Quản lý nhà nước về báo chí trong thời kỳ chuyển đổi số: Thực trạng và giải pháp
Ảnh minh họa. Nguồn Internet. |
Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, có vai trò tích cực trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí nước ta không ngừng phát triển mạnh mẽ, đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc đấu tranh giải phóng trước đây và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trước yêu cầu mới của cách mạng, tăng cường công tác quản lý, phát huy vai trò của báo chí là yêu cầu khách quan, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Báo chí đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, chống các tiêu cực, tệ nạn xã hội.
Báo chí là một bộ phận của truyền thông đại chúng (TTĐC), nhưng là bộ phận chiếm vị trí trung tâm, vai trò nền tảng và có khả năng quyết định tính chất, khuynh hướng, chi phối năng lực và hiệu quả tác động của TTĐC. Do đó, trong nhiều trường hợp, có thể dùng báo chí để chỉ truyền thông đại chúng; và ngược lại, nói đến TTĐC - trước hết phải nói đến báo chí.
Báo chí theo nghĩa rộng, bao gồm báo in, báo chí phát thanh, báo chí truyền hình, báo mạng điện tử (“phát hành” trên mạng internet) và hãng thông tấn. Báo chí theo nghĩa hẹp, là bao gồm báo, tạp chí và bản tin thời sự. Báo chí là hiện tượng xã hội đa nghĩa, phức tạp và có nhiều cách tiếp cận không giống nhau trong các xã hôi có thể chế chính trị khác nhau.
Quản lý báo chí có thể phân chia thành hai cấp độ: quản lý vi mô và quản lý vĩ mô. Quản lý vi mô là quản lý tòa soạn báo chí. Ở cấp độ này, có thể gọi là quản trị tòa soạn báo chí. Quản lý vĩ mô là quản lý nhà nước về báo chí.
Tất cả các cấp độ quản lý trên đây đều phải dựa trên những quan điểm, nguyên tắc nhất định. Quản lý báo chí ở nước ta đều phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và triệt để của Đảng. Do đó, việc nắm vững, quán triệt những quan điểm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta về báo chí và quản lý nhà nước về báo chí là một yêu cầu có ý nghĩa cơ bản và cấp thiết. Lãnh đạo hoạt động báo chí là việc đưa ra các chủ trương, đường lối cho báo chí hoạt động đảm bảo định hướng, đúng tôn chỉ, mục đích, phát huy chức năng nhằm phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Vai trò quản lý nhà nước đối với báo chí trong quá trình chuyển đổi số
Để các cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công thì vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí rất quan trọng. Không chỉ là tạo hành lang pháp lý cho thử nghiệm các công nghệ mới mà còn hỗ trợ 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số, bao gồm: Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần; hỗ trợ phòng, chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.
Thực trạng công tác lãnh đạo, quản lý báo chí trong quá trình chuyển đổi số
Trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà phải chủ động tìm lời giải cho những thách thức khốc liệt để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình. Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí. Việc hỗ trợ của nhà nước giúp cơ quan báo chí chuyển đổi số bước đầu chọn lựa ra 20% cơ quan báo chí gây ảnh hưởng 80% độc giả, sau đó hỗ trợ 80% cơ quan báo chí còn lại.
Từ các cơ sở pháp lý, căn cứ thực tiễn nêu trên, dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu chung, mục tiêu đến năm 2025, mục tiêu đến năm 2030. Theo đó, báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ; Phát triển các sản phẩm báo chí số, các nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý.
Cụ thể, đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có (trang web, mạng xã hội uy tín và các nền tảng công nghệ số trong nước); 80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí…; 30% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân; Các cơ quan báo chí có ảnh hưởng lớn trong xã hội tăng lượng truy cập trực tiếp vào trang web lên mức tối thiểu 50% tổng lưu lượng truy cập. Các báo Đảng địa phương tăng lượng truy cập trực tiếp vào trang web lên mức tối thiểu 30% tổng lưu lượng truy cập; 50% các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí hoàn thành chương trình cải cách giáo trình đào tạo cho sinh viên, bổ sung các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số; 50% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý số, tổ chức sản xuất và phát hành nội dung báo chí trên nền tảng số.
