến giao thông gì cả. Mới hôm qua mình đi trên đường gặp một bạn tạt đầu xe mình và cả một chiếc ô tô bên cạnh để dừng lại bắt Pokemon. Như vậy rất nguy hiểm. Tốt hơn hết là chỉ chơi game khi đi bộ, đi trên vỉa hè mà chơi game thôi".
Bà Loan Chính, nhà ở phố Cát Linh chia sẻ: "Mấy buổi sáng hôm nay ở công viên gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám đông nghịt người đi bộ, mà toàn là thanh niên. Tôi hỏi mới biết được hóa ra toàn các cháu chơi trò chơi. Chúng nó bảo đi bắt Pokemon. Đến cả con nhà tôi cũng đi theo mẹ đi tập thể dục, trong khi ngày bình thường không phải đi học thì nó toàn ngủ đến 9-10h mới dậy".
Ảnh chế về việc Pokemon Go "ám ảnh" giới trẻ như thế nào.
Trong hội những người trẻ mê chơi Pokemon ở Hà Nội, H.T được xem là "đại gia" trong giới chơi Pokemon Go ở Hà Nội vì đầu tư không ít tiền để mua các trang bị, đồ dùng hỗ trợ cho Pokemon trong trò chơi. Thậm Chí, H.T còn dùng xe ô tô riêng để chở cả nhóm bạn đi bắt Pokemon vào các buổi tối trong tuần.
H.T cho biết: "Em là sinh viên đang trong kỳ nghỉ hè nên thời gian tương đối nhiều. Em nghĩ là bỏ vài trăm USD để nạp tiền vào trò chơi thì cũng không quá nhiều, chỉ bằng một chai nước hoa, hoặc một buổi đi bar thôi. Mà chơi như thế này cùng bạn bè thì vừa vui vẻ, lành mạnh lại còn khỏe chân đi bộ nữa".
H.T còn biết rằng nhiều fan của Pokemon Go trên thế giới đã chi hàng ngàn USD cho trò chơi này nên cậu tự thấy bản thân không phải là người "chơi trội".
Phân tích của chuyên gia tâm lý
PGS.TS Vũ Lệ Hoa, giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đánh giá về trào lưu chơi Pokemon Go trong giới trẻ Việt.
Nói về trao lưu chơi trò Pokemon Go trong giới trẻ, PGS.TS Vũ Lệ Hoa, giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đánh giá: "Xét trên góc độ tâm lý, Pokemon Go cũng giống như nhiều trò chơi điện tử khác, có tính hấp dẫn rất cao, chứa nhiều thách thức, dễ gây nghiện".
PGS.TS Vũ Lệ Hoa không đánh giá về những ảnh hưởng tâm lý, đời sống mà trò chơi này có thể mang tới cho người chơi. Chị cho rằng trò chơi có mặt lợi và mặt hại.
Mặt lợi của trò chơi là kích thích sự phát triển của tư duy khi não bộ xử lý các thảo tác, giải những thách đố mà trò chơi đưa ra; đồng thời chơi game kích thích sự sáng tạo. Còn mặt bất lợi của trò chơi là: gây căng thẳng thần kinh, từ đó tăng sự ham muốn chinh phục bằng được thử thách trong game.
Khi quá sức chịu đựng của hệ thần kinh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Điều đó làm cho con người trở nên cáu giận, khó kiểm soát được hành vi của mình. Quá ám ảnh bởi game sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống thực.
Cụ thể, chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn nhỏ xảy ra khi người chơi quá chú tâm vào màn hình điện thoại, gây ra những tai nạn về giao thông. Hoặc khi người chơi quá mải mê chơi game sẽ khiến cho cuộc sống bị ảnh hưởng, đặc biệt là các bạn trẻ đang độ tuổi học tập.
Cũng theo PGS.TS Vũ Lệ Hoa, các bạn trẻ quá lạm dụng trò chơi rất có thể sẽ bị nghiện game. "Nếu như bạn trẻ đã nghiện game thì cai nghiện rất khó và dai dẳng, đòi hỏi sự tham gia của gia đình và những tổ chức có trách nhiệm. Và bản thân người nghiện game cũng phải có ý thức cai nghiện mới được".
Trước ngưỡng nghiện game, người chơi game quá nhiều cũng có thể bị các hiện tượng rối loạn tâm lý như là trầm cảm, vì đặt quá nhiều tâm trí vào trò chơi.
Theo PGS.TS Vũ Lệ Hoa, hiện nay, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM quá thiếu những sân bóng, bóng rổ, cầu lông, nhà văn hoá... để thanh niên rèn luyện thể thao, theo đuổi nghệ thuật... Thanh niên không có đủ không gian để thỏa mãn nhu cầu giải trí, rèn luyện nên dễ bị hấp dẫn bởi những trò chơi trên mạng.
Đây là điều mà các tổ chức Đoàn, Hội, nhà trường, các đơn vị quản lý nói chung cần phải quan tâm hơn tới nhu cầu giải trí lành mạnh của thanh niên.
Mai Châm