42 bác sĩ trẻ tình nguyện công tác tại 26 huyện khó khăn
42 bác sĩ trẻ tình nguyện công tác tại 26 huyện khó khăn. |
Sự kiện này thuộc Dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)" của Bộ Y tế.
Các bác sĩ trẻ được nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I thuộc 10 chuyên ngành được đào tạo bài bản tại trường Đại học Y Hà Nội và sẽ công tác tại 26 huyện khó khăn, biên giới của 10 tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung.
Các bác sĩ cũng đã được nhận chứng chỉ hành nghề, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tại các vùng khó khăn. Đây cũng là cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Dự án này là một trong những phương thức đào tạo thiết thực và hiệu quả nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng tốt hơn...
Trong giai đoạn 1 (2013-2020), Dự án đã khai giảng, đào tạo và bàn giao 15 lớp bác sĩ chuyên khoa cấp I với tổng số 354 bác sĩ cho 82 huyện khó khăn, biên giới thuộc 22 tỉnh miền núi phía bắc, miền trung và Tây Nguyên. Giai đoạn 2 (bắt đầu từ năm 2021) bằng nguồn kinh phí của Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tài trợ, Dự án đã khai giảng 10 lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I cho 345 bác sĩ đang công tác tại 142 huyện khó khăn, biên giới, hải đảo thuộc 37 tỉnh khu vực miền núi phía bắc, miền Trung, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, với cách làm và kết quả đã đạt được, Dự án này đã và đang mang hiệu quả lớn cho ngành y tế và xã hội, cũng như có ý nghĩa phục vụ cộng đồng rất lớn vì tất cả các bác sĩ sau khi tốt nghiệp đều về công tác tại địa bàn vùng sâu, vùng xa.
"Trong ngành Y, đội ngũ bác sĩ cần thường xuyên tự học để cập nhật, nâng cao kiến thức cả lý luận và thực hành nghề nghiệp. Do vậy, những bác sĩ sau tốt nghiệp về địa bàn khó khăn công tác cần giữ kết nối với thầy hướng dẫn cũng như Nhà trường để luôn nhận được hỗ trợ tốt nhất", GS.TS Nguyễn Hữu Tú nhắn nhủ các bác sĩ trẻ.
Nhân dịp này, Bộ Y tế cũng đã tổ chức Lễ khai giảng khóa đào tạo chuyên khoa cấp I cho 42 bác sĩ trẻ lớp 11 thuộc 10 chuyên ngành: Hồi sức cấp cứu, Ngoại, Nhi, Nội, Sản, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Truyền nhiễm, Xét nghiệm và Y học cổ truyền tại Trường đại học Y Hà Nội trong 24 tháng. Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, các bác sĩ trẻ sẽ công tác tối thiểu 5 năm tại các huyện nghèo đã cử đi đào tạo.