- Cả nước hiện có 812 cơ quan báo chí , trong đó có 138 cơ quan Báo và 674 cơ quan Tạp chí. Báo, Tạp chí chỉ thực hiện loại hình in là 516; thực hiện 02 loại hình là 266; chỉ thực hiện loại hình điện tử là 30. - Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người (trong đó, khối báo chí in, báo chí điện tử xấp xỉ 24.500 người). - Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2015 tính đến tháng 31/12/2023 là 20.597 (trong đó khối báo chí in, báo chí điện tử có 13.081 trường hợp). - Về công tác truyền thông chính sách theo Chỉ thị 07/CT-TTg: + Đã có 81/93 Bộ, ngành, địa phương ban hành Chương trình/kế hoạch triển khai Chỉ thị (đạt 87,10%). + Có 66/93 đơn vị đã xây dựng mạng lưới kết nối truyền thông; có 12.704 đầu mối từ Bộ, ngành trung ương đến địa phương (cấp xã) về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. |
Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2030, 90% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 90% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 90% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí…; 50% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân; các cơ quan báo chí có ảnh hưởng lớn trong xã hội tăng lượng truy cập trực tiếp của người dùng vào trang web chính thức lên mức tối thiểu 70% tổng lưu lượng truy cập, giảm lượng truy cập từ các nền tảng tìm kiếm và mạng xã hội xuống 30%; 90% các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí hoàn thành chương trình cải cách giáo trình đào tạo cho sinh viên, bổ sung các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số; 90% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý số, tổ chức sản xuất và phát hành nội dung báo chí trên nền tảng số.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí hiện nay
Những năm gần đây các nhà lãnh đạo và quản lý ở nhiều cấp, nhiều ngành nghề trong nước và quốc tế hay nói đến phẩm chất của người lãnh đạo và quản lý nói chung phải có: Tâm - Tầm- Tài. Lý giải để hiểu và hiện thực hóa ba từ này như thế nào?
Thứ nhất, người lãnh đạo phải có Tâm. Chữ Tâm ở đây gần nghĩa với chữ Đức mang ý nghĩa là trái tim, tình cảm, lương tâm, đạo đức của con người. Đó là lòng từ bi, tình yêu thương, sự say mê, trách nhiệm từ suy nghĩ đến hành động của người lãnh đạo, quản lý. Thứ hai, chữ Tầm, có nghĩa là sự hiểu biết, tầm nhìn xa trông rộng, sự nhìn nhận một cách toàn diện của một người để giải quyết các vấn đề đồng thời biết phán đoán và đề ra chiến lược dài hơi cho sự phát triển trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thứ ba, chữ Tài, là năng lực làm một nghề, những việc có ích cho xã hội với chất lượng tốt, đặc biệt, người quản lý phải ra được các quyết định chính xác, kịp thời để cấp dưới thực hiện đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, nghề báo chí có tính đặc thù và rất nhạy cảm bởi chi phối bởi các hình thức, phương thức phản ánh nhanh, nhạy, có sức lan tỏa rộng “không biên giới”, tác động đến nhiều tầng lớp, công chúng khác nhau. Đặc biệt thông tin của báo chí trực tiếp tác động đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội từng phút, từng giây trong thời đại truyền thông công nghệ số, vì vậy mỗi nhà báo, phóng viên, đơn vị báo chí phải cố gắng theo kịp để đáp ứng nhu cầu của công chúng. Chính vì vậy, thiết nghĩ những người lãnh đạo, quản lý báo chí nước ta cần quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước ta cần khẩn trương quyết liệt, nhất quán trong quy hoạch phát triển mạng lưới cơ quan báo chí truyền thông, cơ sở đào tạo bồi dưỡng và đội ngũ lãnh đạo, quản lý, báo chí truyền thông từ trung ương, các bộ, ngành đến địa phương.
Thứ hai, xây dựng được đội ngũ những người làm báo vừa Hồng, vừa Chuyên. Ngoài tinh thông về nghiệp vụ, người lãnh đạo, quản lý và các nhà báo, phóng viên trong mỗi cơ quan báo chí phải vững vàng về chính trị, tư tưởng, hiểu biết pháp luật, không ngừng sáng tạo, luôn tìm đến cái mới để khám phá, thực hiện. Để giải quyết được vấn đề này, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực báo chí trong nước và tự thân mỗi cơ quan báo chí phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết từng khâu: tìm nguồn, đầu vào, nội dung, chương trình đào tạo, trong đó coi trọng khâu thực hành. Muốn tạo được đội ngũ những người làm báo đủ Tài và Đức, nhà lãnh đạo, quản lý phải tập hợp được những người yêu thích, say mê, sáng tạo các công việc của nghề nghiệp báo chí một cách bền bỉ và lâu dài.
Thứ ba, tạo được môi trường pháp lý và môi trường làm việc rõ ràng, minh bạch, dân chủ, bình đẳng cho các cơ quan báo chí trung ương đến địa phương và trong mỗi cơ quan báo chí; có chế độ đãi ngộ, khen thưởng kịp thời đối với những nhà báo, phóng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng thời phê bình, xử lý những người thiếu ý thức, không hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ tư, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm (từng phần đến toàn phần) cho đơn vị, cá nhân, phân công công việc rõ ràng, phù hợp với năng lực, sở trường của từng người, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc.
Thứ năm, có kế hoạch cụ thể về chế độ học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị chuyên môn nghiệp vụ, khoa học, công nghệ; khuyến khích tự học, tự bồi dưỡng là chính; tổ chức những giải thưởng, cuộc thi đồng thời vinh danh những tác phẩm, cơ quan, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên có những đóng góp xứng đáng đối với từng mặt hoạt động để giúp đơn vị, địa phương hay báo chí chuyên ngành và báo chí quốc gia phát triển.