Nhiều nước đã cấm tiệt thứ gây ung thư này nhưng người Việt vẫn ăn hàng ngày
(SK&MT) - Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã “tẩy chay” đồ nhựa dùng một lần vì lo ngại ô nhiễm môi trường và hiểm họa khôn lường tới sức khỏe con người.
Bắt đầu từ năm 2020, Pháp sẽ chấm dứt sự phụ thuộc đối với các loại đồ nhựa chỉ dùng một lần là vứt vào thùng rác.
Ngày 18/9 vừa qua, nước Pháp vừa thông qua luật cấm tất cả cốc, chén, dao, muỗng… sử dụng một lần làm bằng nhựa. Đây được xem là quốc gia đầu tiên cấm sử dụng các loại dụng cụ đựng thức ăn tiện lợi này. Luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020.
Luật này thuộc Chuyển đổi năng lượng cho phát triển xanh, một dự án tham vọng giúp Pháp có nhiều biện pháp hiệu quả chống thay đổi khí hậu. Theo luật, tất cả những sản phẩm dao, chén, ly... sử dụng một lần đều phải phân hủy được và làm từ vật liệu sinh học. Trong 3 năm tới, 50% nguyên vật liệu để sản xuất những vật dụng này phải là vật liệu hữu cơ, có khả năng phân hủy. Đến năm 2025, tỉ lệ này sẽ tăng lên 60%.
Trên thực tế, mỗi năm, chỉ riêng nước Pháp đã thải ra 4,73 tỷ cốc nhựa và khoảng 17 tỷ túi nhựa từ những siêu thị và quán cà phê trên khắp đất nước.
Trước đó, nhiều nước trên thế giới bao gồm Mỹ và Canada cũng đã thông qua lệnh cấm sản xuất và sử dụng những chiếc cốc nhựa dùng một lần.
Tuy không quyết liệt như Pháp, nhưng cách đây 13 năm, Đài Loan đã tiên phong mạnh tay thực hiện những biện pháp nhằm giảm thiểu số lượng sử dụng đồ nhựa dùng một lần cũng như chiến dịch làm sạch đường phố. Theo đó, những sản phẩm như bát, túi, hộp, cốc… làm bằng nhựa dùng một lần không được phép mua bán, sử dụng tại các siêu thị, cửa hàng ăn uống tại Đài Loan.
Bên cạnh đó, lãnh thổ này cũng ban hành luật cấm vứt đồ nhựa dùng một lần ra môi trường. Khi đó, mức phạt tối đa với người vi phạm là 4.310 USD. Chính quyền Đài Loan còn khuyến khích người dân nên mang túi mua hàng hay bát đĩa của mình mỗi khi đi ăn ở nhà hàng.
Nguy cơ ung thư cao từ đồ nhựa dùng một lần
Trong bối cảnh hiện nay, những hành động dứt khoát và quyết liệt của Pháp, Đài Loan.. là điều rất cần thiết và kịp thời vì giúp giảm nhẹ được những vấn đề về chất thải ra môi trường.
Tuy nhiên, không chỉ là vấn đề về môi trường, chúng ta sẽ phải bỏ ngay thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần khi biết mức độ độc hại của chúng với sức khỏe người tiêu dùng.
Với tính năng nhẹ, bền, dễ sử dụng… đồ nhựa dùng một lần đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Những chế phẩm này rất được ưa chuộng tại những cửa hàng đồ uống, đồ ăn nhanh hay trong những buổi party, picnic dã ngoại. Nhưng chính những vật dụng tiện lợi, hữu ích và tưởng chừng như vô hại này lại chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn tới sức khỏe.
Theo các nhà khoa học Mỹ và Canada, các loại cốc nhựa dùng một lần trên toàn thế giới đều được sản xuất từ loại nhựa gọi là Polystyrene hay chính là nhựa mang nhãn số 6.
Polystyrene (viết tắt và thường gọi là PS) là một loại nhựa khá rẻ tiền, có màu trắng, trọng lượng nhẹ, tính dẻo nên thường được sử dụng trong khâu đóng gói bao bì.
Báo cáo nghiên cứu của Chương trình độc chất học quốc gia của Mỹ cho biết, chất Polystyrene khi gặp nhiệt độ thấp hoặc nhiệt độ cao có thể giải phóng ra chất Styrene vô cùng độc hại.
