Nhận diện thực trạng và kiểm soát bất cập trong công tác đấu thầu: Có “vùng cấm” khi HSDT không đúng quy định vẫn trúng thầu
(SK&MT) - Điều 15 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT): Việc đánh giá HSDT phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSDT và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu (HSMT), căn cứ vào HSDT đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ HSDT của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu. Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số dự án đầu tư phát triển của ngành điện mà đơn vị trúng thầu cho thấy có dấu hiệu bất thường, thiếu minh bạch.
Liệu có vùng cấm?
Gói thầu số 04-1/XL-ĐTXD2019: Thi công xây lắp và hoàn trả hạ tầng kỹ thuật công trình XD mới các TBA trên địa bàn quận Đống Đa năm 2019 (phường Láng Thượng, Láng Trung, Hoàng Cầu, Láng Hạ). Gói thầu được tổ chức theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Giá gói thầu: 3.237.435.695. Có 3 nhà thầu tham gia dự thầu là: CTCP đầu tư xây lắp Việt Hưng, CTCP Đức Giang Việt Nam, CTCP xây lắp Thanh Hà.
Tại HSMT (số 170/QĐ-PC DONGDA được ký phê duyệt ngày 31/01/2019), phần Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, trong đó mục An toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường yêu cầu: An toàn lao động đối với công việc xây lắp chưa liên quan đến việc cắt điện ( xây dựng các trạm biến áp, đường dây, lắp đặt các thiết bị…) mới chưa thực hiện đấu nối vào hệ thống đang vận hành; Đối với công việc xây lắp liên quan đến việc cắt điện, đấu nối với hệ thống đang vận hành; cắt điện từng phần để đại sửa chữa, thí nghiệm định kỳ thiết bị; Phòng cháy, chữa cháy, phòng chống cháy nổ: Tất cả các nội dung được yêu cầu phải có Biện pháp an toàn lao động hợp lý, khả thi phù hợp với đề xuất về biện pháp tổ chức thi công.
Về Quản lý và vệ sinh môi trường, mức độ đáp ứng là: Có biện pháp bảo đảm Quản lý và vệ sinh môi trường hợp lý, khả thi phù hợp với đề xuất về biện pháp tổ chức thi công, đáp ứng các yêu cầu trong phụ lục về quản lý môi trường. Cung cấp bằng chứng về việc “đã có đạt thỏa thuận, hợp đồng nguyên tắc về việc đổ chất thải xây dựng tại bãi thải theo đúng quy định hiện hành” của UBND TP Hà Nội về việc quản lý chất thải xây dựng… Ngược lại, nếu không đáp ứng điều kiện trên là “Không đạt”.
Trong quá trình đánh giá, tổ chấm thầu phát hiện, CTCP xây lắp Thanh Hà không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật: không có biện pháp tổ chức thi công công trình. Với nhà thầu CTCP Đức Giang Việt Nam, không đáp ứng các biện pháp thi công hào cáp và đền bù hè, mặt đường, hợp đồng đổ thải hết hạn 31/12/17.
Vấn đề ở chỗ, dù không đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá trong HSMT, nhà thầu CTCP Đức Giang Việt Nam vẫn được phê duyệt trúng thầu. Giá trúng thầu: 3.020.212.596 đồng.
Tại sao HSDT của CTCP Đức Giang không đáp ứng nhưng vẫn được trúng thầu? Điều 43 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định, xét duyệt trúng thầu đối với đấu thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, một trong các điều kiện đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đủ điều kiện có HSDT, hồ sơ đề xuất hợp lệ.
Trong khi đó, ở một gói thầu khác, HSDT của CTCP Đức Giang cũng không đáp ứng điều kiện về tài chính và kỹ thuật nhưng vẫn được phê duyệt trúng thầu. Đó là gói thầu 105/2019-ĐTXD-XL-ĐTRR: Thi công công trình Khai thác tải trung áp 22kV MBA T3E1.33 Cầu Diễn – Tạo mạch liên thông 22kV với TBA E1.46 Từ Liêm - giai đoạn 2. CTCP Đức Giang Việt Nam trúng thầu với giá: 1.532.225.358 VNĐ (Quyết định phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu - KQLCNT số 1536 /QĐ-PC BACTULIEM ngày 16/10/2019)
Trong HSDT tham gia dự thầu gói thầu này, CTCP Đức Giang không có tài liệu xác nhận của chủ đầu tư cho chỉ huy trưởng công trường đối với tối thiểu 2 công trình có tính chất và qui mô tương tự gói thầu này đảm nhận vị trí chỉ huy trưởng công trình; Không có hợp đồng tương tự, tài liệu chứng minh đã hoàn thành công trình trong E-HSDT; Không có Báo cáo tài chính các năm 2016, 2017, 2018 để chứng minh năng lực tài chính theo mẫu 13a, 13b, xe tải có gắn cẩu có biển kiêm soát 33H-6822 đã hết kiểm định; Không có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, Cam kết bảo hành công trình 24 tháng, xác nhận lại thời gian ký Giấy ủy quyền.
Dù vậy, chủ đầu tư vẫn để CTCP Đức Giang được bổ sung hàng loạt những tài liệu, đặc biệt là tài liệu kỹ thuật từ “không có” thành “có” nhằm thay đổi HSDT.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, với những hạng mục kỹ thuật đã được tổ chuyên gia đánh giá “không đạt” như trên, HSDT của nhà thầu sẽ bị loại vì đây là những tiêu chí đánh giá kỹ thuật cơ bản quy định tại HSMT.
“Tại Khoản 12, Điều 4 Luật Đấu thầu 43/2013/QH13 quy định việc lựa chọn nhà thầu phải thực hiện trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Việc cho bổ sung hàng loạt tài liệu về kỹ thuật như vậy là không công bằng cho các đơn vị tham gia đấu thầu”- vị chuyên gia nhấn mạnh.
|
|
Có sự ưu ái hay bảo kê của các công ty thuộc EVN Hà Nội để cho nhà thầu CTCP Đức Giang trúng thầu hay không, khi nhà thầu này không đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá trong HSMT như: không có Hợp đồng đổ thải; Không có Báo cáo tài chính các năm 2016, 2017, 2018 để chứng minh năng lực tài chính; Không có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, Cam kết bảo hành công trình 24 tháng, xác nhận lại thời gian ký Giấy ủy quyền...
Đồng thời, HSDT không hợp lệ nhưng vẫn được Giám đốc Công ty Điện lực Tây Hồ phê duyệt trúng thầu. Đó là gói thầu: ĐTXD/2019/XL/011 Thi công xây lắp thuộc dự án: Nâng công suất các TBA trên địa bàn quận Tây Hồ năm 2019 (phường Nhật Tân, Quảng An, Bưởi, Thụy Khuê). Khi tham dự thầu gói thầu trên, Liên danh CTCP Đức Giang Việt Nam & CTCP Kỹ thuật công nghiệp và xây dựng Hải Phong không ghi rõ nội dung công việc cụ thể và ước tính giá trị tương ứng mà từng thành viên trong liên danh sẽ thực hiện. Thế nhưng không hiểu sao liên danh này vẫn được chủ đầu tư Điện lực Tây Hồ phê duyệt trúng thầu.
Những “khó hiểu” trong cách mà các công ty Điện lực “cho phép” nhà thầu CTCP Đức Giang trúng thầu hết lần này đến lần khác dù vi phạm HSDT và không đáp ứng được điều kiện kỹ thuật, khiến dư luận bức xúc. Phải chăng chính vì có sự ưu ái, có vùng cấm nên Công ty CP Đức Giang bất chấp làm trái các quy định của Luật Đấu thầu?
Giám đốc Điện lực Tây Hồ có lợi dụng chức vụ khi tổ chức đấu thầu?
Đó là Gói thầu: SCL-2019-MS-060 - Cung cấp tủ điện và vật tư, Các công trình: Đại tu lưới điện hạ thế các TBA phường Bưởi, Thụy Khuê, Phường Xuân La, Phường Yên Phụ, Phường Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân và Đại tu các TBA trên địa bàn quận Tây Hồ năm 2019. Liên danh PGI - Tự Cường trúng thầu với giá trúng: 3.538.486.169 đồng (Quyết định phê duyệt KQLCNT số 869/QĐ – PC TAYHO ngày 16/4/2019).
Trong quá trình đánh giá, Điện lực Tây Hồ cho nhà thầu: Liên danh PGI-Tự Cường được làm rõ hàng loạt như: Làm rõ về giấy phép bán hàng của nhà sản xuất đối với hàng hóa là ống nhựa và Đầu cáp co nhiệt 0,6/1kV 70-120 mm2; Làm rõ về giấy phép bán hàng của nhà sản xuất, đối với hàng hóa là ghíp đơn, ghíp kép; Làm rõ về giấy phép bán hàng của NSX đối với tiếp địa, xà sắt, xi măng, các đá, băng dính, các loại biển báo; Làm rõ về việc trong thời gian bảo hành sẵn sàng cung cấp hàng hóa để thay thế khi sự cố trong vòng 01 ngày kể từ khi nhận được thông báo của Chủ đầu tư, hàng hóa hỏng hóc phải được sửa chữa trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của chủ đầu tư; Điều tra phân tích sự cố và thông báo kết quả nguyên nhân cho chủ đầu tư trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhận được thông báo sự cố; Làm rõ về việc nhà thầu có giấy cam kết khẳng định hàng hóa khi cung cấp có gắn nhãn mác (trên đó có ghi các thông tin về mã hiệu, số serial, năm sản xuất và một số thông số kỹ thuật cơ bản của thiết bị; Làm rõ về việc nhà thầu cam kết trong trường hợp nhà thầu trúng thầu khi giao hàng sẽ xuất trình giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) (đối với hàng hóa nhập khẩu); giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa (C/Q).