Chất Styrene này là một chất gây ung thư, có thể phá hủy DNA trong cơ thể người, gây dị tật thai nhi, rối loạn hệ thần kinh (mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ), ảnh hưởng đến nồng độ máu (lượng tiểu cầu thấp, gây đột quỵ),….Đặc biệt, chất Styrene là rất dễ xâm nhập vào cơ thể. Và dù nhiễm độc với nồng độ nhỏ cũng có thể để lại hậu quả xấu đối với sức khỏe người sử dụng.
Ngoài ra, trong các sản phầm nhựa còn thường chứa một chất BPA được chứng minh có khả năng gây ung thư, tác động đến não làm chậm phát triển, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh.
Nên tiếp tục hay ngừng sử dụng đồ nhựa dùng một lần?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội), vấn đề nên tiếp tục hay ngừng hẳn việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần hiện nay vẫn là một cuộc tranh luận chưa đến hồi kết.
Thực tế cho thấy, đồ nhựa là một bước tiến của công nghệ, đảm bảo độ tiện lợi. Nhưng đồ nhựa nói chung cũng có nhiều nguy cơ, còn chuyện nguy cơ đến đâu, rồi chuyện đựng bằng vật liệu có nguồn gốc sinh học mới là lựa chọn hoàn hảo thì đến bây giờ vẫn là vấn đề đang còn tranh cãi.
Mặt khác, ngày nay có quá nhiều bệnh tật tìm đến con người nên người ta mới phải tranh cãi đến chuyện cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Đặc biệt, hiện nay có những bệnh xuất hiện không phải do nhiễm trùng lây lan, tức là do chất hóa học tích tụ trong cơ thể nên càng khiến chúng ta phải suy nghĩ về những vật dụng vẫn dùng hàng ngày, trong đó có đồ nhựa nói chung. Câu hỏi đặt ra bây giờ là đồ nhựa có gây ra nhiễm độc hay không, có gây nên bệnh này bệnh kia hay không.
Theo ông Thịnh, nguy cơ sử dụng đồ nhựa dùng một lần với thực phẩm đặt trực tiếp vào đó thực sự không thể lý giải hết được. Nhưng cách tốt nhất là càng giảm được việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần thì càng tốt. Đã là đồ nhựa dùng một lần thì chỉ dùng một lần rồi vứt bỏ để được thu lại và tái chế.
Những loại cốc nhựa dùng một lần để ăn cháo, ăn chè hay hộp đựng cơm trưa mà dân văn phòng, sinh viên… hay mua ngoài hàng cơm là những ví dụ tiêu biểu cho việc đồ nhựa chỉ được dùng một lần .
Những loại cốc nhựa dùng một lần để ăn cháo, ăn chè hay hộp đựng cơm trưa mà dân văn phòng, sinh viên… hay mua ngoài hàng cơm là những ví dụ tiêu biểu cho việc đồ nhựa chỉ được dùng một lần mặc dù nguy hại đến đâu hiện nay các nhà khoa học cũng chưa giải thích hết được. “Độc tố có thể đi từ thực phẩm có sẵn mầm bệnh, vi khuẩn, nấm ẩn chứa sẵn trong thực phẩm hoặc có thể đi từ các mắt xích từ nhựa polyme hoặc thậm chí là son môi… cũng có thể gây nên những căn bệnh nguy hiểm chứ không hoàn toàn là từ đồ nhựa. Do đó, cái gì tránh được thì chúng ta nên tránh”, chuyên gia đưa ra lời khuyên.
Ông cũng cho biết thêm, nếu là những loại chai nhựa dùng vài ba lần để uống nước lọc cũng không vấn đề gì cả. Nhưng nếu đó là chai đựng dầu, sữa… nói chung là loại chai nhựa chứa chất béo thì sẽ có khả năng hòa tan vào nước những chất khác, chất nhựa có cơ hội thôi nhiễm ra, gây ảnh hưởng sức khỏe con người.
Thêm nữa, nguyên tắc của đồ nhựa dùng một lần để đựng thực phẩm là sau lần dùng đầu tiên, đồ nhựa đó được thu lại và không được dùng để tái chế lại dùng trong công nghệ thực phẩm nói chung nữa. Nếu cứ tiến hành đựng thực phẩm trong đồ nhựa tái chế thì nguy cơ bị bệnh từ đồ nhựa là cực lớn. Vấn đề này phải được nhà nước phối hợp cục vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm soát gắt gao mới tránh được bệnh tật sinh ra từ mối nguy này.
Phạm Hậu