Cần nhắc lại rằng, tại Khoản 12, Điều 4 Luật Đấu thầu 43/2013/QH13 quy định việc lựa chọn nhà thầu phải thực hiện trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Theo quy định tại khoản 1, Điều 16 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của bên mời thầu. Đối với các nội dung đề xuất về kỹ thuật, tài chính nêu trong HSDT của nhà thầu, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT đã nộp.
Mặt khác, Chỉ thị 47/CT-TTg quy định phần đánh giá HSDT/Hồ sơ đề xuất (HSĐX) phải căn cứ theo quy định pháp luật về đấu thầu, theo các yêu cầu nêu trong HSMT/Hồ sơ yêu cầu (HSYC), nội dung HSDT/HSĐX, tài liệu làm rõ HSDT/HSĐX (nếu có), bảo đảm khách quan, minh bạch. Trường hợp có những thông tin cần làm rõ, yêu cầu nhà thầu bổ sung tài liệu, làm rõ trên nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT/HSĐX đã nộp.
Tương tự với Gói thầu ĐTXD/2020/MS/114 Cung cấp vật tư thiết bị (gói 2), thuộc dự án Cải tạo trạm biến áp tại 18 Tô Ngọc Vân; Cải tạo trạm biến áp tại 405 Âu cơ; Xây dựng mới các trạm biến áp Phú Thượng 36, Phú Thượng 37, Thụy Khuê 10, Xuân La 39 trên địa bàn quận Tây Hồ; Xây dựng mới các trạm biến áp An Dương 7, Nghĩa Dũng 23, Nhật Tân 21, Quảng An 40 trên địa bàn quận Tây Hồ. Chủ đầu tư: Điện lực Tây Hồ.
Ở gói thầu trên, trong quá trình đánh giá HSDT, chủ đầu tư Điện lực Tây Hồ cho liên danh Lộc Phát – ETINCO vô tư làm rõ, bổ sung tài liệu từ “A đến Z” từ năng lực kinh nghiệm đến kỹ thuật, tài chính nêu trong HSDT của nhà thầu.
Cụ thể, Điện lực Tây Hồ đã cho phép nhà thầu liên danh này như làm rõ về việc kích thước chiều rộng của Tủ điều khiển tụ bù trong bảng kê khác với trong bản vẽ đính kèm E- HSDT; Làm rõ Biên bản thử nghiệm điển hình (Type test) do tổ chức thử nghiệm có thẩm quyền và độc lập với nhà sản xuất thực hiện đối với Đầu cốt xử lý AM50; Làm rõ về ISO của nhà sản xuất Thiết bị giám sát từ xa trạm trung thế tủ RMU; Làm rõ về chế độ điều khiển của Bộ điều khiển tụ bù là điều khiển tự động hay điều khiển bằng tay...
Điều kỳ lạ, tại báo cáo đánh giá HSDT (về kỹ thuật), tổ chuyên gia xét thầu đã khẳng định, Nhà thầu đã làm rõ E-HSDT trong thời gian nêu trên, tuy nhiên nhà thầu chưa làm rõ về cam kết trong thời gian bảo hành sẵn sàng cung cấp hàng hoá để thay thế khi sự cố trong vòng 01 ngày kể từ khi nhận được thông báo của chủ đầu tư; Điều tra phân tích sự cố và thông báo kết quả nguyên nhân cho chủ đầu tư trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhận được thông báo sự cố.
Thế nhưng, Giám đốc Điện lực Tây Hồ Nguyễn Vũ Huy vẫn “bỏ qua” để phê duyệt cho nhà thầu liên danh Lộc Phát – ETINCO trúng thầu gói thầu trên với giá trúng thầu 4.594.914.170 đồng (Quyết định phê duyệt KQLCNT số 1654/QĐ-PC TAYHO ngày 9/7/2020.
Như vậy, nếu căn cứ vào Chỉ thị 47 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định về pháp luật đấu thầu, toàn bộ HSDT của nhà thầu Đức Giang, liên danh PGI-Tự Cường hay liên danh Lộc Phát – ETINCO và kết quả đánh giá HSDT kỹ thuật của chủ đầu tư điện lực Tây Hồ nói riêng và các điện lực thuộc EVN Hà Nội nói chung đều “đi ngược” với quy định pháp luật.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong đấu thầu bao gồm: (Căn cứ theo Điều 89, Luật đấu thầu số 43/2013/QH13): Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu, bao gồm cả hành vi: Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu… ; Gian lận: Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào… |
Hà Trâm